10/01/2008 - 23:15

Bất ổn Kosovo !

Tân “Thủ tướng” Kosovo Hashim Thaci.

Với việc ông Hashim Thaci được cơ quan lập pháp Kosovo chọn làm “thủ tướng” hôm 9-1, tình hình tỉnh miền Nam Serbia này vốn đang nóng lại càng trở nên căng thẳng hơn. Ông Thaci, 39 tuổi, từng bị Chính phủ Serbia cáo buộc phạm tội ác chiến tranh khi chỉ huy tổ chức Quân đội Giải phóng Kosovo chống lại lực lượng trung thành với cố Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic hồi cuối những năm 1990.

Phát biểu với hãng tin Mỹ AP, ông Thaci khẳng định việc Kosovo tuyên bố độc lập chỉ còn tính bằng tuần, đồng thời yêu cầu Chính phủ Serbia thôi xác lập chủ quyền đối với tỉnh này. Tuy nhiên, ông Thaci nói rằng sẽ không “đơn phương” tuyên bố độc lập mà phải chờ sự phê chuẩn của Mỹ và một số nước chủ chốt ở châu Âu (?!). Các nguồn tin nước ngoài cho hay nhiều khả năng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ công nhận Kosovo là quốc gia độc lập ngay trong tháng 1-2008. Washington và Brussels lập luận rằng chỉ khi Kosovo độc lập thì mới có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực sắc tộc kéo dài triền miên ở đây. Trong cuộc họp báo cuối năm 2007, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói thẳng thừng rằng Serbia và Kosovo sẽ không bao giờ trở lại là những bộ phận của cùng một quốc gia. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng cho rằng “về lâu dài, việc độc lập của Kosovo là không tránh khỏi”. Mới đây, EU thậm chí còn cho biết sẽ gởi 1.800 cảnh sát và nhân viên tư pháp đến Kosovo để bảo đảm cho tiến trình chuyển từ một tỉnh sang một quốc gia độc lập được suôn sẻ. Được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây nên cũng dễ hiểu khi mới đây chính quyền Kosovo không ngần ngại bác bỏ đề nghị của Chính phủ Serbia về việc cho Kosovo hưởng quyền tự trị tối đa.

 

Kosovo rộng 10.908 km vuông với 1,8 triệu dân, trong đó 90% là người gốc Albanie và 8% là người Serbia. Sau cuộc không kích  kéo dài 78 ngày của NATO hồi năm 1999 (nói là để chấm dứt việc quân đội Serbia đàn áp người gốc Albanie ly khai), Kosovo được đặt dưới sự quản lý của LHQ. Hiện có 16.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO đóng ở Kosovo.

Trong khi đó, Nga và Serbia vẫn giữ lập trường cực lực phản đối việc Kosovo ly khai. Mát-xcơ-va tuyên bố sẽ phủ quyết nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra bỏ phiếu về việc công nhận Kosovo độc lập. Còn Chính phủ Serbia dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với các nước ủng hộ tham vọng của chính quyền Kosovo. Belgrade cho rằng việc chấp nhận cho Kosovo tách khỏi Serbia sẽ tạo ra hiệu ứng domino, dẫn tới nhiều vụ ly khai khác và do đó có thể “xé nát” khu vực Balkans. Chính phủ Serbia tuyên bố sẽ có “biện pháp mạnh” nếu Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, dĩ nhiên không loại trừ khả năng Belgrade sẽ phải dùng đến vũ lực.

L.V (Theo VOA, USD Today, AP)

Chia sẻ bài viết