29/02/2020 - 09:29

Bắt đầu từ sản xuất sạch 

Cuối năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Chanh không hạt xã Trường Long (huyện Phong Điền) đón nhận Giấy chứng nhận VietGAP và Quyết định công nhận nhãn hiệu Chanh không hạt Trường Long, đánh dấu bước phát triển mới của sản phẩm nông nghiệp này. Không chỉ các thành viên HTX Chanh không hạt mà nhiều tổ liên kết sản xuất, HTX khác do hội viên phụ nữ tham gia gầy dựng cũng quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, bắt đầu từ việc áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch, an toàn.

Với 50 triệu đồng được Trung ương Hội Phụ nữ tài trợ cho Đề án đạt giải xuất sắc tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trường Long và HTX Chanh không hạt xã Trường Long thực hiện các phần việc phát triển sản phẩm. HTX đã tuyên truyền, vận động 25 xã viên tham gia trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 12,3ha; mở lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên và phối hợp chuyên gia tiến hành khảo sát, thu mẫu đất, nước để phân tích, đăng ký tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng hố thu gom rác thải tập trung,… Đầu tháng 9-2019, HTX đã hoàn thành hồ sơ chứng nhận VietGAP, thiết kế logo, làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của HTX.

Bà Lại Thị Ngận, Giám đốc HTX Trái cây Tân Lộc, quận Thốt Nốt (bìa trái), giới thiệu vườn nhãn đang nuôi bông ra trái được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX Chanh không hạt xã Trường Long cho biết: "Áp dụng kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận rõ ràng, chanh không hạt của HTX được khách hàng quan tâm nhiều hơn. Thành công bước đầu là HTX đã ký kết thêm với Công ty Vườn Trái Cửu Long để bán chanh làm nước ép. Gần đây, có thêm công ty ở tỉnh Hậu Giang cũng mở lời sẽ kết nối tiêu thụ sản phẩm chanh không hạt của HTX. Đặc biệt, hiệu quả lâu dài mà cách làm mới đem lại là giá thành sản phẩm được hạ xuống, do hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; xã viên quen với kỹ thuật canh tác sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, HTX thu hoạch 142 tấn chanh tươi, bán được 1 tỉ 170 triệu đồng, lợi nhuận tăng 200 triệu đồng so với cùng kỳ 2018".

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long, cho biết: "Quá trình thực hiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chúng tôi nhận được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của Sở Khoa học Công nghệ và Hội LHPN thành phố. Duy trì định kỳ 2 năm tái công nhận VietGAP một lần, trong đó, định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, cán bộ kỹ thuật tiến hành lấy mẫu, kiểm tra 1 lần. Chúng tôi định hướng mở rộng quy mô canh tác từ 12,3ha lên 15ha và đăng ký thực hiện dán mã code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với những nỗ lực này, chúng tôi mong sản phẩm chanh không hạt của HTX sẽ còn đi xa hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho bà con".

HTX Trái cây Tân Lộc, ở quận Thốt Nốt, cũng định hướng phát triển theo con đường sản xuất trái cây sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hướng dẫn chúng tôi thăm vườn nhãn Idor đang thời kỳ nuôi bông ra trái, bà Lại Thị Ngận, Giám đốc HTX Trái cây Tân Lộc phấn khởi cho biết: "Được Chi cục Bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp quận hỗ trợ kết nối với Công ty phân hữu cơ Con voi Bình Dương, hiện có 4 thành viên HTX được hỗ trợ phân bón hữu cơ toàn bộ mùa vụ, trong đó có tôi. Tổng diện tích 4.200m2 nhãn Idor của tôi năm nay hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Sử dụng phân bón hữu cơ, cây cho cơi bông khỏe mạnh hơn nhiều, hứa hẹn nhãn trúng mùa".

Tất cả xã viên HTX nghiêm túc áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, từ quy trình chăm sóc, bón phân, bảo hộ lao động, đến ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch,… Kết quả, đợt trái tháng 9-2019 đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hiện đợt trái này, bà Ngận hoàn toàn tự tin trái nhãn đảm bảo sạch, an toàn theo quy định của tiêu chuẩn. Tận dụng lợi thế này, HTX Trái cây Tân Lộc động viên các xã viên là hội viên Hội LHPN tham gia Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng của phường để tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách nhằm tăng thu nhập, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm trái cây sạch của HTX đến nhiều khách hàng hơn.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Lộc, cho biết: "Trái cây sạch, an toàn sẽ góp phần tạo nên thương hiệu và uy tín bền vững nhất, từ đó sẽ cải thiện giá trị sản phẩm. Bên cạnh hỗ trợ của Phòng Kinh tế quận về tập huấn kỹ thuật, Hội thường xuyên tuyên truyền hội viên tham gia HTX tuân thủ quy trình canh tác đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Hướng tới, chúng tôi cũng dự định đăng ký nhãn hiệu cho trái nhãn sạch Tân Lộc".

Theo Hội LHPN TP Cần Thơ, bên cạnh các sản phẩm chanh không hạt và nhãn của 2 HTX trên, hội viên phụ nữ thành phố đang phát triển sản xuất rau sạch và nhiều thực phẩm sạch khác. Đây là hoạt động kinh tế gắn phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", "Phụ nữ cam kết thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng".

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết