Năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5. WHO kêu gọi các nước tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các quy định hiện có; tăng cường bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ gia tăng
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khá cao.
Hàng trăm sinh viên ở TP Cần Thơ mít tinh, diễu hành kêu gọi bảo vệ trẻ em trước khói thuốc lá.
Với thành phần có chứa chất nicotine, thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới, đã nhanh chóng gây nghiện trong giới trẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7% (năm 2023). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn.
Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotine, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và mức độ lan nhanh trong cộng đồng, cùng với các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.
Một số cách mà ngành công nghiệp thuốc lá trên toàn cầu tiếp cận giới trẻ: thiết kế, bao bì hấp dẫn; thêm các hương vị/mùi phổ biến hấp dẫn; tài trợ cho người nổi tiếng và cuộc thi của thương hiệu; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại tại các điểm bán hàng gần trường học; tiếp thị thông qua mạng xã hội và máy bán hàng tự động; quảng cáo trên các phương tiện truyền thông; sử dụng đa dạng các hình thức như giảm giá, tổ chức các cuộc thi và khuyến mại quà tặng...
Xây dựng môi trường không khói thuốc
WHO kêu gọi các nước tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các quy định hiện có. Theo WHO, thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm: thực hiện môi trường không thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng Internet; tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ.
Song song đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.
Tại TP Cần Thơ, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ đã triển khai hàng trăm cuộc truyền thông trực tiếp đến học sinh - sinh viên ở các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học; thanh niên ở các công ty, xí nghiệp... Đồng thời, truyền thông gián tiếp qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình, mạng xã hội. Hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc lá 31-5, ngành Y tế Cần Thơ đã tổ chức đoàn với hàng trăm sinh viên tham gia mít tinh, diễu hành; treo băng rôn; tuyên truyền bằng xe lưu động... qua các tuyến đường chính nội ô thành phố và lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt... của ngành Y tế nhằm kêu gọi xây dựng môi trường không khói thuốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty thuốc lá đang tích cực sử dụng các kênh truyền thông, nhất là mạng xã hội để tiếp cận người sử dụng ở mọi lứa tuổi nhằm tạo ra những người hút mới, đặc biệt là nhằm vào giới trẻ. Ước tính trên toàn cầu có khoảng 150 triệu người trẻ, trong đó có 16 triệu trẻ em dưới 18 tuổi, đã tiếp cận với các thông tin quảng cáo về thuốc lá trên mạng xã hội.
Bài, ảnh: H.HOA