07/01/2025 - 09:31

Bảo tồn giống khóm Tắc Cậu 

Chúng tôi về xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vào một ngày giữa tháng 12-2024. Chiếc phà nhỏ đưa chúng tôi sang cồn Tắc Cậu được ôm ấp bởi hai con sông Cái Lớn và Cái Bé. Vừa đặt bước chân đầu tiên lên cồn đã thấy cây khóm mọc khắp nơi, với tay có thể hái được. Thủ phủ khóm Tắc Cậu là đây!

Thu hoạch khóm Tắc Cậu.

Ông Dư Văn Thái, một người trồng khóm lâu năm ở cồn Tắc Cậu lấy xuồng chở đoàn tham quan tiến sâu vào các con kênh nhỏ xẻ dọc theo rẫy khóm, bên trên trồng nhiều cau và dừa. Câu chuyện về những thăng trầm của trái khóm Tắc Cậu cũng được ông Thái kể lại. Ông Thái bảo: “Khóm Tắc Cậu có thể được xem là “đệ nhất khóm” bởi vị ngọt thanh dịu nhờ sự kết hợp của chất đất phù sa với chất mặn và chất phèn mà ít nơi nào có được. Một điểm khác biệt nữa là do trồng xen với cây dừa và cây cau, trái khóm ít bị ánh nắng tác động trực tiếp nên về hình dáng ít có trái bị thon phần ngọn như những vùng trồng chuyên canh khóm. Từ những năm 1950, khóm vùng này đã có tiếng với tên gọi khóm Tắc Cậu. Khóm Tắc Cậu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể năm 2013”.

Rồi những thông tin như trái khóm sẽ chín trong bao lâu sau khi tượng hình, khi thu hoạch xong nông dân sẽ làm gì để ra đợt mới... được ông Thái chia sẻ mạch lạc, làm ai nấy đều bị hấp dẫn và muốn được trải nghiệm việc thu hoạch trái khóm trứ danh nơi đất cồn. Tiếng nước rẽ những con sóng lăn tăn vào mạn xuồng, tiếng xuồng đụng vào bờ lạch cạch, tiếng mấy con cò đậu trên cây dừa nghe tiếng người liền vỗ cánh bay... tạo nên một khung cảnh miền quê yên bình làm ai nấy đều thấy dễ chịu.

Hai con sông Cái Lớn và sông Cái Bé chảy về biển Tây đi qua địa bàn huyện Châu Thành đã hình thành nên vùng cù lao trù phú Tắc Cậu phía hạ nguồn gồm một phần của hai xã Bình An và Vĩnh Hòa Phú, được người dân khai phá, trở thành vùng đất chuyên canh với ba tầng sinh thái khóm - cau - dừa. Theo những người trồng khóm lâu năm ở cồn Tắc Cậu, khóm được người dân trồng theo mật độ khoảng 28.000 cây/ha. Nếu thuận mùa, bình quân nhà vườn thu được 15.000 trái/năm, giá bán bình quân 10.000 đồng, doanh thu 150 triệu đồng/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí chăm sóc, phân bón, thu hoạch chiếm 30%, người trồng khóm thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

Toàn huyện Châu Thành có khoảng 2.000ha khóm được trồng xen với cau, dừa, riêng xã Bình An có hơn 1.227,6ha trồng khóm, hầu hết là giống khóm Tắc Cậu (khóm Queen). Qua nhiều thăng trầm, khóm Tắc Cậu vẫn giữ vai trò là cây trồng chủ lực giúp người dân các xã Bình An, Minh Hòa, Vĩnh Hòa Phú thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên, do canh tác và sử dụng phân bón vô cơ thời gian dài, liên tục đã làm cho đất bạc màu, mất chất dinh dưỡng. Cùng với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thường xuyên gây ngập úng khiến cây khóm Tắc Cậu phát sinh nhiều loại bệnh hại, năng suất giảm mạnh. “Trước đây ngành Nông nghiệp đã có đề án cải tạo lại cây khóm. Sau thời gian triển khai, bệnh héo khô đầu lá giảm đáng kể nhưng hiện vẫn còn, đồng thời, phát sinh thêm bệnh thối nõn, thối rễ, trái khóm bị héo đầu, có hộ năng suất giảm gần 50%”, ông Thái nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, bệnh thối nõn trên cây khóm là bệnh khá phổ biến và gây hại ở hầu hết các vùng trồng khóm, đặc biệt ở các vùng đất thấp, nhiễm phèn. Tác nhân gây bệnh trên khóm là do nấm Phytophthora nicotianae hoặc nấm Phytophthora cinamomi gây ra. Ðây là một trong những bệnh hại nguy hiểm trên cây khóm, bệnh làm thối ngọn, thối trái, thối rễ, chết cây, giảm năng suất. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng thời tiết nóng ẩm, có nhiều mưa hoặc sương mù, vườn trồng mật độ dày, thoát nước kém, bón thừa phân đạm nhưng thiếu phân kali, canxi và vi lượng. Vườn nhiều sâu, rầy, rệp chích hút tạo vết thương để nấm bệnh xâm nhập.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong năm 2024 đơn vị đã tổ chức 3 lớp tập huấn phòng, trị bệnh trên khóm với 62 nông dân tham dự. Ðể phòng trị bệnh trên khóm hiệu quả không chỉ dùng thuốc hóa học mà cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp từ khâu làm đất, cây giống, chăm sóc và phòng trừ dịch hại. Tuy nhiên, khâu vệ sinh đồng ruộng và chăm sóc khóm của nông dân chưa đúng kỹ thuật hướng dẫn, một số hộ chưa quan tâm đầu tư đúng mức nên một số dịch hại còn phát triển và gây hại trong đó có bệnh thối nõn.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Từ năm 2016-2019, Trung tâm Giống Nông Lâm nghiệp tỉnh thực hiện dự án thu thập lưu giữ và bảo tồn nguồn gen của một số cây ăn quả của tỉnh, trong đó có cây khóm Tắc Cậu. Ðối với đề nghị khảo sát, phục tráng giống, mở lớp tập huấn chuyên sâu về cây khóm cho nông dân trồng khóm Tắc Cậu, Sở sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn, khảo sát, rà soát lại kế hoạch triển khai tập huấn cũng như thực hiện việc phục tráng cây khóm”.

Bài, ảnh: ÐẶNG LINH

 

 

Chia sẻ bài viết