25/02/2008 - 23:00

Bao giờ người dân tái định cư mới được "an cư"

Câu chuyện tái định cư (TĐC) dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng cho đến nay, đa số các dự án trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn bị vướng. Chỉ tính riêng các công trình có vốn đầu tư từ Trung ương cho TP Cần Thơ như: Dự án đường Nam Sông Hậu, dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc; dự án đường dẫn cầu Cần Thơ... đã triển khai từ nhiều năm nay nhưng TĐC vẫn đang làm cho những người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án này phải điêu đứng, khổ sở.

Tái định cư - chờ mòn mỏi!

 Các căn hộ chờ tái định cư tại KV4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. 

Những ngày gần Tết Nguyên đán Mậu Tý, chúng tôi có mặt tại khu vực (KV) 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều - nơi có dự án đường Nam Sông Hậu đi qua. Xen giữa những ngôi nhà đã bị tháo dỡ, gạch đá ngổn ngang là nhiều căn nhà cũ kỹ, xập xệ bên cạnh một số nhà tường mới tinh, vừa xây dựng xong. Một người dân cho biết: Đa số các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Nam Sông Hậu đã nhận tiền bồi hoàn hơn 2 năm nay nhưng chưa có chỗ TĐC. Những hộ bị giải tỏa trắng chưa có nơi di dời phải chấp nhận ở nhà cũ, vì không được sửa chữa mà cũng chẳng ai dại gì bỏ tiền ra để nâng cấp những “xác nhà” đã được bồi hoàn; những hộ dân bị giải tỏa nhà nhưng còn đất thì tự tháo dỡ bàn giao mặt bằng và cất lại nhà mới trên phần đất còn lại sau giải tỏa. Ông Hoàng Hợi, một người dân bị giải tỏa trắng trong dự án đường Nam Sông Hậu, bức xúc: “Chúng tôi nhận tiền bồi hoàn từ năm 2005, khi giá vàng chỉ khoảng 700.000 đồng/chỉ; sắt chỉ mới 4.000 đồng/kg, gạch 300 đồng/viên. Đến nay, vàng đã tăng lên 1.700.000 đồng/chỉ; gạch tăng giá gấp 4 lần... Cứ đà này, đến lúc Nhà nước cấp nền TĐC thì có lẽ người dân không còn đủ tiền để cất nhà nữa”.

Không chỉ khổ sở vì chờ đợi TĐC mà hơn 100 hộ dân đủ điều kiện giải quyết TĐC dự án đường Nam Sông Hậu còn phải đối mặt với hàng loạt các thông tin “mơ hồ” của các ngành chức năng: Ban đầu là chủ trương mua nền trong các khu dân cư để bố trí TĐC, sau đó lại hỗ trợ TĐC phân tán; lúc thì người dân nhận thông báo TĐC tại khu dân cư Thới Nhựt, khi thì khu dân cư Diệu Hiền, khi lại là khu dân cư Hồng Phát... Và 2 năm nay, người dân vẫn mỏi mòn chờ đợi khi chủ trương TĐC của dự án vẫn nằm trên giấy! Việc chậm bố trí TĐC của dự án Nam Sông Hậu còn đặt chính quyền địa phương trước một vấn đề nan giải: Hàng loạt các căn nhà không phép, trong đó có những căn nhà siêu mỏng, đã được xây dựng ngay trên mặt tiền con đường dự mở. Người dân vì bức bách về chỗ ở nên chấp nhận vi phạm, còn chính quyền trong thời điểm nhạy cảm hiện nay cũng không thể buộc họ phải tháo dỡ nhà để trả lại nguyên trạng cũ!

Ông Nguyễn Quang Lễ (thường trú đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong nhiều hộ dân bị giải tỏa trắng để làm đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc. Một số hộ nằm trong giai đoạn đầu của dự án đã may mắn được bố trí TĐC vào khu TĐC Metro cash. Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Lễ thì đến nay, ông vẫn chưa được làm thủ tục để đóng tiền sử dụng đất và như vậy, về mặt pháp lý, ông chưa thể là chủ sử dụng hợp pháp nền TĐC của mình. Đầu năm 2008, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã kết luận: Áp dụng các quy định tại Quyết định 53/2005/QĐ-UB (QĐ53), ngày 11-8-2005 của UBND TP Cần Thơ quy định về chính sách TĐC để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí TĐC dự án đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất, đến nay, mức thu tiền sử dụng đất là bao nhiêu vẫn chưa có. Điều này đồng nghĩa với việc những hộ dân như ông Lễ chưa thể làm thủ tục pháp lý để cất nhà theo quy định của pháp luật!

Thiếu trăm bề!

Vì không có cống thoát nước nên hộ bà Nguyễn Thị Thạch phải đào lộ (x) để thoát nước nhờ đường cống của dãy đối diện. 

Khu TĐC đường dẫn cầu Cần Thơ (thuộc KV2, phường Ba Láng, quận Cái Răng) được xây dựng từ năm 2004. Theo cung cấp của chính quyền địa phương, khu TĐC có 39 nền nhưng đã gần 5 năm nay chỉ có 10 hộ dân cất nhà ở. Một trong những nguyên nhân là do khu TĐC này từ khi xây dựng đến nay chưa có nước sạch sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Thạch, một người dân bị giải tỏa trắng trong dự án đường dẫn cầu Cần Thơ, kể: “Tôi về khu TĐC này đã gần 5 năm nhưng không có nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, gia đình tôi và một số hộ khác phải đào giếng khoan nhưng uống nước giếng khoan mằn mặn, nhơn nhớt và nhiều phèn, rất khó chịu”. Hộ bà Châu Thị Ba thì nhờ có con đi làm công sở hàng ngày nên: “Mỗi lần đi làm con tôi đều mang 2 cái thùng để khi về chở theo nước sạch; uống nước giếng khoan không nổi vì nước ở đây rất nhiều phèn” - bà Ba kể.

Không chỉ khổ vì thiếu nước sạch, khu TĐC đường dẫn cầu Cần Thơ hiện vẫn chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Theo hướng dẫn của cán bộ địa chính phường Ba Láng, chúng tôi chứng kiến đường thoát nước của khu TĐC này sau khi chảy lòng vòng thì đổ ra đất ruộng của các hộ dân lân cận. Hiện nay, vì lượng dân cư còn ít nên việc ùn tắc nước thải chưa đến độ bức xúc. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương phản ánh, vào mùa mưa, nước mưa lẫn nước thải không có chỗ thoát đã gây ra mùi hôi thúi và phát sinh muỗi... ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi còn phát hiện, khu TĐC đường dẫn cầu Cần Thơ có ba hệ thống cống thoát nước nằm song song trước 3 dãy nền TĐC. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống thoát nước phía trước dãy giữa của bà Châu Thị Ba và bà Nguyễn Thị Thạch (nằm bên phải từ đường chính rẽ vào) không đặt cống mà chỉ đặt 4 hố ga, mỗi hố cách nhau 20 mét; các hố ga này có đường cống nối qua lộ để thoát nhờ đường cống của dãy TĐC đối diện. Không biết việc cắt bớt hệ thống cống thoát nước là “chủ trương” của chủ đầu tư hay là “sáng kiến” của đơn vị thi công? Hậu quả của việc “tiết kiệm” này làm hộ bà Thạch phải đục đường để đưa hệ thống thoát nước sang cống phía bên kia lộ còn hộ bà Ba phải đặt đường thoát nước chảy qua nền nhà của chủ đất khác để đổ xuống hố ga. Cũng may, các nền đất vẫn còn bỏ trống vì vậy, rắc rối chưa xảy ra!

Xin trích nguyên văn báo cáo ngày 16-11-2007 của UBND phường Ba Láng về nỗi khổ mà các hộ trong khu TĐC đường dẫn cầu Cần Thơ đang phải chịu: “Các hộ dân tự đóng cây nước để sinh hoạt, tự liên hệ để gắn đồng hồ điện; các hộ ở dãy giữa phải đào ngang lộ công cộng để thoát nước sinh hoạt; nguồn nước sinh hàng ngày bị ứ đọng gây mùi hôi thúi. Các nền còn lại cỏ, sậy mọc um tùm cao đến 4 mét...”. Đây không phải là báo cáo duy nhất và cũng không phải lần đầu tiên người dân và chính quyền địa phương kêu cứu. Thế nhưng, môi trường sống trong khu TĐC này không hề được cải thiện!

TĐC là chủ trương được quan tâm hàng đầu để “an cư” trong quá trình quy hoạch, giải tỏa. Các văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương đều yêu cầu khi bố trí TĐC phải đảm bảo điều kiện sống cho người bị giải tỏa từ bằng đến tốt hơn trước khi di dời. Thế nhưng, chủ trương đó đã được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng thực hiện tốt hay chưa? Thực tế nhiều vấn đề TĐC mà chúng tôi nêu ra đã tự trả lời câu hỏi đó!

Bài, ảnh: THU HUYỀN PHAN

Chia sẻ bài viết