19/02/2013 - 09:49

Bậc Tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí

* Lê Đăng Việt
Hội viên Hội Cựu chiến binh  phường Thường Thạnh, quận Cái Răng

Ở lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992 cơ bản đã kế thừa những nội dung này ở Hiến pháp năm 1992, nhưng được thể hiện lại một cách tổng quát, chỉ nêu những định hướng lớn đã được xác định trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011), như tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, tiếp tục xác định mục đích, mục tiêu phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ. Qua nghiên cứu, ở lĩnh vực giáo dục, tôi xin có 2 ý kiến đóng góp như sau:

Thứ nhất, ở Điều 42 của Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 59 của HP năm 1992): “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Trong khi đó, HP năm 1992 ngoài nội dung trên còn có quy định: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Theo tôi, nên giữ lại nội dung này theo Hiến pháp năm 1992, vì điều này thể hiện bản chất ưu việt của một chế độ. Chúng ta không thể vịn vào lý do nhà trường thiếu kinh phí, rồi để trẻ em nghèo ở nước ta phải thất học.

Theo tôi, Điều 42 của Dự thảo HP cần sửa đổi như sau:

“1. Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

2. Bậc Tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”.

Thứ hai, tại khoản 3 Điều 56 của Dự thảo HP quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường”. Tại khoản 3 Điều 58 của Dự thảo HP quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Tôi đề nghị nên thay cụm từ “thu hồi đất” bằng “trưng dụng có bồi thường hoặc trưng mua”. Bởi lẽ, ở khoản 3 Điều 56 của Dự thảo có quy định: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. Tiếp đó, ở khoản 2 Điều 58 của Dự thảo HP cũng đã xác định: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Thế nhưng, ở khoản 3 Điều 58 của Dự thảo lại quy định: “Nhà nước thu hồi đất…trong trường hợp thật cần thiết…”. Các quy định này liệu có mâu thuẫn, chồng chéo hay không?

Hơn nữa, chữ “thu hồi” cũng đồng nghĩa với từ “lấy lại” hoặc “thu lại”. Vì thế, theo tôi chỉ nên dùng từ “thu hồi” đối với những tài sản phạm pháp, làm ăn bất chính hoặc tài sản đó là của Nhà nước đã cấp, nên khi Nhà nước cần thì có quyền thu lại.

Đối với nguồn gốc về quyền sử dụng đất ở nước ta được phân ra thành 4 loại:

a. Tổ chức và cán bộ, bộ đội… sau ngày Cách mạng thành công được Nhà nước cấp.

b. Chính sách ruộng đất của ta trong kháng chiến; Luật Người cày có ruộng (lấy đất truất hữu của người có nhiều đất cấp cho dân cày); chính sách trang trải đất đai bình quân đầu người 3 công sau ngày giải phóng….

c. Đất của ông bà, cha mẹ chắt chiu, tạo lập để phần cho con cháu.

d. Người dân tích góp mua lại của người khác bằng đồng tiền chân chính của mình.

Theo tôi, Dự thảo HP nên dùng từ “trưng dụng” đối với đất có nguồn gốc thuộc 2 nhóm a và b. Vì trong quá trình quản lý, người sử dụng đất ít nhiều cũng đã bỏ ra công sức và chi phí đầu tư cho việc bảo vệ, bồi bổ để khai thác, cải tạo đất nên cần phải được bồi thường theo luật. Còn đối với đất có nguồn gốc thuộc 2 nhóm c và d thì nên áp dụng 2 chữ “trưng mua” mới thật sự công bằng và thỏa đáng.

Từ những cơ sở trên, theo tôi, khoản 3 Điều 58 của Dự thảo nên sửa đổi như sau: “Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường theo quy định pháp luật đối với đất đai do tổ chức, cá nhân sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.    

Để quy định này đi vào cuộc sống, tôi đề nghị nên dùng phương châm: “Mua trả góp, bán trả chậm” với phương thức thanh toán bằng công phiếu, trái phiếu, được phân ra làm nhiều năm. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy, vấn nạn tham nhũng sẽ không có điều kiện phát sinh; đồng thời, góp phần chấm dứt tình trạng lãng phí trong việc qui hoạch, thu hồi đất của người sử dụng đất một cách tràn lan, tùy tiện như hiện nay…

 

Chia sẻ bài viết