08/04/2008 - 09:46

Bà Clinton lại gặp rắc rối

Ảnh: BBC

(TTXVN)- Nỗ lực giành tấm vé tranh cử tổng thống của Thượng nghị sĩ Hillary Clinton tiếp tục bị giáng một đòn trí mạng khi cố vấn hàng đầu của bà là Mark Penn (ảnh) ngày 6-4 thông báo từ chức sau khi thừa nhận Công ty quan hệ công cộng Burson-Marsteller, do chiến lược gia này làm Tổng Giám đốc, từng hợp tác với Chính phủ Colombia trong vấn đề liên quan đến Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Colombia, một thỏa thuận thương mại song phương bị chính phe Clinton phản đối.

Trong những ngày qua, các phương tiện truyền thông Mỹ đăng tải thông tin công ty Burston-Marsteller của Mark Penn từng được Chính phủ Colombia ủy thác tiến hành vận động hành lang nhằm thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua FTA song phương. “Quân sư” Mark Penn thừa nhận “sai lầm” khi gặp Đại sứ Colombia tại Washington, ngày 31-3 vừa qua với tư cách một nhà vận động hành lang của Washington. Để trả đũa việc tiết lộ này, chính quyền Bogota thông báo hủy hợp đồng với công ty Burson-Marsteller, và phê phán thái độ của ông Penn là “thiếu tôn trọng Colombia”.

Vụ từ chức của Mark Penn, “bề tôi” trung thành của gia đình Clinton và là người có ảnh hưởng lớn đến các cố vấn hàng đầu khác trong ủy ban tranh cử của bà Hillary, đã đẩy chiến dịch tranh cử của cựu Đệ nhất phu nhân vào cuộc khủng hoảng mới. Sự ra đi của ông Penn khiến ban cố vấn của bà Hillary thêm “bối rối” trong việc tìm ra phương thức đối chọi với khẩu hiệu tranh cử kêu gọi tạo ra sự thay đổi và niềm hy vọng cho nước Mỹ do đối thủ cùng đảng Barack Obama khởi xướng. Tuy nhiên, trong thông cáo ngày 6-4, ban vận động tranh cử của bà Clinton vẫn tuyên bố “ Mark Penn và công ty Berland Associates (công ty tư vấn của ông Penn) sẽ tiếp tục đưa ra những lời cố vấn cũng như kết quả thăm dò dư luận cho chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ New York”.

Giới quan sát nhận định “vụ Burson-Marsteller” sẽ gây ra cơn bão chính trị mới và làm tăng thêm sự mâu thuẫn trong chương trình nghị sự của bà Clinton, đúng thời điểm bà đang ráo riết “ve vãn” tầng lớp lao động tại các bang phản đối Mỹ ký kết FTA song phương với các nước khác vì lo ngại những thỏa thuận này sẽ là đòn giáng mạnh vào các ngành công nghiệp chế tạo địa phương.

 

Chia sẻ bài viết