18/07/2021 - 09:44

APEC chung tay vượt qua thách thức 

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch COVID-19, cuộc họp không chính thức theo hình thức trực tuyến tối 16-7 của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã tập trung thảo luận các giải pháp tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế khu vực.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch APEC năm 2021, phát biểu trước báo giới sau hội nghị không chính thức ngày 17-7. Ảnh: AP

Theo Hãng tin AP, cuộc họp bất thường đặc biệt lần này của APEC có sự tham gia của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và và có bài phát biểu tại cuộc họp.

3 đề xuất quan trọng của Việt Nam

Chủ đề của cuộc họp là “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á - Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn”. Nội dung này nằm trong chủ đề chung của năm APEC 2021 mà nước chủ nhà New Zealand đã đề xuất là “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng”.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn một năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC. Nổi bật là sự đồng tình, chung tay hành động của người dân và giữa các nền kinh tế thành viên trong triển khai các biện pháp chống dịch một cách tổng thể, khoa học, đa phương, bao trùm. Chỉ cần một người/một nền kinh tế chưa an toàn về dịch thì cả thế giới sẽ không thể an toàn. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng. Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững.

Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC. Trước hết là triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.

 Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC đoàn kết và hợp tác để cùng thế giới chống lại đại dịch COVID-19.  Ông Widodo cho rằng điều quan trọng của thế giới hiện nay là việc đảm bảo các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu và các nền kinh tế thành viên APEC có thể góp phần thu hẹp khoảng cách tiêm chủng toàn cầu, bao gồm việc chia sẻ số lượng vaccine thông qua cơ chế COVAX. Theo người đứng đầu quốc gia Ðông Nam Á này, hiện nay khoảng cách tiêm chủng trên thế giới vẫn còn khá rộng. Cụ thể, số liệu tiêm các liều vaccine ở khu vực ASEAN chỉ đạt 17,63% dân số, khu vực châu Phi chỉ là 4,3% dân số. Trong khi đó, ở Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 77,73% và 76,81% dân số. Tổng thống Widodo cũng đề nghị APEC cần khuyến khích tăng cường sản xuất vaccine toàn cầu. Ông nhấn mạnh “Có một số chiến lược phải được thực hiện, đó là đa dạng hóa sản xuất vaccine cho các nước đang phát triển, xóa bỏ các rào cản thương mại liên quan đến nguyên liệu vaccine, sau đó hỗ trợ miễn trừ vận chuyển để vượt qua đại dịch và chuyển giao công nghệ vaccine mới nhất”.

Tăng cường năng lực vaccine

Tại cuộc họp, Thủ tướng New Zealand - nước giữ chức Chủ tịch APEC năm nay - bà Jacinda Ardern đã hối thúc các nền kinh tế thành viên đẩy nhanh việc sản xuất và cung ứng vaccine ngừa COVID-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc đã tài trợ cho việc thành lập quỹ chống dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế trong khuôn khổ APEC. Ông cũng cho biết Bắc Kinh ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các nước khác để đảm bảo chuỗi cung ứng vaccine ổn định và an toàn. Trung Quốc cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển 3 tỉ USD cho cuộc chiến chống dịch bệnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần dỡ bỏ các rào cản đối với vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập các cơ sở sản xuất vaccine ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như dỡ bỏ các rào cản làm chậm tiến trình mua, sản xuất và phân phối vaccine.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác đa phương và cam kết thúc đẩy khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ông Biden cũng cho rằng các nước cần xem trọng đầu tư vào an  ninh y tế toàn cầu tốt hơn và chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với một đại dịch mới trong tương lai.

Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC nhất trí thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”. Tuyên bố chung khẳng định thế giới chỉ có thể vượt qua tình trạng y tế khẩn cấp hiện nay bằng cách tăng tốc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên cam kết sẽ nỗ lực tăng năng lực sản xuất vaccine và cung ứng, phân phối, khuyến khích chuyển giao tự nguyện công nghệ sản xuất vaccine theo các điều khoản đã được các bên thống nhất.

V.P (Theo TTXVN, AP)

Chia sẻ bài viết