04/04/2019 - 18:07

Ăn uống thiếu lành mạnh - “sát thủ” lớn nhất của nhân loại 

Nghiên cứu công bố ngày 4-4 của các nhà khoa học Mỹ cho thấy cứ 5 ca tử vong trên toàn cầu thì có một trường hợp liên quan đến chế độ ăn thiếu lành mạnh, trong đó chứa quá nhiều đường, muối và thịt.

 Muối là yếu tố nguy cơ chính ở phần lớn các quốc gia. Ảnh: clevelandclinic.org

Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Christopher Murray tại Đại học Washington dẫn đầu đã đánh giá xu hướng bệnh tật và việc tiêu thụ 15 yếu tố thức ăn ở 195 quốc gia trong giai đoạn 1990-2017. Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy gần như ở mỗi quốc gia, người dân dùng quá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe chẳng hạn như nước ngọt, thịt chế biến sẵn và muối, trong khi tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh hơn ở mức thấp đáng lo ngại, bao gồm trái cây, các loại đậu, hạt, sữa và ngũ cốc nguyên hạt. Ví dụ như trung bình họ chỉ ăn 3gr đậu và hạt/ngày so với khuyến nghị của các chuyên gia y tế là 21gr. Ngoài ra, thế giới tiêu thụ lượng đồ uống có đường trung bình cao gấp 10 lần mức khuyến cáo và mỗi người ăn lượng muối vượt mức an toàn đến 86%. Điều này đã đưa đến thống kê đáng buồn là cứ 5 ca tử vong trong năm 2017 thì có một trường hợp liên quan đến chế độ ăn thiếu lành mạnh. Trong số khoảng 11 triệu người chết vì chế độ ăn uống, thì có gần 10 triệu ca do mắc các bệnh về tim mạch, khoảng 913.000 ca ung thư và gần 339.000 ca tiểu đường tuýp 2.

Xét trên tất cả 15 yếu tố nguy cơ thức ăn, thì ăn không đủ lượng thực phẩm lành mạnh gây ra nhiều cái chết hơn so với việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn không tốt. Theo ghi nhận, hơn 50% trường hợp tử vong liên quan chế độ ăn cách đây 2 năm chỉ do 3 yếu tố nguy cơ: ăn quá nhiều muối, không đủ lượng ngũ cốc nguyên hạt và không đủ trái cây. Tiến sĩ Ashkan Afshin- đồng tác giả- nhận thấy ở nhiều quốc gia, chế độ ăn thiếu lành mạnh hiện khiến nhiều người chết hơn cả vấn đề hút thuốc và cao huyết áp. Trong khi thuốc lá “đoạt mạng” 8 triệu người, thì có 10,4 triệu người chết vì cao huyết áp.

Cũng theo cuộc khảo sát trên, Uzbekistan có tỷ lệ người chết liên quan chế độ ăn cao nhất (892 ca tử vong/100.000 người), trong khi Israel thấp nhất, chỉ có 89 ca/100.000 người. 

Đối với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan, yếu tố nguy cơ lớn nhất chính là lượng muối trong bữa ăn. Điều này có thể là do giấm gạo, nước chấm và chả quá mặn thường được dùng để nấu các món ăn truyền thống châu Á. Những món mặn, chẳng hạn như nước tương ăn kèm sushi, đã góp phần làm tăng hàm lượng muối trong chế độ ăn của người dân châu lục này.

Giáo sư Murray nhấn mạnh kết quả nghiên cứu chứng minh rằng ăn uống thiếu lành mạnh là tác nhân làm chết nhiều người hơn bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác trên thế giới. Do đó, báo cáo kêu gọi người dân thế giới cần giảm tiêu thụ phân nửa lượng thịt đỏ và đường, đồng thời tăng gấp đôi các loại rau quả và hạt nhằm tránh đại dịch béo phì và thảm họa biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu.

THANH BÌNH (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết