04/04/2021 - 08:26

Ảm đạm dịp lễ Phục sinh 2021 

Hàng triệu tín đồ Cơ đốc giáo trên khắp thế giới lại chuẩn bị đón ngày lễ Phục sinh (4-4) cùng với việc tuân thủ các biện pháp hạn chế chống dịch được áp đặt vì số ca mắc mới COVID-19 gia tăng mạnh.

Cảnh sát Pháp phải theo dõi người đi chơi công viên nhằm siết chặt quy định phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: AP

Số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh trên thế giới, ngay cả khi các chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, đã buộc nhiều nước tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có các nước châu Âu. Ý bắt đầu mùa lễ Phục sinh trong phong tỏa từ ngày 3-4, với toàn bộ đất nước được đặt trong “vùng đỏ” vào thời điểm các gia đình sum họp.

 Tại Tòa thánh Vatican, chỉ một số ít người dân theo dõi Giáo hoàng Francis chủ trì buổi lễ “Con đường của Thánh giá” tại một thánh đường vắng lặng ở quảng trường St.Peter, khi các biện pháp hạn chế chống dịch cấm các cuộc tụ tập đông người. Các biện pháp hạn chế mới cũng có hiệu lực từ ngày 3-4 tại Pháp, nơi nhà chức trách đang chật vật đối phó với số ca nhiễm mới tăng vọt, khiến các bệnh viện ở thủ đô bị quá tải. Các biện pháp hạn chế cũng được tăng cường tại các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Ðức với việc Thủ tướng Ðức Angela Merkel kêu gọi mọi người hạn chế tiếp xúc và tụ tập đông người trước và trong dịp nghỉ lễ.

Trong khi đó, một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất đang hoành hành tại Brazil, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19. Brazil cũng là tâm dịch tại khu vực Mỹ Latinh, nơi ghi nhận số ca mắc đã tăng vọt lên hơn 25 triệu ca. Tình hình dịch bệnh tại Brazil cũng  khiến những nước láng giềng vốn cũng đang chật vật chống dịch không khỏi lo ngại. Peru đã bước vào dịp nghỉ lễ Phục sinh cùng với lệnh phong tỏa, trong khi Chile đóng cửa tất cả biên giới. Ecuador thông báo áp đặt thêm các biện pháp hạn chế chống dịch mới, Bolivia đóng cửa biên giới với Brazil. Tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez  thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Ðại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,8 triệu người trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, Mỹ, nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, đã trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho hơn 100 triệu người - tương đương 30% dân số nước này và 50% người trưởng thành. Mặc dù vậy, số ca mắc tăng lên ở một số khu vực của nước Mỹ.

PHƯƠNG OANH (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết