26/07/2009 - 21:59

Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2009)

Ấm áp nghĩa tình

ĐVTN Đoàn Khối Cơ quan Dân Chính Đảng thăm, tặng quà gia đình chính sách ở quận Ô Môn.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao lớp người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cho đất nước độc lập, tự do, Bắc - Nam nối liền một dãy. Những hy sinh, mất mát ấy không gì bù đắp nổi! Ghi nhớ và đền đáp công lao to lớn của các gia đình chính sách, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong thành phố luôn tận tình chăm lo, phụng dưỡng, nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình chính sách ổn định cuộc sống...

Dưới tia nắng ban mai, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hai, ở ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, sáng màu vôi mới. Ở tuổi 73, nhưng bà Hai vẫn còn minh mẫn lắm. Sáng sáng, bà lại bảo cháu nội bắc ghế trước hàng hiên để bà vừa ngồi nhấp nháp ly trà nóng vừa ngắm căn nhà tình nghĩa vừa được bàn giao. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Hai dẫn đi tham quan khắp nhà. Bà nói: “Được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, tôi vui lắm. Với tôi, thế này là mãn nguyện lắm rồi!”. Ngồi trong căn nhà khang trang, ấm áp, nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của bà Hai, chúng tôi vui lây.

Bà Hai kể, trước đây, nhà bà nghèo lắm, đông con nhưng ít ruộng đất canh tác, bà và các con của mình phải bươn chải, tảo tần làm thuê làm mướn. Năm 1982, bà tiễn anh Phạm Văn Xù, con trai thứ 4 lên đường đi nghĩa vụ quân sự, giúp bạn Campuchia. Anh nhập ngũ được hai năm thì bà Hai nhận được tin con hy sinh. Đau buồn nhưng bà Hai cũng rất đỗi tự hào bởi con mình sống có lý tưởng, biết chọn cái chết vinh quang... Tiếng xe gắn máy dừng lại trước cổng nhà, các cán bộ xã Trường Long đến thăm bà Hai nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ, làm cắt ngang câu chuyện giữa tôi và bà Hai. Bà ra tận cửa đón khách. “Hàng năm, cứ tới lễ, Tết... mấy cô chú ở xã đến thăm và tặng quà. Những lúc tôi đau yếu, chính quyền cũng cử cán bộ thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên. Có được căn nhà tình nghĩa này cũng nhờ địa phương vận động một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cất tặng... nghĩa tình đó làm sao tôi quên được” - Bà Hai bộc bạch. Tiếp lời bà Hai, anh Đỗ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long, kể: “Trước đây, căn nhà của bà Hai rất đơn sơ, nhiều lần chính quyền địa phương đề cập chuyện xây nhà tình nghĩa, nhưng bà đều từ chối với lý do “Căn nhà của tôi còn ở tạm được. Hãy để dành chế độ cho những gia đình khó khăn hơn”. Đến đầu năm 2009, khi căn nhà bà Hai đã quá xuống cấp, địa phương kiên quyết xây dựng căn nhà tình nghĩa để bà Hai được hưởng đúng chế độ chính sách”.

Cũng như bà Hai, thương binh Lê Văn Sùng, Bí thư Chi bộ ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, cũng rất xúc động khi căn nhà tình thương của gia đình anh vừa được xây dựng hoàn tất. Bà con địa phương kể, gia đình anh Sùng là một trong những gia đình có công với cách mạng ở Trường Long này. Những năm 1968, 1969, địch hung hăng càn quét, đốt phá nhà dân, triệt hạ cây cối, vườn tược ở những nơi nghi ta đóng quân, cách ly người dân ra khỏi vùng kháng chiến nhằm cắt đứt liên lạc giữa quần chúng nhân dân với tổ chức cách mạng. Nguy hiểm, gian lao, nhưng cha mẹ anh Sùng vẫn kiên trung bám đất, tiếp tục gầy dựng cơ sở nuôi chứa bộ đội cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiếp nối truyền thống gia đình, anh Sùng tình nguyện lên đường nhập ngũ, giúp bạn Campuchia. Năm 1981, anh Sùng bị thương trong một trận chiến. Trở lại quê hương với thân thể mang đầy thương tích, nhưng anh Sùng vẫn tiếp tục tham gia công tác địa phương, là Trưởng Ban nhân dân ấp rồi Bí thư chi bộ... Thấy anh nhiệt tình công tác, nhưng gia đình quá khó khăn, chính quyền địa phương đã cất tặng anh nhà tình thương, nhiều lần bảo lãnh để anh Sùng được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. Anh kể: “Do ảnh hưởng của vết thương, nên sức khỏe tôi rất yếu. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp đỡ, mỗi khi tôi đau bệnh, cán bộ xã đều đến thăm. Ngoài chế độ chính sách, UBND xã còn vận động cán bộ công chức đóng góp tiền hỗ trợ, giúp tôi vượt khó. Cũng nhờ vậy mà vợ chồng tôi đủ sức nuôi các con tôi học hành đến nơi đến chốn...”.

Tại quận Bình Thủy, ngay từ khi thành lập quận, các đồng chí lãnh đạo Quận ủy, UBND luôn xác định công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công cách mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình thực hiện, các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, nhà hảo tâm... tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhờ những cách nghĩ, cách làm mới, nên từ năm 2006, quận đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Những năm gần đây, bên cạnh việc cất nhà tình nghĩa bổ sung cho các gia đình chính sách, các phường trên địa bàn quận còn tranh thủ vận động sửa chữa, nâng cấp những căn nhà tình nghĩa đã cũ, xuống cấp. Nhiều căn nhà tình nghĩa trước đây cất bằng cây lá đều được đưa vào kế hoạch xây dựng lại kiên cố. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, quận đã tiến hành khảo sát 16 hộ gia đình chính sách có nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, qua đó, đã khởi công xây dựng và bàn giao 5 căn tại các phường Bình Thủy, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Trà An. Theo kế hoạch, từ nay cuối năm, quận sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa ở phường An Thới và Thới An Đông.

Song song với việc cất nhà tình nghĩa, trong dịp lễ, Tết lãnh đạo quận Bình Thủy tổ chức nhiều hoạt động như họp mặt, thành lập đoàn đến thăm và tặng quà gia đình chính sách. Bà Tiết Thị Cát - vợ liệt sĩ, ở phường Bùi Hữu Nghĩa, kể: “Trước đây gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, do các con tôi không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2004, chính quyền địa phương đã xây tặng gia đình tôi nhà tình nghĩa. Năm ngoái, nhà bị xuống cấp, địa phương tiếp tục hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, những dịp lễ, Tết cán bộ phường đều ghé nhà thăm hỏi sức khỏe, tặng quà, động viên tinh thần gia đình tôi rất nhiều”. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, quận Bình Thủy đã chi trợ cấp Tết cho 1.475 đối tượng thuộc diện chính sách - người có công, với tổng số tiền 230 triệu đồng, tổ chức thăm tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu trên 30 triệu đồng.

Cùng với các cấp chính quyền địa phương, tuổi trẻ TP Cần Thơ cũng tích cực thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách. Anh Nguyễn Thanh Nhanh, Bí thư Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng, bộc bạch: “Qua sự phát động của Đoàn khối, hầu hết các cơ sở Đoàn đều tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Với số tiền, quà do đoàn viên đóng góp, Đoàn khối đã tổ chức nhiều chuyến đi thăm tặng quà cho các gia đình chính sách ở Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt”... Lời bộc bạch của anh Nhanh làm tôi nhớ hôm tháp tùng cùng các đoàn viên Đoàn trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn phường An Thới, quận Bình Thủy. Hôm đó, bên cạnh việc thăm, tặng quà các gia đình chính sách, các bạn đoàn viên thanh niên còn tổ chức lao động giúp dân nâng cấp lộ, dọn dẹp giữ vệ sinh môi trường... Anh Dương Thanh Xuân, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III, tâm sự: “Trong chiến tranh, bao lớp người đã phải hy sinh, mất mát để giành lại hòa bình, độc lập như hôm nay. Vì vậy, tuổi trẻ chúng ta phải biết trân trọng và sống xứng đáng với những hy sinh ấy. Với những phần quà này, chúng tôi mong muốn được đóng góp cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2009, các cơ sở Đoàn trong thành phố đóng góp trên trên 200 triệu đồng để thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, Đoàn khối Cơ quan Dân Chính Đảng kết hợp cùng các y, bác sĩ Bệnh viên Đa khoa Trung ương tổ chức khám bệnh cho các gia đình chính sách và bà con nghèo ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ; Đoàn khối Doanh nghiệp kết hợp Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Nhiều y, bác sĩ trong các đoàn khám bệnh, bày tỏ: “Dù bộn bề công việc, nhưng với chúng tôi, được phục vụ cho bà con ở những vùng cách mạng, những vùng khó khăn là một niềm hạnh phúc”. Bà Lê Thị Tổng, một gia đình chính sách ở xã Trường Long, bộc bạch: “Được Đảng, Nhà nước, thế hệ trẻ quan tâm chăm lo từ vật chất đến tinh thần, chúng tôi thấy mãn nguyện nhiều lắm”.

Ngoài tặng nhà tình nghĩa, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách, trong dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm lo cho các gia đình chính sách, góp phần thắp sáng thêm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống quí báu tự ngàn đời của dân tộc.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Chia sẻ bài viết