29/02/2020 - 17:21

AL-Qaeda và IS bắt tay tung hoành ở tây phi 

Chuẩn tướng Dagvin Anderson, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ ở châu Phi, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AP gần đây cho biết, các tay súng al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hợp tác để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Tây Phi, làm dấy lên lo ngại rằng mối đe dọa này có thể phát triển thành cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Lực lượng đặc nhiệm Burkina Faso diễn tập chống khủng bố hôm 19-2. Ảnh: WP

Theo ông Anderson, các tay súng al-Qaeda và IS đang phối hợp triển khai các cuộc tấn công và tạo ảnh hưởng ở Sahel, vùng đất phía Nam sa mạc Sahara. “Những gì chúng tôi nhìn thấy không chỉ là những hành động bạo lực ngẫu hứng mà là một chiến dịch có chủ ý nhằm đưa các tổ chức khủng bố có cùng mục đích xích lại gần nhau” – ông Anderson lo ngại.

Trong khi al-Qaeda và IS là kẻ thù của nhau ở Syria và Yemen, các nhánh của chúng ở Tây Phi có quan hệ gần gũi sắc tộc, với kẻ thù chung là phương Tây và các chính quyền địa phương mà chúng nỗ lực giành quyền kiểm soát. Theo một báo cáo do Mỹ công bố mới đây, liên minh gồm những kẻ trung thành với al-Qaeda gọi là JNIM có tới 2.000 tay súng ở Tây Phi, chuyên bắt cóc tống tiền, đánh thuế cao và buôn lậu vàng. Trong khi đó, nhánh của IS ở sa mạc Sahara (ISGS) cũng được cho là sở hữu hàng trăm tay súng và đang chiêu mộ thêm tân binh ở phía Đông Bắc Mali.

Trong những tháng gần đây, các tay súng al-Qaeda và IS sử dụng các chiến thuật ngày càng tinh vi khi thâm nhập sâu vào Mali, Niger và Burkina Faso, phục kích các căn cứ quân sự, chiếm lĩnh các ngôi làng bằng lực lượng hùng mạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ các tay súng của al-Qaeda và IS hồi năm ngoái bắt tay phát động chiến dịch nhằm cô lập thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso. Theo đó, chúng thay nhau giành quyền kiểm soát các tuyến đường cao tốc vào thành phố 2,2 triệu dân này. Chúng ném bom nhằm vào các cây cầu, tấn công các đoàn xe quân sự, chặn các lối vào Ouagadougou cho đến khi lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát. Một quan chức quân sự cấp cao Pháp giấu tên cho biết chúng “có tổ chức và cơ động hơn”, có khả năng triển khai các cuộc tấn công một cách chuyên nghiệp hơn. Song, chúng không tuyên bố thành lập “đế chế Hồi giáo” nhằm tránh sự giám sát từ phương Tây, thay vào đó là dành thời gian huấn luyện, tập hợp lực lượng và ấp ủ kế hoạch triển khai các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu lớn quốc tế.

Từ lâu, giới chức Mỹ tỏ ra lo lắng về khả năng liên minh giữa hai tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới nói trên. Mối lo ngày càng gia tăng kể từ khi IS đại bại ở Iraq và Syria. Giới chức ở Tây Phi nói rằng tay súng các nhánh của al-Qaeda và IS ở vùng Sahel thường liên lạc với các tay súng ở Trung Đông nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy các tay súng của hai lực lượng này tràn vào từ Syria và Iraq. “Tôi tin rằng nếu khu vực này không được kiểm soát, nó có thể dễ dàng phát triển thành mối đe dọa lớn đối với phương Tây và Mỹ” - ông Anderson cảnh báo, giữa lúc Lầu Năm Góc cân nhắc rút khoảng 1.400 binh sĩ Mỹ ra khỏi Tây Phi.

Trong bối cảnh trên, Liên minh châu Phi (AU) hôm 27-2 tuyên bố sẽ tạm thời điều động khoảng 3.000 binh sĩ đến vùng Sahel để giúp các nước tại khu vực chống lại các tổ chức có vũ trang. Small Chergui, ủy viên Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU cho rằng nếu không triển khai kịp thời, phạm vi hoạt động của các tay súng cực đoan sẽ ngày càng mở rộng khiến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố trở nên phức tạp hơn. Hiện Pháp có 5.100 binh sĩ đồn trú tại vùng Sahel và đang kêu gọi các nước châu Âu khác tăng cường hiện diện quân sự tại đây. Liên Hiệp Quốc cũng đang có 13.000 binh sĩ giữ gìn hòa bình tại Mali.

TRÍ VĂN (Theo AP, WP)

Chia sẻ bài viết