10/06/2021 - 12:12

5 trò gian lận phổ biến trên mạng xã hội nhắm vào thanh thiếu niên 

Ngày nay, thanh thiếu niên thường chịu tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó lớn nhất là mạng xã hội. Vì tính háo hức và chưa có nhiều kinh nghiệm, các em dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Nếu là phụ huynh, bạn có thể chia sẻ lời khuyên này với con em mình.

Thanh thiếu niên thường là mục tiêu nhắm tới của bọn tội phạm mạng.

Thanh thiếu niên thường là mục tiêu nhắm tới của bọn tội phạm mạng.

1. Lừa đảo mạng xã hội

Các trò lừa đảo trên mạng xã hội có nhiều hình dạng và quy mô khác nhau, nhưng phổ biến là liên kết đến các bài báo “lá cải” với tiêu đề gây sốc, “câu view”, khi những người trẻ thiếu kinh nghiệm, nhấp vào các liên kết, nhiều trường hợp sẽ chuyển đến một trang web độc hại. Những kẻ lừa đảo cũng sử dụng mạng xã hội để liên hệ trực tiếp với nạn nhân với lời đề nghị tham gia các cuộc thi hoặc rút thăm trúng thưởng... , đó chắc chắn là một trò lừa đảo, nếu các em không mất tiền thì cũng trả giá bằng thông tin cá nhân.

2. Lừa mua hàng xa xỉ giảm giá

Một trò lừa đảo phổ biến khác đang gia tăng là các quảng cáo, chào bán các mặt hàng xa xỉ với giá thấp trên các trang web hoặc mạng xã hội. Để hấp dẫn thanh thiếu niên, những kẻ lừa đảo cố gắng đưa ra những thương hiệu, hàng hóa thu hút như giày thể thao, quần áo, mắt kính... từ các thương hiệu nổi tiếng và được giảm giá đến mức không ngờ. Tuy nhiên, khi mua hàng, gần như chắc chắn các em sẽ nhận là hàng giả.

3. Lừa đảo học bổng

Khi sắp tốt nghiệp trung học, thanh thiếu niên thường bắt đầu bước tiếp theo vào trường đại học. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nơi bạn đang theo học đại học, chi phí có thể trở nên khá đắt đỏ, dẫn đến việc bạn nôn nóng tìm kiếm một học bổng. Nắm được nhu cầu ấy, những kẻ lừa đảo cố gắng “săn” học sinh, sinh viên đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính bằng cách tạo ra các nguồn học bổng lừa đảo. Các chương trình học bổng giả mạo thường yêu cầu người nộp đơn phải trả “phí đăng ký”; tuy nhiên, sẽ không có học bổng nào... 

4. Lừa đảo tuyển dụng

Thanh thiếu niên thường có nhiều sở thích, từ nhu cầu xem phim, xem hòa nhạc, đi du lịch đến trở thành một tín đồ thời trang… và các em đều cần tiền chi tiêu để thỏa mãn. Các em luôn muốn tìm một công việc bán thời gian để trang trải chi phí.

Để nhắm mục tiêu vào những người tìm việc trẻ tuổi, kẻ lừa đảo sẽ đăng tin tuyển dụng giả mạo trên các trang tìm việc làm hợp pháp và thường sẽ cung cấp các việc làm tại nhà với khoản tiền lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của họ là lấy phí đăng ký, lấy thông tin cá nhân, sau đó sử dụng vào các hoạt động bất hợp pháp.

5. Hẹn hò lừa đảo

Trong thời đại kỹ thuật số, việc tìm kiếm sự lãng mạn cũng đã chuyển sang trực tuyến và các nền tảng hẹn hò trực tuyến trở thành mảnh đất màu mỡ của những kẻ lừa đảo. Mưu mẹo thường là mạo danh một người để mục tiêu thấy hấp dẫn và tin tưởng. Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục dùng nhiều “chiêu” dụ dỗ cho đến khi họ đạt được mục tiêu cuối cùng là lừa tiền.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân?

Các trò gian lận thường xảy ra với những người dễ tin. Sau đây là cách có thể tự bảo vệ mình:

- Nếu bạn tình cờ nhận được một lời mời làm việc nghe có vẻ hấp dẫn nhưng bạn vẫn nghi ngờ về nó, hãy tìm kiếm nhanh trên web về công ty để xem có điều gì đáng ngờ xuất hiện hay không. Ngoài ra, hãy nhớ rằng bạn chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho mục đích trả lương sau khi được tuyển dụng.

- Lời khuyên tương tự cũng áp dụng trong trường hợp học bổng - nếu bạn đang tìm kiếm học bổng, hãy nhớ kiểm tra xem tổ chức cung cấp học bổng có hợp pháp hay không bằng cách thực hiện tìm kiếm trên web và thậm chí liên hệ trực tiếp với văn phòng của họ. Và không bao giờ trả bất kỳ loại “phí xử lý” hoặc “tạm ứng” nào.

- Một trong những quy tắc cần nhớ khi mua hàng trên web là không có cái gì tốt mà rẻ hay miễn phí. Vì vậy, nếu bạn tình cờ tìm thấy món hàng có giá vô lý, thì chắc chắn đó là một trò lừa đảo. 

- Nếu bạn nhận được một tin nhắn không mong muốn từ người nào đó mà bạn không biết, bạn nên cảnh giác, đặc biệt nếu nó chứa một đề nghị hoặc một liên kết đáng ngờ. Trong mọi trường hợp, hành động tốt nhất là bỏ qua và không nhấp vào liên kết.

- Trường hợp một người lạ đang cố gắng liên lạc và trong một vài tin nhắn bắt đầu tuyên bố “tình yêu” của họ dành cho bạn. Hãy nhanh chóng tìm bộ mặt thật của “người ấy”, bạn sẽ phát hiện ra liệu họ có đang mạo danh hay không.

HOÀNG THY (Theo Welivesecurity)

Chia sẻ bài viết