02/04/2022 - 10:38

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương hai mươi chín

TRẠM PHẪU THUẬT DÃ CHIẾN 1C

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Tại một vùng biên giới, bóng núi vây quanh chân trời. Mây và chim xuôi qua không gian xanh. Chú Chín Đào - Phan Minh Tánh - Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam về Tây Nam Bộ giúp Khu ủy và Ban Dân vận Mặt trận Khu. Thành lập Ban chấp hành Khu Đoàn xong, triển khai phong trào năm xung phong, trong đó: sau xung phong đầu quân trực tiếp giết giặc cứu nước, xung phong vào lực lượng thanh niên vận tải vũ khí là xung phong thứ hai. Hai “xung phong” này, miền Tây sau Đại hội Đoàn tháng 3-1965 đến tháng 3-1967 lên đến con số hàng vạn bạn trẻ. Chú Chín Đào tin tưởng vào Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Khu Đoàn gồm chú Năm Hạnh - Lê Văn Bình, chú Năm Bang - Nguyễn Duy Quờn, cô Út Nhì - Trịnh Ngọc Châu, cô Sáu Dân - Trương Thị Nhị…

Những cán bộ chủ chốt này của Khu Đoàn, theo chú Chín Đào là đáng tin cậy, được chuẩn bị khá chu đáo từ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Một số cán bộ khác trong cấp bộ Đoàn cấp khu, tỉnh và các huyện, hoặc đã chọn đưa vào Ban Chỉ huy Liên đội I Thanh niên xung phong tuyến 1C đều là cán bộ được tôi luyện vững chãi - một phần là học sinh của trường Trung học Tiền phong do Xứ Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ đào tạo. Sự tiếp nối kỳ diệu này cho ta một sức mạnh quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Những khẩu hiệu chiến lược của công tác xây dựng Đoàn và giáo dục quần chúng thanh niên trong kháng chiến lần thứ nhất “Thanh niên là rường cột nước nhà” và hàng vạn thanh niên đã vào các đơn vị 307, 308, 309, 310, Trung đoàn 99 - Trung đoàn Cửu Long… góp phần kết thúc cuộc chiến tranh kháng Pháp.

Sau tập kết, Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Genève, thanh niên miền Nam theo lời Bác gọi ngày 17-7-1966. Trung ương Cục và Quân ủy miền mở hội nghị chiến tranh du kích lần thứ 3. Khẩu hiệu nâng lên “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trở thành khẩu hiệu lý tưởng cách mạng giải phóng miền Nam của tuổi trẻ Tây Nam Bộ.

Sau khi thành lập, Ban Chấp hành Khu Đoàn, các tỉnh đều có ban chấp hành tỉnh, huyện, xã và các ban ngành cấp khu, tỉnh đều có hệ thống cấp bộ Đoàn. Tài liệu “Thanh niên sống ngang tầm thời đại(*)” là bài học nâng cao chất liệu sống, chiến đấu có lý tưởng của tuổi trẻ dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm “cánh tay trợ thủ đắc lực”, làm “đội xung kích của Đảng” với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong tình hình như vậy, chú Chín Đào từ giã bè bạn Khu Đoàn đi về “R”, Gặp chú Mười Khẩn - Nguyễn Thành Thơ từ “R” về miền Tây. Qua một ngã ba của con đường, hai chú gặp nhau và dừng chân trên bãi cỏ, giữa khung trời có bóng núi bao quanh, Chú Mười và chú Chín tranh thủ trao đổi tình hình. Chú Mười Khẩn:

- Chú Chín qua biên giới bằng con đường 1C?

- Tôi muốn biết con đường do chúng ta kiến tạo cho lịch sử vệ quốc hình thù và âm hưởng nó thế nào? Anh, khi trở về qua tuyến 1C, anh cũng sẽ rõ.

Chú Mười nhìn bao quát miền biên giới, rồi quay lại với câu chuyện:

- Chú Chín, đường biển mình bị tắc, tôi và Thường vụ bàn mãi một phương cách vận chuyển. Tôi nhớ lúc tôi đi ghe máy từ An Biên lên Thổ Sơn, lên Hòn Đất, bấy giờ anh Năm Trì làm Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá. Kỳ tôi đi đó có anh Chín Hồng - Đồng Văn Cống nữa. Anh Cống là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 hồi đánh Pháp, Tây sợ ổng lắm. Ảnh cùng nghĩ về con đường với chúng ta.

- Nhưng lúc đường biển ta nhận vũ khí từ ngoài Bắc về, ta chuyển cách nào về các nơi, anh Mười?

- Anh Dĩa dẫn đoàn tàu đem súng về. Đoàn 962 đưa đến một điểm nhất định, anh em thanh niên tới vác đi. Lúc đó mình chưa gọi là thanh niên xung phong nhưng vác súng đi giao cho các nơi là thanh niên không chớ ai! Cho nên mới có câu thơ của anh Dương Tử Giang “Hai vai gánh nặng sơn hà. Hy sinh cứu nước là ta sẵn sàng”. Mà tôi nói đường vận chuyển của mình liên hệ dài dài Trà Vinh - Bến Tre - Đồng Tháp - Mỹ Tho… qua sông Tiền lên Mộc Hóa - Tây Ninh… Tất cả lực lượng khiêng vác vận chuyển vũ khí đều có chất thanh niên xung phong. Tôi là người trong cuộc vận chuyển đó, phải qua vai khiêng vác của lực lượng thanh niên như vậy mới tới được chiến trường - cây súng, viên đạn, trái nổ mới phát huy được hiệu quả.

Chú Chín lắng nghe chú Mười nói, bổ sung thêm:

- Đi con đường như vậy gay go lắm anh Mười. Tôi cũng có lần đi, qua nhiều con sông lớn, nhỏ, lộ chiến lược. Khi đi ghe, khi đi bộ, qua bao đồn bót, ấp chiến lược. Ta cũng có hy sinh hoài chớ. Nhưng ta bố trí cũng tài giỏi lắm. Dân ta nơi đâu cũng theo Đảng. Tôi nói chú Chín nghe việc bí mật này, trên cung đường vác vũ khí từ Cà Mau - Đất Mũi lên Sóc Trăng - Trà Vinh đó, năm 1965 ta giải phóng rộng. Ta tổ chức đoàn thanh niên vác vũ khí ngày đêm rầm rộ. “Ông Trà Vinh” thấy vậy, “ổng” gặp tôi, “ổng” năn nỉ ỉ ôi hoài, ổng xin súng! Mà ổng nói tha thiết lắm chú! Mình đi ngang qua đất ổng, chuyển về Trung ương Cục mà, người vận tải có dân Trà Vinh của ổng nữa. Nghe nói mãi động lòng, tôi ký cho ổng nhận một số vũ khí ở kho Trà Vinh. “Ông Trà Vinh” khoái chí, mừng rỡ, nhưng đồng chí Phạm Thái Bường lưu ý tôi: “Sao dám lấy súng Trung ương Cục cho tỉnh?”. Bỏ tù chớ! Ông Ba Bường là Xứ ủy viên mà! Ổng kỹ, còn mình thì quyền biến, chớ đâu vi phạm, cấp súng cho ông Trà Vinh. Ổng bảo vệ hành lang, bảo vệ kho cho mình mà!

Chú Mười ngưng nói, hỏi chú Chín Đào :

- Ông qua chuyến này thế nào?

- Vất vả lắm anh! Giặc phong tỏa lương thực nên anh em tuyến 1C bộ phận Hà Tiên - Nam Thái Sơn - Mỹ Hiệp Sơn đói dài dài. Nấu rau muống và bông súng, lục bình ăn riết, mà ngặt không có muối nữa nên đứa nào cũng chảy, đói lả kiệt sức sanh bệnh hoạn đủ chứng. Vậy mà đến giờ chiều là mau mắn xuống xuồng hành quân. Đi ra tới mí “đầu cầu” ngồi chờ ám hiệu tới khuya, không được, lại chống về. Có khi một tháng đi 26, 27 lần chống đi chống về như vậy mới được một chuyến “lọt lưới”. Tôi và chú Chín Tần, anh nhớ Chín Tần không? Là Trần Minh Hữu đó, đưa tôi tới trạm “đầu cầu 1C” mới trở về T3. Hai anh em ở với gánh Năm Đoàn - Út Nhì cả tháng mới qua được. Lúc ông Hai Văn xuống T3, ta cho ảnh cỡi trâu qua đồn biên phòng của địch, mà ảnh ngồi chồm hổm nữa chớ. Giờ nó biết mình có cách đó rồi, nó đề phòng mình giả trang, cải trang, cải dạng dữ lắm. Nó “sợ” mình lắm.

- Còn đoàn văn công C112 của gánh Thanh Nha về “R” chưa chú Chín?

- Chưa anh Mười. Còn ở lại hát cho anh em ở Tây Nam Bộ một lúc nữa, dù vùng giải phóng của ta nay bị thu hẹp nhiều, văn công không chịu thụt lùi!

- Chú Chín thấy tuyến đường 1C của ta thế nào?

- Anh Mười! Tuyến đường 1C lớn lao kỳ vĩ lắm anh... Ông bà ta khai mở kinh Vĩnh Tế, Giang Thành về mặt địa lý và chính trị rất đắc địa. Ta lại đưa Đoàn 195 và Liên đội I Thanh niên xung phong về đây là  trí - lực  ta và địch hai bên giáp cốt nhau nơi 1C. Con  đường này tuy ta phải đổ nhiều công sức trí tuệ và xương máu, nhưng là con đường sống còn của Tây Nam Bộ và con đường lịch sử đầy tự hào của Cục Hậu cần Quân khu IX và Khu Đoàn Thanh Niên. Bài học lịch sử vĩ đại xứ sở mình sau khi kết thúc chiến tranh là đây!

Chú Mười nhìn chú Chín, vẻ tán thành ý tưởng của đồng chí lãnh tụ thanh niên miền Nam, rồi nói:

- Chú Chín, tôi phải xin Trung ương Cục về lại con đường này là để xem xét mọi mặt, để tăng cường thế mạnh cho tuyến đường 1C. Ta có Đoàn 195 Cục Hậu cần Quân khu IX, nhưng thanh niên xung phong là lực lượng chính của tuyến đường 1C. Phần đông của lực lượng này là các cháu gái và thiếu niên, nhưng tận tụy và can đảm vô cùng. Áo quần anh em ta rách rưới, mặt luôn tươi cười. Bụng đói lả còn ca hát, nói chuyện đùa vui. Sống nơi khắc nghiệt quá đỗi, rừng tràm xơ xác, cánh đồng lầy lội, mật độ B52, bom pháo, đổ quân bằng trực thăng, bao vây bằng chiến xa… anh em thanh niên xung phong vẫn quyết chiến quyết thắng. Con gái mà vác pháo cối và B40 đi pháo kích giặc để mở đường, gan thật!

Chú Chín lắng nghe, rưng rưng nước mắt. Con đường 1C và con người 1C qua cách đánh giá và phác họa chân dung của đồng chí Bí thư Khu ủy, làm chú Chín cảm động, nghẹn ngào bởi cảm xúc cao cả, dạt dào trong tâm hồn cách mạng. Chú Mười nói tiếp:

- Đất Nam Thái Sơn - Hà Tiên - kinh Vĩnh Tế, nơi ta vinh dự và dũng cảm đặt lên Con đường 1C nối tiếp đoạn 1B từ miền Đông về Tây Nam Bộ, oanh liệt với Khu đoàn và Liên đội thanh niên xung phong của họ!

Chú Mười ngừng một chút, giọng cả quyết :

- Chú Chín nhớ, sau này khi toàn thắng, ta dựng nơi đó một tượng đài chiến thắng, mãi mãi ghi nhớ công trạng to lớn của tuổi trẻ miền Tây…!

Chú Chín bắt tay chú Mười thật lâu. Bóng hai chú mờ hòa trong bóng núi. Hình ảnh tượng đài thanh niên xung phong vút cao lên ngang mây trong suy tưởng của hai nhà lãnh đạo cao cấp.

(Còn tiếp)

------------------

(*) Tài liệu do đồng chí Chín Đào - Phan Minh Tánh biên soạn.

Chia sẻ bài viết