31/03/2022 - 10:43

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi bảy

CỐ VẤN MỸ ĐẾN VĨNH ĐIỀU

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

3. Đoàn cố vấn Mỹ đi thị sát đồn Vĩnh Điều trở về Sài Gòn được đại sứ Cabot Lodge tiếp đón. Nhóm lễ tân dọn rượu thịt, trái cây và nhiều lễ vật khác coi như tiếp khách quý thoát chết từ chiến trường ác liệt trở về. Cabot Lodge:

- Thay mặt Tổng thống Johnson và nhân danh cá nhân tôi, hân hạnh chào đón hai ngài từ biên giới của cõi chết thoát nạn trở về với chúng ta và xa hơn, rộng hơn, bao trùm hơn là nước Mỹ được ban phúc lành của Chúa.

Philip Habib:

- Kính thưa Ngài Đại sứ thông minh và quý mến. Tôi và Wilson, cũng như lần đi thị sát Đắc Tô, lần đến Vĩnh Điều - Vĩnh Tế này coi như giỡn với tử thần. Thế mà nhờ hồng phúc của nước Mỹ, chúng tôi đều còn sống để quay về với Ngài - người chỉ huy độ lượng và tài năng, với Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” và hoa lệ - nơi người Mỹ đặt nhiều tham vọng nhất của mình trong cuộc thôn tính khu vực Đông Nam Á. Kính thưa ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kính mến, khi máy bay quần đảo để đáp xuống cái đồn chết tiệt Vĩnh Điều, thì từ mặt đất hàng chục khẩu đại liên Cô-zi-nốp 12 li 8 do phần đông là nữ chiến binh thanh niên xung phong được các cựu chiến sĩ tiểu đoàn 307 thời chống Pháp của họ huấn luyện, đã quét lên trời những sợi dây xích lửa đầy kinh khủng đối với chiếc trực thăng “Đầu lân” của chúng tôi...

Wilson:

- Thưa ngài Đại sứ, xin ngài coi những lời Philip Habib không hề thổi phồng mà đó là một bản báo cáo cực kỳ chính xác. Nhưng khủng khiếp nhất là trận pháo kích, mà theo tên Đồn trưởng Vĩnh Điều, khẩu đội trưởng tên là Sáu Phước cựu chiến binh tiểu đoàn 410 và các pháo thủ chưa đúng tuổi thanh niên, đã bắn vào khu vực có cố vấn Mỹ là chúng tôi đang ở gần 200 trái đạn quá hạn sử dụng. Nhưng khi nã vào đồn Vĩnh Điều, nơi kẻ thù của họ là chúng tôi đang ở, để mưu toan hủy diệt họ, thì trái đạn nào cũng nổ tung một cách ngoan cường. Nhiều sĩ quan và lính đồn bị sát thương, nhưng chúng tôi thì không sao cả. Nhờ vậy ngài mới có dịp tiếp đón hôm nay.

Cabot Lodge:

- Trước hết tôi rất mừng vì được cầm tay và thấy mặt hai chiến hữu còn trở lại nơi tôi tiễn đưa cách đây mấy mươi tiếng đồng hồ của cuộc chiến tranh thôn tính do ta chủ xướng. Hoàn cảnh của hai ngài, sau Đắc Tô là đến Vĩnh Tế, có thể được hiểu như lời nói của W.Shakespare “Có người sinh ra trong sự vĩ đại. Có người đạt đến sự vĩ đại. Cũng có người sự vĩ đại rơi xuống đầu”. Trong ba chúng ta, tôi là người ở vế một và vế hai, tức là sinh ra trong sự vĩ đại, và đạt tới sự vĩ đại. Còn đáng thương thay hai ngài lọt vào vế “sự vĩ đại rơi xuống đầu”. Hiểu một cách nôm na “sự vĩ đại” chính là những trái tráo do cựu chiến binh Vệ Quốc đoàn Sáu Phước, đem những trái đạn quá đát nả vào đồn Vĩnh Điều cho “sự vĩ đại”  là cái chết rơi xuống đầu của hai quý vị! W.Shakespare đã vắng mặt mấy thế kỷ qua, thế mà lời ông ta còn lưu lại ở tận miền biên giới Vĩnh Điều.

Philip Habib:

- Thưa ngài Đại sứ, những lời uyên bác của ngài lấy từ ý tưởng Shakespare, tôi nghĩ thật sâu xa, khiến tôi chợt nhớ ngày 3-10-1967, ni cô Trí Túc ở chùa Bảo An - Cần Thơ tự thiêu để đấu tranh với Mỹ - Ngụy, tức chúng ta, để đòi hòa bình. Hôm đó, tướng Đặng Văn Quang báo cáo về dinh Độc Lập và chính ngài đề cử phụ tá Philip Habib là chính tôi đến thu xếp. Tôi đến chùa Bảo An do ni cô Diệu Kim trụ trì. Mấy trăm rồi mấy ngàn phật tử và công chúng Cần Thơ cùng các tỉnh lân cận nối nhau về chùa, cầu nguyện mấy hồi kinh, thắp nhang rồi đưa xá lợi ni cô Trí Túc vào chiếc hòm kín, đặt lên xe có bánh, đẩy đi đầu của cuộc biểu tình tuần hành.

Wilson:

- Thưa Đại sứ và ngài phụ tá, với chức năng CIA của mình tôi được Coby cử đi cùng ngài Philip Habib. Chính mắt tôi đã thấy ở Cần Thơ, gần nơi cuộc tự thiêu diễn ra, một số binh sĩ cởi áo lính nhảy vào cuộc xung đột diễn ra quyết liệt giữa Bến xe mới - nơi trước đó, ngày 15-7 xe Mỹ cán chết anh Ẩn nghèo đang chạy xe lôi. Tất cả bọn họ đánh 1 người Mỹ chết, 3 người Mỹ bị thương nặng, 20 người Mỹ khác bị thương. Đâu đâu cũng sục sôi phản đối Mỹ và đòi lật đổ Thiệu - Kỳ. Thực tế đó, Bộ chỉ huy của đơn vị Mỹ ở Cần Thơ phải cắm trại 3 ngày. Người Mỹ ra đường sẽ bị nhân dân đón đánh, bị đốt xe như ở Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng.

Cabot Lodge:

- Còn lực lượng khác của đối phương?

Philip Habib:

- Thưa Ngài Đại sứ, 12 chiến sĩ biệt động dùng thủ pháo đánh sân bay Lộ Tẻ, phá hủy hàng chục máy bay các loại. Và sau đó, chính chiến sĩ biệt động đánh Nha cảnh sát Hậu Giang trên đường Cầu Bắc, giết chết 75 chiến hữu của ta, trong đó có 4 người Mỹ, và 26 người bị thương.

Cabot Lodge:

- Theo báo cáo của tướng Westmoreland tháng 12-1967, biệt động Việt cộng Cần Thơ dùng B40 đánh Tổng lãnh sự quán Mỹ tại 67 đường Hùng Vương, ngay nơi Wilson ở, làm anh em ta sảng hoàng. Hôm sau, vào chạng vạng, họ dùng nội tuyến đánh kho xăng lộ 19, đốt 2 triệu lít xăng.

Wilson:

- Chưa hết, lần đó, trước khi rời Tổng lãnh sự quán Mỹ ở 67 Hùng Vương của xứ Tây Đô yên ả, tôi đã mục kích một cuộc biểu tình hàng vạn người, có cả nhà sư, ni cô và binh sĩ bảo an đi theo, chở hàng chục tử thi và quan tài cùng 25 người bị thương từ 3 huyện Ô Môn, Phụng Hiệp, Châu Thành, kéo ùn ùn vào thị xã, phản đối Mỹ - Ngụy bắn giết dân lành vô tội, đòi bồi thường sinh mạng, đòi chữa trị người bị thương. Họ la ó làm rung rinh cả thị xã Cần Thơ.

Philip Habib:

- Và lần này, được ngài phái đi biên giới Vĩnh Tế về, tôi có chụp mấy tấm ảnh từ cánh đồng Gộc Xây bất khuất, nằm chết đói chết rét trong hoang vắng, tiêu điều, thế mà khi trực thăng hay L19 bay qua là đại liên phòng không quật đạn lửa lên trời. Họ ở đâu không thể thấy bằng mắt thần ra đa, bằng tia hồng ngoại, nhưng họ còn y nguyên trong cái màu xám xịt, và cỏ cây xơ xác, lổ bom, hố pháo loang lở… chính là chiếc nôi kỳ diệu của họ.

Cabot Lodge:

- Phong tỏa gạo, thuốc, thực phẩm không kết quả à?

Philip Habib:

- Không hiệu quả, thưa Ngài. Cô gái có tên Hồng Láng khi bị thương gãy xương đùi và xương tay, mất máu nhiều trong 10 giờ chưa băng bó, thế mà gương mặt vẫn tươi đẹp lạ thường, lời nói uy nghi như nữ tướng. Như vậy họ là gì và họ là ai? Từ Cần Thơ đến Gộc Xây - Vĩnh Tế, chỗ nào cũng là Việt Nam như vậy. Thưa Ngài Đại sứ, tôi thành thật thấy một Việt Nam dáng vóc uy nghi, lời nói uy nghi, sự sống và cái chết uy nghi như vậy chớ không tầm thường đáng khinh bỉ, như cái đám xôi thịt bát nháo mà chúng ta uổng công nuôi dạy chúng như vầy, lại gọi chúng ta là Đồng minh!

Cabot Lodge rất buồn nói nhỏ nhẹ:

- Không lâu ta sẽ rút quân về hết, sẽ đặt lên vai của họ cả một cuộc chiến tranh mà người Mỹ khởi xướng, xác chết trận sẽ thay màu da, nói theo thuật ngữ Việt Nam là "thay màu da xác chết" trong nay mai…

Cuộc trò chuyện tại Văn phòng Đại sứ coi như chưa chấm dứt.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết