27/03/2022 - 18:24

1C - con đường huyền thoại

► Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi sáu

HỒNG LÁNG - NỮ THẦN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Chưa uống cafe sáng, nhị vị cố vấn đã nghe thuộc cấp báo tin bắt được một nữ chiến binh Việt Cộng, bị trọng thương, chở xe ba gác đem về cho đám Việt gian nhìn mặt. Philip Habib và Samuel Wilson cũng chạy ra hành lang xem chuyện lạ. Lâu nay chỉ thấy hình ảnh nữ chiến binh thanh niên xung phong trên ảnh vệ tinh chụp phóng to, chớ chưa nhìn tận mặt. Thì nay, tại tọa độ chết Vĩnh Ðiều, hai ngài sẽ thấy rõ hơn.

Ðồn trưởng Vĩnh Ðiều khép nép đến bên 2 cố vấn:

- Thưa hai vị cố vấn, nữ tù nhân Việt Cộng đang bị thương nặng và bất tỉnh nên ta chưa khai thác được gì!

Habib nói to:

- Hãy cứu chữa cho cô ta!

- Tuân lệnh!

Ðồn trưởng bảo cậu y tá ra ngay băng bó. Lúc nầy Hồng Láng đang mê man. Cô mơ thấy có đồng đội quây quần bên cạnh và cô hát bài Chiều trong rừng thẳm: Ðây là nấm mồ, thây ngập trong rừng. Bao nhiêu quân Nam hy sinh vì quốc dân…

Tên y tá đồng hương với cô, hình như có lúc anh ta yêu cô rồi mang thất vọng ra đi quân dịch, trời xui anh ta tới đồn biên giới này và sáng nay anh gặp lại cô. Từ đầu đêm qua cô bị trọng thương, máu ra nhiều. Cô không tự băng bó được, cho tới sáng nay, cô kiệt sức quá, chân gãy lìa đau đớn tột cùng và tay lại bị thương. Anh ta tẩn mẫn băng bó cho cô. Thấy cô hát câu “bao nhiêu quân Nam hy sinh vì quốc dân” anh ta nhớ lúc cùng cô hát bài hát này ở ngôi trường bờ Ðầm do thầy giáo Nguyễn Trung Bỉnh giảng dạy. Anh nghĩ “Nay, thầy hy sinh, cô Láng thì bị thương, còn ta là lính Ngụy…”. Cô ngưng hát, gượng mở mắt, chợt thấy có người quen, phải mất mấy phút cô mới nhớ rõ anh ta là ai. “Ðúng rồi, thằng Tý, nó muốn mình lắm đây, giờ nó lại sờ mó băng bó cho mình! Ðâu dễ dàng thế được…” - Hồng Láng tập trung sinh lực, cựa quậy thử bên chân nguyên vẹn, không sao cả, cô chờ lúc thuận lợi…

Tý nhìn rõ người con gái Thị Tường Cà Mau thời hương sắc. Mình đã đau khổ vì cô ta, vì tánh tình cứng cỏi và thân thể diễm kiều của cô ta. Nhưng giờ đây đã khác hẳn, cô là tù binh bị thương và có lẽ là cô ta sẽ bị khai thác đến chết mất, bởi các vị cố vấn muốn hiểu rõ “1C huyền thoại” ở chỗ nào. Tý hỏi:

- Hồng Láng! Cô đã khỏe chưa? Tôi là Tý đây!

Tội nghiệp Tý, mới xưng “Tôi là Tý đây” thì bị một đạp tông vào “bộ hạ” khi đang ngồi lấy thuốc vào ống tiêm. Tý bị Hồng Láng đạp vào chỗ nghiệt đau đớn quá, té bật ra sau, thuốc, kim chích, ống chích văng tứ tung. Tý lồm cồm bò dậy, hai tay ôm vùng hạ bộ, khóc thút thít như con nít. Hồng Láng nói:

- Tý, xin lỗi anh, tôi đã làm anh đau. Tôi không thích anh đứng chung với kẻ thù xứ sở. Anh đừng băng bó cho tôi. Chích thuốc hay truyền dịch cho tôi làm gì. Tôi phải chết để uy hiếp kẻ thù dân tộc. Tôi không sao sống nổi với vết thương này, hoàn cảnh này. Sau còn sống về quê, anh nói với mẹ tôi là tôi không chết!

Tý khóc mò, đứng lom khom đau đớn nhìn Hồng Láng thở dồn dập. Các sĩ quan và binh lính đã tụ đến khá đông. Hồng Láng nói:

- Tôi muốn sống như các anh, các chú lắm chớ. Nhưng giờ tôi phải hy sinh để cho người Mỹ ở nơi đây biết rằng họ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược. Họ phải hiểu con gái Việt Nam vì sao xa nhà ra trận, khiêng vác, kéo, đẩy vũ khí đêm đêm để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Anh Tý và ngài đồn trưởng, các bạn hãy trở về với dân tộc mình đi!

Tý khóc như mưa. Ðồn trưởng cũng ứa nước mắt. Chiến tranh bị cuộc sống bao vây và lên án tại chỗ qua sự hy sinh cao đẹp của nữ chiến binh thanh niên xung phong Hồng Láng.

Hồng Láng nhìn tận mặt hai vị cố vấn, đứng gần bên cô nãy giờ. Samuel Wilson và Philip Habib nhìn người con gái dũng cảm. Cô nói:

- Xin hai ngài thưa lại với Tổng thống Johnson và các tướng lĩnh, các cố vấn của Hoa Kỳ rằng hàng ngàn chị em chúng tôi phải rời cha mẹ, anh em, rời gia đình bếp núc, rời mái trường, bạn bè, thầy cô và làng mạc lên đây làm chiến sĩ trung kiên của tuyến đường 1C, không có nghĩa là chúng tôi muốn chiến thắng cường quốc Hoa Kỳ và lực lượng Ðồng minh, mà chúng tôi chỉ muốn chiến đấu chống các thế lực ngoại xâm để giành lại hòa bình thống nhất đất nước, chúng tôi được trở về làm con cháu ngoan của cha mẹ, ông bà, làm rể hiền dâu thảo, làm học trò xuất sắc của các danh nhân, làm bạn bè của lứa tuổi thanh xuân khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi muốn được đứng chụp tấm ảnh đẹp dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ và đến thăm vợ con gia đình anh hùng Morixơn - người đã tự thiêu bên bờ sông Potomac để lên án một cuộc chiến tranh do Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phát động và chỉ huy xâm lược Việt Nam.

Dốc toàn sức lực Hồng Láng nói một hơi, dù có lúc ngập ngừng đứt quãng và cơn sốt co giật nhưng cô đã nói hết những ý chính. Viên thông dịch xúc động nghẹn ngào. Anh ta dịch đầy đủ ý tứ cho hai vị cố vấn cao cấp của Nhà Trắng nghe rõ. Hai viên cố vấn chưa biết nói gì, làm gì cho phải lẽ thì Hồng Láng đã lấy hết sức lực còn lại tự đập đầu mình vào tường bót. Hồng Láng đã chọn cách chết oanh liệt trước mặt đối phương. Mặt trời biên giới soi tỏ khuôn mặt xinh đẹp và kiên cường của nữ chiến binh thanh niên xung phong tuyến 1C.

Wilson truyền lệnh:

- Hãy để cho bà ấy yên nghỉ.

Giây sau, trực thăng “Ðầu bưu” phát máy. Lúc cánh quạt cuốn không khí quanh đồn, viên phụ tá của ngài đại sứ Cabot Lodge - Philip Habib nghiêm giọng nói:

- Trong hàng ngũ của chúng ta, rất tiếc là có bao nhiêu bậc mày râu ương bướng, hung tợn, tàn ác dữ dằn nhưng chưa thấy ai đạt tới khí phách hiên ngang bất khuất đáng tôn kính như cô gái thanh niên xung phong này. Với tôi, cô là một thần tượng.

Philip Habib giơ tay chào người đã khuất, lúc máu Hồng Láng chảy một sắc đỏ như màu cờ Tổ quốc. Wilson nói:

- Hãy để cho cô ta yên nghỉ!

Máy bay cất cánh. Tấm thảm hoang sơ của miền Gộc Xây - Hà Tiên rỗ nát lỗ đạn bom, không có một ngọn khói, một bóng người. Quạ, diều và cò chim đều thưa vắng. Bên mồ Hồng Láng, nhang khói và trái cây không lúc nào vơi. Dân chúng Vĩnh Ðiều và gia đình binh sĩ, sĩ quan tôn cô là “Nữ Thần”, van vái cô phò hộ cho vạn sự bình an. Sĩ quan và lính trận, trước khi hành quân, lén chỉ huy đến bên mộ cô van vái.

30 năm sau, cô được bình chọn là “Nữ Anh hùng” và hài cốt cô được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ quê hương, nơi cô cùng chị em đem tuổi thanh xuân đi cứu nước.

     (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết