23/03/2022 - 20:50

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi sáu

HỒNG LÁNG - NỮ THẦN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Cố vấn quân sự Mỹ, Đại tướng Samuel Wilson là một tay mềm mỏng khôn ngoan trong bộ máy MACV, cho nên chủ tướng mất ghế như Westmoreland bị triệu hồi về nước (sau cái Tết Mậu Thân 1968 của Việt cộng và quân Bắc Việt tiến công vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, nói chung khắp nơi), đến Tổng thống Johnson phải tuyên bố ngừng ném bom, nói chuyện với Bắc Việt Nam về đình chiến và sẽ thôi tái ứng cử một nhiệm kỳ nữa. Ngài cố vấn có phong cách riêng:

- Này, ngài Đại sứ Cabot Lodge, như vậy đối phương chúng ta đã thắng sức mạnh vô địch của Hoa Kỳ phải không? Tổng thống đã tuyên bố thế còn gì!

Phụ tá của Cabot Lodge, ông Philip Habib sốt ruột trả lời thay:

- Thưa Đại tướng, có thể Hoa Kỳ chúng ta sẽ rút hết quân về, sau khi đã đưa vào Nam Việt Nam đủ con số 545.000 quân viễn chinh Mỹ và 13 nước Đồng minh Hoa Kỳ mà đối phương gọi tắt là chư hầu, thì Mỹ hiên ngang rút quân về trong danh dự, bấy giờ sẽ gọi là “Việt hóa chiến tranh”, “Thay màu da xác chết” - cách nói của nhà báo Úc.

- Tôi muốn ngài Đại sứ Cabot Lodge trả lời câu hỏi tôi, mặc dù ý ngài phụ tá cũng hay hay.

Cabot Lodge nghĩ vì Thiệu - Kỳ bất tài còn tranh giành quyền lực, thanh trừng, thanh lọc lẫn nhau, lôi kéo nước Mỹ vào mọi trò tội ác. Ở hội nghị thượng đỉnh Honolulu, Tổng thống Johnson dành cho Nguyễn Cao Kỳ những tình cảm quá đáng, ở Huế, Đà Nẵng, ở Cần Thơ và Sài Gòn gọi Kỳ là “ngựa non háu đá”. Nhưng bây giờ phải trả lời Samuel Wilson chớ… Cabot Lodge nói:

- Ngài Đại tướng hãy nghĩ rằng chúng ta không bại trận, bởi vì nước Mỹ không muốn chiến thắng một mình. Chúng ta còn phải bảo vệ quyền lợi cho nhiều nơi trên trái đất. Và như ngài biết, còn chinh phục cả các vì sao!

Dân Sài Gòn, nhất là các tướng tá Ngụy biết rõ tướng Samuel Wilson “Giám đốc cải cách điền địa” thực chất là người của CIA Mỹ. Samuel Wilson nói:

-Thưa ngài Đại sứ, cái nhóm tướng lĩnh ly khai vài ba năm trước, với phong trào Phật giáo tự thiêu và phong trào học sinh sinh viên, nổi bật là Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn để lại nhiều dấu vết đen thẫm. Chính tôi được lệnh Tổng thống thu xếp cho tướng Nguyễn Chánh Thi và hai đứa con nhỏ của ông ta (Nguyễn Chánh Hiển 9 tuổi và Nguyễn Thị Hoàng Yến 7 tuổi) đưa ra tận sân bay Tân Sơn Nhất, đi Mỹ. Rồi sau 6 năm lưu vong, ông Thi lại trở về phi trường Tân Sơn Nhất trên chuyến phi cơ 747 Panam thì Thiệu và Kỳ lại bày ra nhiều cách đối phó đầy ác cảm với Thi. Theo hãng UPI có cả giám đốc đô thành Trang Sĩ Tấn xuất hiện chận tướng Thi lại, yêu cầu ông Thi không được bước vào phòng khách Tân Sơn Nhất và ngồi yên để trở về Mỹ trong mười phút nữa.

Cabot Lodge:

- Rất tiếc là tôi không được biết trước, thưa ngài!

Samuel Wilson:

- Trong lúc đó, hàng trăm bạn bè của tướng Thi đang ngóng chờ đón đợi trong này. Khi tướng Thi bị cản lại và bị dồn lên máy bay trở về Mỹ, Thiệu - Kỳ hứa sẽ bồi thường 200.000 đô la cho chuyến máy bay chỉ chở một mình ông Thi theo lệnh của họ. Nhưng lại có tin hãng Panam không đồng ý với giá đó. Chưa hết, thưa ngài Đại sứ. Cái bầy ngựa của Hoa Kỳ chưa thuần yên đâu, Kỳ và Thiệu đều muốn ghi danh tranh cử Tổng thống. Cao Văn Viên với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng triệu tập 48 tướng lĩnh bàn suốt một ngày dài, rồi hai bên lại choảng nhau. Màn ngoạn mục là Kỳ tuyên bố ứng cử Tổng thống để Thiệu làm phó… Một bộ máy do chúng ta xây dựng như vậy thì làm sao “Việt hóa” trong tương lai như ngài nói được, thưa ngài!

Sau khi chất vấn để “lưu ý” ngài Đại sứ Cabot Lodge, tướng CIA Samuel Wilson vẫn băn khoăn trách nhiệm của mình. Ông ta cùng phụ tá Philip Habib đáp trực thăng xuống đồn Vĩnh Điều thị sát tình hình. Lực lượng thanh niên xung phong làm cho ngài lo âu.

Từ máy bay có trang bị máy nhìn hiện đại, hai cố vấn Mỹ thấy cánh đồng Gộc Xây đúng là xơ xác với bao nhiêu là hố bom, hố pháo. Cánh rừng Hà Tiên thì lỗ chỗ vết B52 trong 3 đợt oanh kích dữ dội, cất cánh từ đảo GAM hào hiệp và sau này, có thể “pháo đài bay” cất cánh từ Utabao tiện lợi hơn, oanh kích đẹp hơn, nhiều hơn, mạnh hơn, tiêu diệt mọi sự sống, mọi sự có mặt dưới cánh bay hùng vĩ của không lực Hoa Kỳ.

Đang tư duy nghĩ ngợi thì bỗng đâu súng phòng không Côlinốp 12 li 8 của mặt đất quất đạn lên trời, bủa quanh chiếc trực thăng khả ái. Có nhiều đường đạn tỏ ra nguy hiểm. Viên phi công vội vút lên độ cao. Bọn người trên máy bay ngạc nhiên bàn tán. Phi công:

- Xạ thủ phòng không là con gái. Coi kìa, con gái, mà cả con nít nữa chớ.

Philip Habib:

- Lạ thật, sao mà họ bắn ta rát quá vậy?

Samuel Wilson:

- Ai dạy họ bắn đạt đến thế?

Phi công:

- Chuyên gia Liên Xô hay Trung Quốc, hay cán bộ Bắc Việt?

Không bao giờ. Vậy là mấy cô gái, mấy cậu trai này tự họ bắn ra những loạt đạn lợi hại đó để “quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Họ bắn từ ý chí tiến công!

Philip Habib:

- Này ông Wilson, chúng ta, tôi và ông “giặc Mỹ của họ chớ gì”?        

Samuel Wilson:

- Cho đáp bình an xuống đồn Vĩnh Điều.

Mấy hàng lính Ngụy và đám sĩ quan xếp hàng đón hai vị cố vấn cao cấp. Quý khách và chủ nhà kéo nhau vào gian phòng có cái bàn trải khăn hoa, trái cây nước uống đã bày sẵn đủ loại. Hai ngài cố vấn phải nói qua thông dịch. Philip Habib:

- Ngài trưởng đồn hãy báo cáo ngắn tình hình về con đường 1C.

Đồn trưởng:

- Thưa Đại tá và Ngài Phụ tá. Việt cộng tăng cường thêm 1C thanh niên xung phong gồm những dân gan lì, chẳng kém số đến đây trước họ. Số lượng thanh niên xung phong tuyến 1C ngày nay có hơn 600 người, tất cả đều được Bộ Tư lệnh do Đồng Văn Cống làm Tư lệnh trưởng trang bị đến tận răng. Họ có hỏa tiễn hơn 3000 độ nóng là B40, B41, AT tăng, pháo dù và tiểu liên cực mạnh. Riêng pháo cối và đại liên phòng không họ có hơn 15 khẩu. Máy bay các loại của ta bay cao hơn tầm đạn phòng không của họ nên phóng pháo và oanh tạc bom khó chính xác.

Wilson:

- Vậy ta tăng cường dùng B52 và pháo tọa độ.

- Thưa ngài B52 thì nghe dữ tợn, mà thực tế gây thiệt hại cho họ chẳng đáng kể. Vì họ có cái máy PRC25 như của ta, nên họ theo tin mã thám và hiểu được lúc nào “pháo đài bay” hoạt động. Họ sang Campuchia tránh trước. Hơn nữa họ gan lì, ba phi đội B52 của ta dội bom như trời sập, thế mà họ hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”!

Philip Habib:

- Còn pháo tọa độ?

- Thưa quí ngài, ta có quá nhiều cụm pháo tọa độ, nhưng họ lại đào hầm chữ A - học cách đào hầm ở miền Đông, nên pháo có rớt ngay họ vẫn còn sống nhăn và tiếp tục hát, hoặc kể chuyện Ba Phi vui hơn trước nữa.

Wilson:

- Còn phương tiện vận chuyển của họ hiện nay?

- Thưa cố vấn, hiện nay họ còn dùng xuồng mõ để vận chuyển. Họ đi mười, mười lăm, hoặc lúc Tết Mậu Thân - họ đi cả trăm xuồng một chuyến, lựa dân mạnh khỏe và can đảm chống xuồng đi, số ở lại lo đào hầm, vét kinh, cải hoạt, học tập chánh trị, văn hóa, viết văn, làm thơ, soạn kịch để tự diễn cho đơn vị họ coi… pháo ta bắn vào họ thì họ trả đũa bằng cách tìm đến đồn Vĩnh Điều, Đầm Trích, Giang Thành pháo kích - trả đũa mà! Mỗi lần trực thăng “đổ dò” hay bắn phá vùng căn cứ của thanh niên xung phong, thì họ tìm cách pháo kích lại chúng tôi để “khấu trừ” món nợ do “đế quốc Mỹ” gây ra!

Philip Habib:

- Thế còn việc phong tỏa lương thực?

- Thưa quý cố vấn. Phong tỏa có kết quả, vì họ phải ăn độn khoai mì, phải ăn rau muống, rau cù nèo, lá môn, trái giác, chuối cây và những thức ăn kỳ lạ khác mà họ ăn ngon lành hơn chúng ta. Nên khi phong tỏa kinh tế họ, coi như chẳng ăn nhập gì. Cuộc vây ráp chống Cộng mà làm cho dân khổ thì dân xứ biên giới này lần hồi theo Việt cộng hết, thưa quý thượng cấp…

Wilson:

- Dân chúng trong ấp Tân Sinh này theo ai?

- Dạ ngày theo ta, đêm theo Việt cộng. Nói chung là theo Việt cộng trọn lòng. Mua gạo, thuốc uống, thuốc chích cho Việt cộng - tức cho thanh niên xung phong tuyến 1C. Bắt giam họ thì họ đi lên tỉnh, Quân khu chiến thuật thưa kiện chúng tôi.

Philip Habib:

- Còn ông Hai Văn - Phan Văn Đáng giờ ở đâu? Đã cỡi trâu trở về miền Đông chưa hay còn ở chỉ đạo ở trọng điểm I?

- Thưa quý thượng cấp, có lẽ chưa, mà sau này chắc có lẽ là ông Hai Văn về đường khác, họ đi trong xe hành khách với một bà vợ xinh đẹp đi kèm, có khi một đứa cháu kêu bằng cậu, bằng bác, họ tài tình với mọi cách qua mặt Quốc gia và Mỹ.

Wilson:

- Ngài đồn trưởng, ngài có muốn Mỹ giúp cho ngài một việc gì không?

- Dạ không! Tôi chỉ muốn là các ngài cố vấn Mỹ ở lại vĩnh viễn với Việt Nam chúng tôi. Nhưng tôi cũng tự thấy rằng một lúc không xa, quí vị người Mỹ sẽ bỏ rơi chúng tôi còn lại trên chiến trường Nam Bộ với kẻ thù dữ dội là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Điều mong muốn sau cùng là cho tôi được giải ngũ để về quê làm ruộng như xưa. Cha mẹ và cô hàng xóm còn chờ tôi ở đó.

Philip Habib:

- Ông Đồn trưởng nói hay quá! Mà đâu để cho ông nghỉ được. Ông dẹp cái đám thanh niên xung phong này đi. Ông sẽ có một tương lai khác hẳn.

- Không thể, thưa ngài cố vấn, ta không sao diệt nổi họ mà ngược lại. Cái gì đó như hố thẳm chờ chúng ta!

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết