* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương hai mươi lăm
TẬP TRUNG THANH NIÊN XUNG PHONG VỀ TUYẾN BIÊN GIỚI
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
3. TRẬN HY SINH THÊ THẢM
Núi Trầu là một địa danh lịch sử. Vì sao có tên này không ai rõ, nhưng các bô lão thế kỷ trước cho biết núi có triền đất cát pha nên sơn dân trồng trầu bán mưu sinh, thành danh Núi Trầu.
Liên đội Thanh niên xung phong do Tư Bay và Hai Tân phụ trách (bao gồm thanh niên xung phong Cần Thơ - Tây Đô và thanh niên xung phong tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh ghép lại). Liên đội II này từng phục vụ chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy suốt 3 đợt ở tuyến lộ Vòng Cung, lấy địa bàn Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân làm bàn đạp. Vận chuyển vũ khí, lương thực, tải thương, chôn liệt sĩ, đưa rước bảo vệ cán bộ và tham gia chiến đấu cùng bộ đội chống càn, diệt máy bay, xe tăng địch tại sào huyệt của chúng. Xông xáo vào chỗ ác liệt như vậy nhưng lực lượng thanh niên xung phong gồm 120 anh chị em được bảo toàn.
Đến Núi Trầu - địa bàn liên đới con đường 1C: Ngã ba Núi Trầu! Chúng theo dõi anh chị em ta và cho trực thăng đón đánh 2 đợt dữ dội. Chúng phóng pháo ác liệt và dùng đại liên xối đạn vào đội hình ta. Ta không có một tấc sắt chống lại chúng (vì súng đạn có lệnh giao lại ở Ba Đình hết rồi) nên chỉ “chém vè” kín là sống sót. Anh chị em nào bị phát hiện là giặc tha hồ bắn giết. Bắn đã tay, bầy trực thăng bay đi, để lại một cánh rừng xác chết!
Cô Phấn:
- Anh Tư ơi, anh Hai ơi mấy anh còn hay đã chết?
- Tôi Tư Bay còn đây cô Phấn ơi!
- Tôi Hai Tân nè các đồng chí ơi. Ai còn sống lên tiếng đi!
Tiếng gọi nhau thê thảm, tiếng đáp càng thê thảm hơn giữa cánh rừng
xác chết.
Ngọc Tám:
- Em đây nè anh Tư, anh Hai ơi, em bị thương!
Kim Ê:
- Anh Hai, anh Tư ơi, anh chị em tiểu đội em chết hết rồi, còn em trọng thương đây!
Bóng đêm bao trùm lên cánh rừng Núi Trầu. Anh em thanh niên xung phong chết và bị thương thê thảm chưa từng thấy. Họ cõng, dắt nhau đi tìm hướng để moi số tử thi, đồng đội bị giặc bắn chết.
- Trời ơi, mới giỡn nhau đây mà giờ nằm chết tại Núi Trầu hoang dã này.
- Hạnh ơi, mày bỏ tao mày chết
sao Hạnh?
Những tiếng gọi nhau buồn thảm, thê lương, tìm ra đủ tử thi với 90 chiến sĩ còn lại, ta biết trận Ngã ba Núi Trầu thanh niên xung phong hy sinh 29
đồng chí.
Anh em xem lại coi ai bị thương để băng bó rồi phân công khiêng, cõng nhau đi nhanh. Còn một đồng chí mất tích, tìm không có xác, mà kêu réo mãi cũng không có. Đó là đồng chí Danh Việt(*) quê Cà Mau. Đồng đội gọi:
- Anh Việt ơi ơi ơi ơi….
Cô Phấn:
- Mới nói ghẹo tụi em “hôn súng mà không để hôn ảnh ngon hơn” thì đã mất!
Hai Tân:
- Mới đó mà vĩnh biệt một trung đội anh em, 29 đồng chí. Còn thằng Việt mới kể chuyện bác Ba Phi, làm mình cười lăn cười bò, bây giờ thì mất tích. Chắc là nó chết rồi, nhưng không biết thây nó nằm ở đâu.
Tư Bay:
- Giờ làm sao chôn mấy chục đồng chí mình, Hai Tân?
Các chiến sĩ thanh niên xung phong sống sót gom nhau lại, kéo mấy mươi anh chị em thân yêu của mình, khiêng vác những tử thi ướt đầm nước, lạnh buốt, muỗi, đỉa, vắt và loài cú kêu khắc khoải, gây sợ hãi cho người sống bên đống xác chết. Chú Tư Bay điều khiển 90 anh em còn sống sót, trong đó có hơn 10 người bị thương, mặc niệm đồng đội. Hai Tân:
- Tất cả các đồng chí giờ là liệt sĩ anh hùng cùng chúng tôi “đi tới đây, lại ở đây” làm vong linh của “Ngã ba núi Trầu” lịch sử thanh niên xung phong. Hãy ghi nhớ tình đồng đội giữa chúng ta trong phút mặc niệm này. Chúng tôi sẽ trả thù cho các đồng chí!
Thèm một phát súng tiễn biệt nhau nhưng súng còn đâu!
Mặc niệm xong, gom cao su lại gói 29 tử thi, rồi chất thành một đống vun cao. Vì rừng nước ngập tới đầu gối, tới bụng, không sao tìm ra chỗ chôn. “Dưới gốc tràm vô tư, chúng tôi gửi lại rừng thiêng 29 tử thi liệt sĩ vệ quốc anh hùng nam lẫn nữ, quê hương từ Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau…”. Chặt cây tràm bằng dao găm và lưỡi lê, chất đống lên thây, như đàn voi quật cây to, phủ lên xác đồng loại của chúng vậy. Thanh niên xung phong Liên đội II (tuyến Vòng Cung) đến đây, lấy cây tràm Núi Trầu phủ lên xác chết của đồng chí anh em mình, rồi lặng lẽ ra đi. Đêm bao trùm họ, cú kêu… những con đom đóm bay ngoằn ngoèo như điểm xuyết của các linh hồn lởn vởn theo người đang sống yêu thương, phò hộ và an ủi người sống đi phục thù cho nhau.
4. Tư Bay:
- Các đồng chí, ta còn lại 90 anh em, mà bị thương phải cõng khiêng gần một chục, vậy ta chia làm 4 tốp coi như 4 tiểu đội và 1 tổ trinh sát gồm các đồng chí khỏe đi đầu, các đồng chí dìu, cõng thương binh đi sau, theo đường mòn của tổ trinh sát mà đi, cảnh giác chúng gài mìn và máy thu tiếng động...
Hai Tân:
- Ám khẩu chúng ta là Vĩnh - Hà tròn năm. Cự ly 5 thước, đến ngã rẽ đứng chờ người sau.
Chú Hai Tân truyền đạt mệnh lệnh, ám khẩu và ra dấu xuất phát. Chú khoát tay chỉ lối đi. Anh chị em lưu luyến chỗ đống tử thi 29 anh chị em nằm lại giờ là đống cây tràm tùm lùm cao ngất. Có đom đóm lượn quanh và chim cú khắc khoải. Anh em qua ngang cúi chào đống tử thi đồng đội rồi đi, nước mắt như mưa.
Cô Phấn:
- Ta đi về hướng nào anh Tư?
Địa bàn đây, đi hướng Đông Bắc, chếch tay mặt 15 độ sẽ qua Giang Thành và Đầm Trích. Họp điểm ở Kirivong hoặc trạm đầu cầu là núi Chạp Day xanh mờ một dãy bên bờ bắc Vĩnh Tế. Đêm. Chợ Hà Tiên lên đèn. Pháo sáng của địch từ Dacota 130 bỏ ra, bay lơ lửng chập chờn, ma quái. Song cũng nhờ ánh sáng đó mà ta dò đi, và nhờ có pháo bắn một loạt, đạn bay qua đầu véo véo, ta mới xác định hướng nào có căn cứ địch.
Đến ngã ba, ngã tư thì tốp trinh sát làm dấu, đường nào đi thì để trống tự nhiên, những đường khác thì lấy cây cỏ bít lại.
Đi lần dò, cà nhắc, cà khêu mà khiêng võng nhau đi, tốc độ quá chậm. Một đêm đi hơn 10km nên sáng phải ém lại trong rừng, chờ tối sau mới tiếp tục đi nữa, đi như vậy cho tới 5 ngày đêm, tốp thanh niên xung phong này mới về tới cứ tiền tiêu của Liên đội I. Vui mừng chào đón nhau.
Những ngày đêm ở lại rừng Hà Tiên, đói quá, anh em đi lấy ong ruồi ăn tàng ong và uống mật đỡ lòng. Trái rừng như trái gác chín, me keo, ổi, nhào, bình bát đều lọt vào “vòng sưu tầm” của anh em tìm cách sống để đi, để giữ đúng lời hứa trả thù cho đồng đội đã chết!
Khi tổ trinh sát lọt qua đất Campuchia thì báo cáo với Ban Chỉ huy Liên đội I. Chú Năm Đoàn liền cho anh em đi tìm kiếm đưa nhau về thẳng Trạm 90 của ta ở khu vườn chuối An Ninh, cô Út Nhì ở đó. Nhưng giặc bắt đầu đánh phá căn cứ ta liên tục. Song một bộ phận Liên đội I vẫn tồn tại ở đó để giữ mối đường với T80 và Đoàn 195.
90 anh em Liên đội 2 được biên chế vào đơn vị lớn. Số đồng chí bị thương cũ ở trận Núi Trầu, và số anh em đi mua gạo ở Bình Sơn, bị giặc bắn trọng thương cộng chung gần 20 liền được đưa về trạm xá dã chiến và không có đồng chí nào hy sinh, nhờ sự có mặt kịp thời của chú Chín Tần...
(Còn tiếp)
----------
(*) Mãi đến sau này ta toàn thắng vẫn không tìm ra tông tích Việt.