20/03/2022 - 17:21

1C - con đường huyền thoại

♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương hai mươi lăm

TẬP TRUNG THANH NIÊN XUNG PHONG VỀ TUYẾN BIÊN GIỚI

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1.     Tư Bay và Hai Tân, hai cán bộ phụ trách Liên đội II Thanh niên xung phong tuyến Vòng Cung, chia nhau đi 2 xuồng, người đầu, người đi giữa để xử lý tình huống. Về tới Ngã Ba Ðình tất cả xuồng ghé lại lên trạm.

Chú Sơn Nam, cán bộ Khu đoàn, lúc cùng ở tuyến lộ Vòng Cung, thì ở chung với Liên đội Thanh niên xung phong. Nhưng về đến khu Ba Ðình, nhiệm vụ phục vụ tuyến Vòng Cung không còn, Sơn Nam ở lại công tác Ðoàn, về cơ quan Khu đoàn, còn lại chú Tư Bay, chú Hai Tân (Liên đội phó) cùng anh em về tuyến 1C. Các chú đang loay hoay từ giã nhau thì có công văn của Cục Hậu cần đến bảo “giao tất cả súng đạn” nói chung là vũ khí được Bộ Chỉ huy chiến dịch trọng điểm 1 Cần Thơ trang bị (giao lại để đưa về kho), các cô chú phải “đi mình không” lên tuyến đường 1C. Hai Tân hỏi:

- Việc gì vậy anh Tư?

Tư Bay:

- Tất cả vũ khí của anh chị em ta phải giao lại Cục Hậu cần lưu kho. Mình đi không lên trển lãnh súng mới.

- Trời ơi, vậy đi đường gặp giặc tụi mình làm sao, vật lộn hay là cạp nó! Ai ra lệnh kỳ cục vậy?

Ðồng chí bảo vệ Cục Hậu cần nói:

- Ðồng chí ơi, đây là lệnh trên, chúng tôi chỉ biết chấp hành thôi.

Các cô nữ lại xăng văng xéo véo. Cô Phấn:

- Trời ơi, bị tước vũ khí hả anh Tư?

Sơn Nam rất băn khoăn:

- Ðồng chí hậu cần ơi, có thể để lại mỗi tiểu đội 1 khẩu AK được không?

- Ðây là lệnh trên, các đồng chí để hết lại cho Cục Hậu cần Khu lưu kho, rồi phân phát cho hậu phương. Các đồng chí lên Kho 90 lãnh súng mới.

Tất cả tỏ ý phản đối. Tư Bay phát biểu:

- Các đồng chí, hậu phương cần vũ khí. Ta đang ra tiền tuyến 1C để vận chuyển về hàng tấn súng đạn. Vậy để lại cho đồng đội ta sử dụng, ta đi hai, ba ngày nữa là có súng mới rồi. Phấn khởi đi nghen!

Vậy là tất cả hoan hô ầm ĩ. Chỉ có Hai Tân không vui:

- Dọc đường giặc đánh vào đám tay không, anh em ta hy sinh thì ai chịu trách nhiệm?

Một phút sau, tất cả súng đạn, lựu đạn, pháo dù, các nam nữ chiến sĩ thanh niên xung phong tự động “lột” ra giao lại cho Hai Lựu - cán bộ Hậu cần. Súng đạn xếp một dãy, các chiến sĩ nhìn lưu luyến vì đã gắn bó cùng họ lập công đánh giặc mấy tháng nay. Giờ phải chia tay vật kỷ niệm, nhiều cô ôm súng và pháo dù hôn thắm thiết. Danh Việt rắn mắt chọc quê mấy cô gái:

- Trời ơi, sao mấy cô hôn sắt thép, lại đây hôn tôi nè!

Ngọc Tám liền trả đũa:

- Hôn anh hả? Í ẹ à!

Cả đám cười. Cô Phấn nói:

- Trong chiến tranh súng đạn người ta bồng bế, lau chùi, tối ngủ chung mùng, ngày ôm ẵm không rời, nên chia tay vũ khí người ta hôn. Anh Việt đâu có bì nổi với súng đạn mà ghen tị?

Danh Việt:

- Mấy cô không chịu hôn hít tôi, lo hôn hít sắt thép. Mai này tôi “theo ông bà” thì dẫu thương tiếc cũng đừng có khóc nghe.

Ngọc Tám:

- Anh khỏi dặn, anh qua đời chị em tôi không còn ai chọc ghẹo, giấu khăn nón, áo quần. Không ai chế nhạo chị em tôi sợ đỉa, sợ vắt, sợ thằn lằn rắn mối. Anh còn cái tội làm ma nhát chị em tôi nữa…

Cô Phấn:

- Thôi đừng trù ảnh chết. Mất ảnh không ai kể chuyện Ba Phi cho tụi mình nghe.

Hai Tân:

- Thằng Việt mà qua đời không còn ai bắt rắn đặng mình nướng lèo ăn cơm nguội nữa chớ.

Cô Phấn:

- Bây giờ để chắc ăn, lúc Danh Việt còn sống nhăn đây, kêu Danh Việt kể chuyện Ba Phi mình nghe đi!

Mọi người đồng tình:

- Hay lắm! Hay lắm! Kể đi anh Việt.

Trong lúc chờ cán bộ Hậu cần kiểm tra súng làm biên nhận, tập thể đề nghị Danh Việt giúp vui bằng kể chuyện Ba Phi. Danh Việt:

- Thì có mấy chuyện kể rồi, hai đại đội của mình đây đều thuộc hết mấy chuyện Ba Phi, vậy mình nhớ lại để cười được rồi, cần gì kể.

Tư Bay:

- Ờ ờ đúng vậy, những lúc canh gác một mình buồn hiu, tôi cũng hay tự nhớ mấy mẩu chuyện Ba Phi rồi cười ên một mình, không ai cưỡng được. Mình đi xa nhà chiến đấu như vầy coi như có bác Ba Phi theo cùng để cổ vũ tinh thần con cháu chiến đấu bằng những chuyện vui dân gian của ông.

Ngọc Tám:

- Thôi đi anh Tư ơi, anh đừng làm lạc đề, để anh Việt kể chuyện bác Ba ôm cổ rắn hổ mây, tụi em thích chuyện đó lắm.

Mọi người ủng hộ:

- Ðúng rồi, kể chuyện bác Ba Phi ôm cổ rắn hổ mây lúc đốt đất đi.

Danh Việt:

- Tôi kể, có chỗ nào quên các bạn bổ sung nghen.

- Ðồng ý, kể đi chỗ nào quên tụi tui tiếp.

- Nói nghe: Vào những năm một ngàn chín trăm… hồi đó, khoảng đầu thế kỷ hai mươi, bác Ba Nguyễn Long Phi là một võ sĩ ở miệt Ðồng Tháp Mười, nhà nghèo tha phương cầu thực, xuống đất Lung Tràm giữ đất mướn rồi ở rể cho điền chủ. Có một lần bác Ba dẫn hai người em vợ là cậu Tư Ứng và cậu Chín Tráng đi đốt đất để khai hoang. Ba anh em châm ba mũi lửa, ba phía rừng phát cháy thì gió ào ào thổi tới. Ba người thợ rừng bị lửa khói bao vây không có đường thoát, mỗi người chạy một hướng. Bác Ba Phi bỗng gặp một cây tràm trụi nhánh, dựng thẳng lên trời như cột kình thiên. Bác nghĩ “may quá, ta leo lên cây tràm cổ thụ này để thoát lửa”. Vậy là bác Ba “ôm cây” leo. Leo đã đời đến chảng ba cây, bác Ba đụng phải hai hàm răng con rắn hổ mây khổng lồ đang hả to thở dốc - vì nó cũng ngộp khói và phỏng lửa như người. Không còn nghi ngờ gì, cái cây mình leo chính là con rắn chúa đã từng nuốt không biết bao nhiêu heo rừng và nai chà. Mình chậm trễ, nó bớt ngộp khói, nó nhận ra mình, chắc là nó không tha. Vậy ta phải buông tay té xuống đất để thoát chết. Bác Ba bắt đầu té dài dài từ cái đầu rắn đầy răng nhọn hoắc, cho đến bảy ngày đêm mới rớt xuống tới đất…

Ngọc Tám kêu lên:

- Trời ơi, té tới sáu bảy ngày đói bụng khát nước chịu sao nổi anh Việt?

Danh Việt:

- Thì dọc đường bác Ba ghé trạm thanh niên xung phong ở tuyến 1C xin cơm ăn, nước uống rồi ra té nữa!

Tất cả ráp nhau cười lăn, cười bò. Mấy cô chú thích chí lập lại đoạn té dọc đường đói bụng khát nước, ghé trạm thanh niên xung phong xin ăn uống rồi ra té tiếp. Chuyện ôm cổ rắn hổ mây của bác Ba Phi cứ mỗi lần được kể lại đều có thêm thắt, khiến cho mỗi ngày một phong phú. Mấy cô chú cười đã đời, cười ra nước mắt, thì cũng đến lúc có lệnh hành quân. Chuyện bác Ba Phi lại cùng các chiến sĩ trẻ lên tuyến 1C anh hùng…

Chú Sơn Nam nãy giờ cũng vui cười hồn nhiên khi nghe chuyện Ba Phi ôm cổ rắn. Ðến giờ hành quân, cũng là lúc chú chia tay đơn vị. Mấy tháng anh em chú cháu cùng nhau phục vụ chiến trường Vòng Cung trọng điểm 1 với biết bao kỷ niệm vui buồn. Nay chia tay nhau sao khỏi ngậm ngùi. Mấy cô gái xúc động lau nước mắt. Chú Sơn Nam đến bắt tay từng người, dặn dò cặn kẽ các cô chú lên chiến trường khốc liệt ở tuyến biên giới phải hết sức cảnh giác mới có thể sống còn. Khi cả đơn vị cho xuồng rời bến, chú Tư Bay nhìn lại chú Sơn Nam:

- Anh Sơn Nam về Khu đoàn mạnh giỏi nghen!

Hai Tân hẹn:

- Chiến thắng gặp lại nghen!

Cô Phấn nhắn nhủ:

- Anh Sơn Nam nhớ em nghen!

Ngọc Tám nhắn:

- Có ai nói về “thùng phuy” là anh nhớ em nghen! Em mập ù…

Kim Ê cũng dặn:

- Còn em có ai nhắc “sán lãi” là nhớ em nghen!

Cô mập, cô ốm đều theo “ghẹo” chú Sơn Nam - người cán bộ Ðoàn từng gắn bó với Liên đội II tuyến Vòng Cung. Xuồng đi xa dần, họ cứ đưa tay ngoắt nhau. Nào ngờ đêm hôm sau, 30 đồng chí trong số ấy bỏ mình ở Núi Trầu!

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết