18/03/2022 - 22:01

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi bốn
  TẤM  LÒNG  ĐẤT  BẠN

(Tiếp theo)

6. Ðoàn 195 và Ban Chỉ huy Liên đội thanh niên xung phong kết hợp du kích xã Vĩnh Ðiều, bao vây và pháo kích liên tục bắn tỉa hai đồn Ðầm Trích và Vĩnh Ðiều. Lực lượng bao vây của ta có hơn một tiểu đoàn, đủ vũ khí, đạn dược. Ta vừa bao vây, pháo kích bằng các loại cối, DKZ và phát loa tuyên truyền sự lớn mạnh của Cách mạng. Máy bay đến tiếp tế bị đại liên 12 li 8 của ta quét lên trời, phải dạt ra, thả lương thực, đạn dược vung vít, ta lấy được một phần. Lúc này tận dụng 3 ngày đêm vào đợt 1-1968, ta cho lực lượng thanh niên xung phong vận chuyển liên tục. Trong 3 ngày đêm ta làm chủ tuyến đường vào Tết Mậu Thân tổng công kích, tổng khởi nghĩa 1968, ta vận chuyển được gần 100 tấn hàng… mừng vui khôn xiết kể.

Ðến ngày thứ 4 địch rảnh tay ở Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên… tập trung phản kích lại sự bao vây của ta ở tuyến đường, ta phải ngưng vận chuyển đến 20 ngày. Tình thế căng trở lại. Sau đó tuyến đường bị giặc ngăn chặn quyết liệt hơn trước, ta cho lực lượng nhẹ gọn len lỏi thừa sơ hở của địch vận chuyển mỗi đêm chừng 3-4 tấn, thậm chí 2-3 tấn. Ta vẫn kiên trì bám đường, kiên trì làm cho mạch đường không tắc, nuôi sống chiến trường du kích Miền Tây.

Sau Tết Mậu Thân 1968, các mũi tấn công của ta vào các trọng điểm Cần Thơ (trọng điểm I) Vĩnh Long (trọng điểm II) bị tà. Vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 ta phải tháo chạy ra, bị địch phản kích gây thiệt hại nặng. Ta bị tiêu hao sinh lực và mất nhiều vũ khí, đạn dược, địch gượng lại vươn tay tiến công dữ dội và ráo riết vào các khu căn cứ ta và tập trung dập tắt tuyến đường 1C.

Con đường vận chuyển 1C từ bên kia biên giới Campuchia về Hà Tiên, chúng tập trung hải - lục - không quân ngăn chặn. Tàu sắt, giang thuyền chúng cho 5-10 tàu túc trực tuần tra ngày đêm. Quân ở đồn và quân dã ngoại chúng tăng cường thêm để chốt chặn. Chúng tập trung nơi đầu đường (trạm Ðầu Cầu) của ta là khúc Ðầm Trích, Giang Thành về rừng Hà Tiên. Một khối lượng và phương tiện gấp bội.

Lực lượng vũ trang ta kiên trì bám địch, đêm nào không có địch ta đi (từ 10-15 xuồng). Ðêm có địch ta quay trở về. Có lúc ta quay trở về hàng vài chục lần hoặc hơn vài chục lần trong tháng - thế mà từ chỉ huy đến chiến sĩ thanh niên xung phong và Ðoàn 195 không một ai tỏ ra chán nản. Nói chung, năm 1968 ở tuyến đường 1C (Rạch Dứa - Ðầm Trích - Giang Thành) qua rừng Hà Tiên… từ 3-5 đêm ta mới đi được một chuyến và chỉ đi nhỏ từ 10-15 xuồng thế mà ta vẫn đi lọt mãi.

Năm 1969. Tăng cường độ chiến tranh, địch ở cánh đồng Gộc Xây, kinh Vĩnh Tế tăng lên ác liệt thấy rõ, quân ta bắt đầu khó khăn: thiếu gạo, thiếu thuốc, bệnh tật trong địa bàn bị địch bao vây phong tỏa liên tục xảy ra. Rét phát triển và lây lan thành dịch. Rét, các cô chú vẫn đi…

Chiến trường chung bị bỏ ngỏ. Ðợt tổng tiến công năm 1968, ta hy sinh nhiều đơn vị chủ lực và địa phương quân, làm tổn thất về sức mạnh quân sự và lòng tin của đồng chí, đồng bào. Tuy nhiên, tư liệu chính thức của ta ghi rằng: “Mặc dù không dám thừa nhận sự thật, Westmoreland Tổng chỉ huy quân đội Mỹ -Ngụy và chư hầu ở Nam Việt Nam đã phải báo cáo về tổng thống Johnson rằng:

“Ngoài cuộc tấn công thẳng vào Sài Gòn, Quân giải phóng đã đánh vào 36 trong 44 tỉnh, 5 trong số 6 đô thị, 64 trong 242 quận lỵ và nhiều ấp chiến lược khác. Ðợt này Sài Gòn, Huế lập được chiến công oanh liệt. Tổng tiến công 1968 làm phá sản “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris, mở ra cục diện mới cho Cách mạng miền Nam”.

Sách “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến” viết:

“Tháng 8-1968 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Ðảng họp chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa đợt 3. Ðòn chính của đợt 3 vẫn nhắm vào các trung tâm của thành thị lớn. Sau hai đợt tổng công kích và tổng khởi nghĩa, lực lượng của ta không còn đủ sức tiến công vào các trọng điểm theo ý đồ chiến lược đã được vạch ra. Ðợt 3 bắt đầu từ ngày 17-8 đến hết ngày 30-9-1968 (44 ngày). Ở Tây Nam Bộ sau đợt 1 và đợt 2, riêng về lực lượng du kích xã, ấp giảm sút nhiều. Trước đợt 1 có 5.734 đội viên, sau đợt 1 còn 4.389 đội viên, sau đợt 2 còn 2.740 đội viên. Vào đợt 3 các tỉnh thành lập thêm 11 đại đội mới. Bước vào đợt 3, các đồng chí Phan Văn Ðáng, Nguyễn Thành Thơ, Ðồng Văn Cống vừa lãnh đạo chung toàn khu và trọng điểm, vừa trực tiếp chỉ đạo phía sau dồn sức cho lực lượng tiến công phía trước. Sau đợt 2, đồng chí Phan Ngọc Sến (Khu ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ) được rút về làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương. Ðồng chí Nguyễn Tấn Thanh, Trưởng Phòng Dân quân khu được cử phụ trách đường 1C vận chuyển vũ khí. Khu ủy lập Bộ chỉ huy tiền phương trọng điểm 1, đồng chí Ðồng Văn Cống - Tư lệnh, đồng chí Phạm Ngọc Hưng- Phó tư lệnh, đồng chí Dương Cự Tẩm - Chánh ủy. Ban chỉ huy trọng điểm 2 vẫn giữ nguyên như cũ đến hết đợt 3”.

* * *

Tại một địa điểm trong lộ Vòng Cung, cuộc họp Ban chỉ đạo trọng điểm diễn ra. Ban đầu các thành viên lãnh đạo ngồi ngoài miệng hầm, các vệ sĩ súng AK gắn lê sáng quắc và pháo dù giắt lủng lẳng mấy trái trên lưng. Mấy nữ chiến binh thanh niên xung phong và cán bộ, du kích mật cũng được gọi về trọng điểm phục vụ cho lãnh đạo. Các cô, các chú, các chị, dì đem xôi đậu xanh, gà luộc và bánh mì thịt quay…

Chú Chín Hồng - Ðồng Văn Cống khều chú Hai - Phan Văn Ðáng, người lãnh đạo cao nhất mặt trận miền Tây vùng 4 chiến thuật, nói đủ nghe:

- Anh Hai, tôi nghĩ là mình nên kết thúc ở đây, lính tôi chết nhiều quá anh! Giặc trong công sự có chỗ che khuất, chờ mình từ xa tới, nó bắn ra, chịu sao thấu anh! Hơn nữa lính mình ở đồng quê cỏ cháy, ra chợ thấy đường sá ngang dọc vầy nó khớp. Nó đi lạc, chết một mớ oan mạng. Còn nói “nổi dậy” và binh vận, anh Hai thấy có đâu! Cuối cùng ta nhờ có mũi đánh đấm này thôi.

Chú Hai Văn biết rõ Chín Hồng là ai. Con người này khi đánh thực dân Pháp mở đầu cuộc kháng chiến Bến Tre có 7- 8 khẩu mousqueton mà xây dựng “bộ đội ông Cống”. Dân gian có nhiều truyền thuyết về ông Cống gọi là “ông Bảy”. Ông Cống lại có một vệ sĩ là Hai Quảng rất mưu trí và dũng cảm nên tổ chức nhiều cuộc giả trang tập kích thu cả súng FM đầu bạc của Pháp, xuất quỷ nhập thần, thời mở đầu cuộc đánh Pháp có câu ca dao khiêu khích bọn Tây như vầy:

“Ðồng Văn Cống đóng tại Bàu Dơi

Mời quan lớn xuống chơi một bữa”

Tụi Tây thấy câu của ông Cống viết vậy, ráp nhau kéo vô Bàu Dơi, thì ông Cống lại phục kích gần đó (ở Bàu Ðả). Lúc Tây rút về thì bộ đội ông Cống nổ súng, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Tù binh thả tại trận, cho họ vào coi cái hình nộm bện bằng rơm to lớn, đội nón lá buôn “Ðó, ông Cống ngồi đó!”. Ở xa xa, giặc thấy “ba chớp ba sáng” cái hình ông Cống sao mà to lớn dữ dằn như vậy. Về Bến Tre nó đồn lên làm cho giặc sợ uy danh ông Cống, thật ra ông là một vị tướng nông dân, giống như sư trưởng Sapaép ở Nga vậy.

Chú Hai Văn lắng nghe ý kiến chú Chín Hồng, hoàn toàn có thể chia sẻ nỗi băn khoăn với vị Tư lệnh kiên cường mà thương chiến sĩ. Thấy các chú các cô đã vào đủ, chú Hai Văn bắt đầu:

- Thưa các đồng chí, vào đợt 2, ở trọng điểm 1: Khu ủy và Quân khu miền Tây giải thể Lữ đoàn, trả Tiểu đoàn Tây Ðô về tỉnh Cần Thơ, rút quân của đoàn vận tải đường biển, rút thêm quân của tỉnh Cà Mau, thành lập Tiểu đoàn bộ binh 962, Quân khu lập 2 trung đoàn. Trung đoàn 1 có hai tiểu đoàn 303 và 307, Trung đoàn 2 có 2 Tiểu đoàn 309 và 962. Ở trọng điểm 2, Quân khu lập Tiểu đoàn 308 thay thế tiểu đoàn đã điều đi chi viện và chiến đấu ở mặt trận Tây Nam Sài Gòn, thành lập Tiểu đoàn pháo binh 316, lập Trung đoàn 3 có 3 tiểu đoàn bộ binh 306, 308 và 312. Khu ủy rút một Ðại đội An ninh vũ trang bảo vệ Khu ủy, đưa ra mặt trận chiến đấu; tuyển 3.190 thanh niên tòng quân tức khắc để tiếp thu súng từ đường 1C.

Vũ Ðình Liệu:

- Cơ quan Khu ủy và Quân khu ủy dời lên sông Cái Lớn ở Long Mỹ giáp Gò Quao để dễ dàng chỉ đạo. Ðợt 2 này Ban binh vận khu xây dựng được 392 cơ sở nội tuyến. Binh vận có nội tuyến thực sự!

Chú Hai Văn:

- Nhưng như các đồng chí biết, vào đợt 2 ta không còn yếu tố bất ngờ, lực lượng ta bị tiêu hao nặng, không bổ sung kịp. Ta bám vùng ven rất khó. Ðịch gượng dậy và tập trung đánh phá ta. Chúng bóp nghẹt các tuyến vận chuyển, tiếp tế, chi viện từ Trung ương và Trung ương Cục, bóp tuyến 1C. Ðề nghị đồng chí Mười Kỷ báo cáo tình hình địch -
ta cho các đồng chí nắm.

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết