17/03/2022 - 07:11

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi bốn

TẤM  LÒNG  ĐẤT  BẠN

 

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Tháng 8-1967, công ty Hắc Lũy do đồng chí Bảy Bình phụ trách, đã chở 3 xe GMC, mỗi xe mười tấn vũ khí từ cảng Sihanouk Ville về bến Lò Vôi - Stúc Mía, xe chở liên tục 2-3 ngày một chuyến. Đoàn 195 dùng tàu của Việt Kiều từ 3-5 tàu đi một chuyến, có đêm đi hai chuyến tức là sức chở nhỏ, chở được từ 6-10 chuyến một đêm. Lực lượng bốc xếp của ta ở Stúc Mía gồm các chiến sĩ Đoàn 195 đóng giữ kho, giữ hàng nơi đây cùng bà con Việt kiều nghi trang là Quân giải phóng (mặc đồ Quân giải phóng như chiến sĩ Đoàn 195 và đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ). Bà con Việt kiều khi làm việc yêu nước này thì làm thinh, vì nói chuyện sẽ dễ lộ, sau bọn Lon Non hoặc bọn Ngụy Sài Gòn đến làm khó. Súng đạn nặng nề, mỗi chuyến phải có từ 50-70 người bốc xếp trong 2-3 giờ làm việc cật lực. Việt kiều ta ở đây đã làm việc hết lòng. Xong chiếc nào, tàu lui ra khỏi bến để đảm bảo bí mật số người bốc xếp. Ngay tại bến xe, binh lính và sĩ quan người Campuchia cũng nể tinh thần làm việc của lực lượng ta. Một sĩ quan Campuchia thấy đồng chí Bảy Bình đi ngang, khen tặng:

- Po-ro-thiên Koong-pul-thum (Sư đoàn trưởng - ý nói người đủ tài điều khiển một Sư đoàn).

Bảy Bình:

- Xom Co-rốp, o-kum, xom lia! (Xin chào, cảm ơn, xin tạm biệt).

Đến cuối tháng 9-1967, Đoàn 195 nhận xong 300 tấn hàng (đợt 1 vận chuyển mùa nước) và vận chuyển tiếp 200 tấn hàng mùa khô. Nhưng vì con đường 1C qua Vĩnh Tế của ta gặp khó khăn, địch ngăn chặn liên tục nên ối đọng đến năm 1968-1969, ta còn tồn kho 100 tấn hàng trên đất Campuchia. Trên thực tế lực lượng thanh niên xung phong và Đoàn 195 vận chuyển về Nam gần 100 tấn (đến đầu năm 1970).

Từ năm 1968, sau chuyến đi thị sát của Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và hai cố vấn Mỹ, đường 1C bị địch tăng cường tuần tiễu, hành quân đánh phá liên tục. Năm Đoàn hỏi đồng chí Sáu Thiện:

- Tuần rồi ta xuất phát đủ bảy lần đều trở về hết bảy phải không? Không qua lọt xuồng nào?

Sáu Thiện:

- Báo cáo anh Năm, đúng vậy. Giặc bố trí ba lớp canh tuần. Hai bên bờ Vĩnh Tế và ngay giữa lòng kinh, chúng túc trực gần 30 tàu, ken nhau đậu suốt, cứ 5 phút chúng quăng một trái mìn phá nước xuống kinh để ngừa đặc công thủy của ta lội đánh tàu.

Chú Tám Xà Bam:

- Tôi kêu nhà tôi giả đi chợ, quan sát mé bờ Nam của mình, thấy nó kéo dây rào gai bùng nhùng. Và cứ vài trăm thước nó cất một cái tum cho lính ngụy gác đêm ngày. Nó tung tin Việt cộng ở Stúc Mía, mấy ngàn tấn súng đạn do Liên Xô và Trung cộng viện trợ, sẵn chở về kinh Vĩnh Tế để chuyển về đồng bằng sông Cửu Long đặng tổng khởi nghĩa. Nó bắt phòng vệ dân sự, phải đi tuần tiễu và bao nhà tình nghi có Việt cộng trú ẩn, nó bao nhà tôi!

Chú Sáu Vệ Tinh:

- Bên bờ Bắc kinh Vĩnh Tế cũng vậy, nó đóng dã ngoại đến 2 tiểu đoàn. Trong lán trại của nó có nhiều đàn bà con gái đến ở. Ghe xuồng mua bán dập dìu trên kinh.

Năm Đoàn kết luận:

- Giặc phong tỏa vậy, nhưng ta phải tìm chỗ hở để xoáy vào… phải xuyên phá chúng. Nhờ chú Tám và chú Sáu, chú Chín Cà Rèm giả vờ mua bán lươn cá xem coi nó sơ hở chỗ nào, ta xuyên qua đó, không chuyển bí mật thì ta nghĩ cách chuyển công khai. Ta phải tìm cách chuyển công khai nhưng chưa có người để nhân mô hình ông Chín Chấc, ông Ba Vọp ra…

Mấy ông già địa phương trở thành trinh sát của gánh Năm Đoàn, bơi chống xuồng ghim vào cụm tràm kín bưng để bàn luận tình hình. Đây là lòng dân biên giới của Tổ quốc ta - hồn nước và sức mạnh dân tộc tiềm tàng ở đây!

2. Hầm chữ A ta lấy kiểu từ miền Đông, với cách kê gác cây chữ A như vậy, lực chịu rất lớn. Bên cạnh văn phòng Ban Chỉ huy Liên đội vừa đắp một căn hầm chữ A. Các cô đắp xong chưa kịp nghi trang thì chiếc L19 bay đến. Có lẽ nó thấy chỗ đó (chỗ ta đắp hầm) khác mọi lần, nó nghi, nó phóng pháo màu. Máy bay píckê phóng “cảo” một tiếng, trái pháo màu cắm xuống đất sình ngay miệng hầm. Mấy cô như Hoàng Em, Minh Tâm lúc đó ém phía trong hầm, còn cô Đẹp và Thu Nguyệt ở ngoài. Biết nó thả trái màu làm ám hiệu cho máy bay đến ném bom, bắn pháo hoặc đổ quân. Sợ lộ mục tiêu của mình nên hai cô nhất loạt nhào tới cởi khăn áo quấn trái pháo dập mạnh xuống sình non, rồi quyết liệt hốt phân tràm đắp lên trên. Làm hết sức khẩn trương và dữ tợn nó mới câm tiếng nổ. Làn khói xì lên cũng tự tan biến. Chiếc máy bay chờ tiếng nổ, chờ mãi chả thấy gì, nó rất ngạc nhiên không hiểu vì sao Hoa Kỳ mà lại có nạn “pháo lép”. Thằng phi công cứ băn khoăn quần đảo, vẫn không thấy gì, nó chán nản bay đi.

Hai cô gái TNXP dũng cảm (Đẹp và Thu Nguyệt) dập được trái pháo màu, bảo vệ được căn cứ của ta, tránh được trận bom pháo, nhưng hai cô bị đau mắt, nhất là cô Đẹp phải đưa vào trạm xá điều trị cả tuần lễ. Pháo màu có khói cay xì màu vàng và sức nóng hơn ngàn độ khi nó nổ, thế mà mấy cô dập tắt nó trong bùn non trước cửa hầm chữ A của mình - sự kiện này làm cả đơn vị thán phục và tự hào về đồng đội của mình. Hai cô nổi tiếng giữa rừng!

Chú Chín Tần:

- Em  nghĩ sao mà em chụp pháo màu dìm xuống sình?

Đẹp:

- Vì nó ngay miệng hầm quá! Không dập thì nó sẽ nổ tung màu vàng thành một cụm, vươn cao khỏi ngọn rừng, máy bay oanh kích của địch sẽ đến…

Chín Tần:

- Em lại kịp thời cởi khăn áo?

Thu Nguyệt:

- Tụi em cởi khăn áo vì nóng quá, chụp tay vào phỏng nên phải có khăn áo chụp vào. Tụi em làm nhanh cho nó không kịp nổ, quyết nhận nó sâu xuống dưới sình non.

Năm Thủy:

- Con gái cởi áo rất khó khăn. Ý nghĩ nào mà em cởi nhanh vậy?

Đẹp:

- Thú thật với chị là em và Nguyệt không kịp suy tính bàn bạc gì cả. Thấy pháo màu phóng sát bên là chụp lại dìm xuống sình ngay, tự nhiên hợp sức vậy thôi!

Hải Tặc, Thống Con, Hớn Ròm… bơi xuồng vào trạm xá thăm hai chị, nghe chuyện người lớn, “nhóc con” cũng cao hứng tham gia. Thống con:

- Theo em, cái ý nghĩ khiến hai chị cởi áo liền tại chỗ là do tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng tấn công địch…

Hớn ròm:

- Hổng phải vậy đâu đồng chí Thống, hai chị phải lấy khăn, lấy áo để chụp cho kín trái pháo màu đã xì khói, chớ bàn tay nhỏ làm sao cầm nó được…

Hải tặc:

- Hai thằng bây im đi, nghe anh Hải bây nói nè. Hai chú đều nói có chỗ trúng hết, nhưng nói chung là chị Đẹp và chị Nguyệt rất gan và rất nhanh trí, nhanh tay… kêu bằng gì nè, ừ, kêu bằng quả cảm… cho nên á, mấy anh đẹp trai như anh Thuần, anh Định, anh Quang và cả anh Cương “chớp mắt”, chú Tho khịt mũi… đều ráp nhau khen ngợi hai chị…

Thống con cướp lời Hải Tặc:

- Em nói nè, mấy anh đó đó nghen, lén viết thư tình hay làm ca dao bích báo gì về hai chị đó…

Hớn ròm:

- Thôi, Thống con ơi, mầy học chữ chưa rành bày đặt nói. Tôi cho đồng chí hay, mấy ảnh làm thơ tham gia bích báo bên bác Tư Mau phát động thi đua đó, chớ “lén viết thư  tình” gì, “nhóc con”.

Thống con:

- Tôi nhóc con, còn đồng chí bộ lớn lắm hả? Kiểm điểm đi!

Hải tặc:

- Hai thằng, ủa quên, hai đồng chí trật tự chút coi, để tôi làm việc. Thưa anh Chín và các anh chị, đồng thời thưa hai chị Thu Nguyệt - Đẹp, chị Út Nhì - Chánh ủy Liên đội gởi bồi dưỡng hai chị đường và sữa. Chị Sáu Dân gởi cho hai chị hai cái áo nhỏ có dây, hai áo nilon dầu; chị Bảy Thu gởi cho hai chị hai tấm vải dù hoa…

Khói độc của trái màu làm mắt của các em sưng vù lên, tưởng sẽ đui mù luôn nhưng sau rồi hồi phục bình thường. Lần đó cô Đẹp được bình chọn là “Chiến sĩ thi đua quân đội”.

Qua lần dập pháo, ta rút kinh nghiệm làm hầm không đắp núm cao mà đắp núm hình tam giác gọi là “hầm chuồi” hay hầm “Triều Tiên đỏ”, tạo mái hầm chuồi xuống, ít nguy hiểm cho ta hơn. Mỗi lần chị em nữ đắp hầm, chị Út Nhì cũng xăn quần lội xuống xem mấy em làm việc, chị góp ý kiến và làm tiếp - các cô ca ngợi Út Nhì.

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết