15/03/2022 - 07:26

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi ba

CỐ VẤN MỸ ĐẾN VĨNH TẾ THỊ SÁT

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Cô Sáu Dân treo võng bên đồng đội nhưng lòng cô dào lên bao tâm sự như biển trào, không sao ngủ được. Mới ba bốn ngày trước đây, cô phải xin phép đơn vị về thăm mẹ (theo lời mẹ nhắn nhủ về) nào ngờ cô về để cho mẹ nhân danh người sinh thành gả chồng cho cô. “Có chồng do mẹ chọn cũng có sao, nếu anh ta tốt như bao người đàn ông hào hiệp khác. Đằng này mẹ mình lầm. Cái anh chàng lú mú việc đàn bà trong bếp núc này đã òn ỉ thuyết phục được mẹ mình. Thời gian anh ta công tác cơ sở và trị bệnh ở nhà mình, anh ta thu phục bà mẹ chân quê bằng những lời ngon ngọt và những xảo thuật rẻ tiền. Anh ta bàn với mẹ và chánh quyền địa phương tổ chức đám cưới rình rang và bảo mẹ phải gọi mình về”- cô Sáu buồn bã nghĩ và nhớ không sai một chi tiết cái ngày cưới khắc nghiệt của cuộc đời cô khi từ đơn vị về tới nhà. Lúc đó trong nhà nhộn nhịp đông vui. Cô Sáu hỏi:

- Nhà mình làm gì vui vậy má?

- Đám gả mày chứ gì? Còn ở đó hỏi, vô buồng lo thay quần áo đi!

- Trời ơi, má làm gì kỳ vậy, tôi không đồng ý đâu. Tôi còn đi công tác. Tôi có hứa hôn với người khác rồi.

- Tao đẻ mày hay mày đẻ tao.

- Má tự tiện vậy con bỏ đi ngay!

- Thì mày cứ đi đi rồi đừng về đây nữa… đồ bất hiếu! Mày cứ đi cho thỏa, tao treo cổ cho đỡ nhục.

Nói rồi bà má khóc, đốt nhang lên bàn thờ cha, má nghẹn ngào kể lể, giọng má thảm thê. Cả hai họ xôn xao. Nhiều người đến khuyên giải cô Sáu. Có người nói “Thôi cưới gả cho qua lễ rồi cháu đi là xong, giờ cãi mẹ cháu đòi tự vận!”.

Thế là đám cưới đầu tiên trong đời diễn ra cũng nhất bái, nhị bái, tam bái, cũng lên đèn cầy, bốc trầu cau, trao nhẫn, đeo bông gì gì đó đủ lễ. Cô Sáu buồn vô hạn. Mọi thứ đến 12 giờ đêm mới tới giờ “động phòng”. Anh chàng chắc là đoạt được cô vợ xinh đẹp nhất xứ, lui cui vào buồng riêng mà ở nhà anh ta chăm chút nào gối, nào mền, nước hoa hảo hạng và khăn trải giường đắt tiền. Anh ta nằm ình xuống và tiện tay kéo cô Sáu nằm theo, hy vọng một cuộc “mây mưa”.

- Em nằm xuống bên anh đi!

- Để làm gì? - Cô Sáu lạnh lùng hỏi.

- Để anh làm chồng em.

Cô Sáu cười mỉa:

- Không à! Anh lầm! Anh là ai? Mà tôi là ai? Anh còn chưa rõ nữa mà đòi làm chồng tôi?

- Cô Sáu, cô giỡn hay thiệt? Đám cưới tốn kém bạc triệu, có heo bò gà vịt, có đăng ký bát nhật.

- Anh tốn cái gì thây kệ anh!

- Trời đất! Để tôi kêu má?

- Anh lợi dụng lòng tốt của một bà mẹ cỡ này chưa đủ sao? Anh dùng uy tín má để đoạt tôi à? Tôi đâu cho anh dễ dàng vậy được. Tôi là cán bộ...

- Cô Sáu, tôi thương cô quá đỗi, chớ chắc gì cô còn con gái mà làm eo làm sách với tôi.

- Anh càng nói càng tỏ ra ngu đần thấp kém. Tôi không có nói chuyện với anh! Anh đi ra ngay!

- Vậy còn bông tai và nhẫn của tôi đâu.

- Tôi gởi cho má tôi hết rồi, bà sẽ trả lại cho anh đủ. Mẹ tôi đã “hiểu” anh là ai rồi. Xéo ra khỏi buồng của tôi.

*  *  *

Gà gáy sáng chập hai, chập ba. Nó đập cánh và gáy hết sức mình để gọi mặt trời lên. Trước sáu giờ, tất cả chiến sĩ đã cuốn võng gọn gàng tư thế chiến đấu. Cô Sáu qua đêm u buồn nhưng sáng dậy, ra mũi xuồng khoát nước sạch rửa mặt xong, vào ngồi thu lu một góc viết thư. Người yêu của cô hiện lên cùng đoàn quân chiến đấu. Anh là cán bộ tiểu đoàn, theo lệnh Khu ủy về tuyến 1C, chia đơn vị ra từng B, C hoặc từng A để bảo vệ tuyến đường. Hiện giờ anh treo võng nơi đâu. Trong một lớp học chính trị tư tưởng về phương pháp suy luận, cô và anh quen nhau. Trong rừng tràm U Minh Thượng, dưới bóng tràm rợp mát nên thơ, họ đã có những buổi trò chuyện cùng nhau. Cô Sáu nhớ cuộc nói chuyện với anh Ba Thẳng:

- Em có định xây dựng gia đình không?

- Không, em muốn ở vậy công tác tốt hơn!

- Nhưng sau ngày chiến thắng.

- Chừng đó sẽ tính tiếp!

- Có khi tính trước ngày ấy được không?

- Em không biết! Còn anh?

- Cũng như em vậy! Anh em đồng đội hy sinh liên tiếp, sáu thằng bạn sau Đồng Khởi tới giờ còn có mỗi mình anh nên mỗi chiều anh phải đốt 5 cây nhang thề trả thù cho đất nước cũng như cho chúng.

Dần dà cô và anh  gắn bó với nhau. Và qua 3 tháng học tập lý luận chính trị ấy, họ yêu nhau, hứa đến bao giờ dẹp yên giặc họ sẽ xây dựng gia đình cùng nhau. Nào ngờ sự cố xảy ra như vậy. Biết nói sao với người yêu bây giờ? Cô cầm cây viết bic, đường mực xanh lướt nhẹ nhàng lên trang giấy học trò

“Gộc Xây 18-10-1967.

Anh thân yêu của em, hôm về thăm nhà, nào ngờ mẹ đã bố trí đám gả và cưỡng bức gả em cho một anh chàng không ra làm sao hết. Em không cho anh ta đụng tới người em và dạy cho anh ta một bài học, rồi ra về với đơn vị. Dù sao thì em cũng rất buồn bởi mang tiếng có một đời chồng và mang tiếng bất hiếu với mẹ, lại mang mặc cảm phụ tình anh. Trước tình thế khó xử như vậy, em nguyện ở vậy suốt đời với đơn vị thanh niên xung phong đi chiến đấu để góp phần giải phóng đất nước. Em đã cạn nước mắt. Em hy vọng lá thư này lúc nào đó sẽ tới anh để mong anh thông cảm và thứ lỗi cho em. Em mong anh mạnh khỏe, nhiều an vui may mắn và hãy quên em đi để sau chiến thắng lập gia đình mới.

Em, Sáu Dân”

Viết xong lá thư, cô đọc lướt qua, lòng như dao cắt. Biết bao giờ lá thư này sẽ tới tay anh ấy, coi như mình viết thư cho mình thế thôi. Một tháng sau, khi cô đi công tác về với cậu vệ sĩ tên Thủy, dọc đường theo đường lộ, giặc gài một chùm lựu đạn mà chị em không hay, vướng dây lựu đạn nổ. Anh em đơn vị nghe tin tìm đến lấy thây chôn. Lá thư trong túi có người đọc và tìm cách gửi về cho người yêu của cô. Tình sử này là một nốt nhạc buồn. Mãi đến 30 năm sau giải phóng hài cốt của cô và chú Thủy mới được quy tập về nghĩa trang Hồng Dân quê cô.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết