09/03/2022 - 12:26

1C- con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi hai

VẬN CHUYỂN CHUYẾN ÐẦU TIÊN

(Tiếp theo)

Chú Bảy Thạng mặc áo ấm, cổ quấn khăn len, sức khỏe yếu hơn mấy năm trước nhiều. Nhưng giọng nói và cung cách làm việc rất điềm tĩnh.

- Thưa anh Hai, thưa các đồng chí, thực hiện Chỉ thị 81/TWC, Thường vụ Khu ủy Khu IX ra Nghị quyết 53/66 TVBA giao cho Khu đoàn Tây Nam Bộ tổ chức lực lượng thanh niên xung phong. Sau khi đưa cho “R” hơn một vạn nam nữ thanh niên, Khu Ðoàn Thanh niên Cộng sản Tây Nam Bộ huy động gần một ngàn nam nữ thanh niên thành lập liên đội thanh niên xung phong cho tuyến 1C theo chỉ thị của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy miền trong đợt đầu đã kịp thời đưa về Tổng đội Thanh niên xung phong của C112 (Trung ương Cục) 3 đại đội - Nguyễn Việt Khái I, Tây Ðô quyết thắng và Hòn Ðất III. Số còn lại gồm Nguyễn Việt Khái II, III, Tây Ðô, Hòn Ðất I, II, Mai Thanh Thế và Trà Vinh - Vĩnh Long. Tất cả 6 đại đội, quân số 800 người, nhưng ngoài 500 thanh niên xung phong đang phục vụ tuyến 1C -  mà hôm kia, anh Hai nhìn thấy họ chống xuồng qua biên giới nhận hàng từ bờ Bắc, thì ta còn một bộ phận thanh niên xung phong (Liên đội II) gồm đại đội Trà Vinh - Vĩnh Long kết hợp với đại đội Tây Ðô - Cần Thơ phục vụ tuyến lộ Vòng Cung từ nay đến xảy ra chiến dịch ở trọng điểm I. Sau bước dừng lại phục vụ ở đây, tất cả sẽ tập trung về Liên đội I để đủ sức vận chuyển hết số lượng hàng quân sự dành cho tuyến 1C. Do vậy, vấn đề căn cứ, vấn đề hành lang và hậu cần trở nên quan trọng. Ðề nghị đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mau) báo cáo với anh Hai và các đồng chí.

Chú Phan Văn Nhờ - Ðoàn trưởng 195, người có quá trình công tác bảo vệ lãnh tụ, chôn giấu vũ khí từ năm đình chiến theo Hiệp định Genève 1954 - người cùng chú Hai Bông Văn Dĩa khai mở đường vận chuyển vũ khí biển Ðông, nay về phụ trách tuyến 1C này cùng đồng đội cũ với biết bao kinh nghiệm. Ðược đồng chí Phó Bí thư Khu ủy gợi ý, chú Tư nói:

- Thưa anh Hai, anh Bảy, anh Ba và các anh, con đường 1C mà Nghị quyết 81 và Quyết định 53/66 TVBA sinh ra, với 2 đơn vị liên tịch là Cục Hậu cần Quân khu IX và Khu Ðoàn Thanh niên cộng sản Tây Nam Bộ, thể hiện cụ thể qua Ðoàn 195 và Liên đội I, II thanh niên xung phong, hiện có mặt dưới cờ 800 quân, chia 2 địa bàn. Ðịa bàn 1C bao gồm khu lòng chảo Gộc Xây nằm bờ Nam kinh Vĩnh Tế đến bờ kinh Cái Sắn là 80km - coi như chiều dài. Chiều bình phương từ Vàm Rầy đến chân núi Tri Tôn, ghịt qua Ðá Dựng - Hà Tiên là 50km. Như vậy là ta tiếp nhận một mặt bằng không đều cạnh và có đồng trũng, mương bàu lồi lõm,… Giặc và ta xen kẽ chiếm lĩnh và đổ máu nhau để giành và giữ lâu nay. Sắp tới càng ác liệt hơn! Mặt bằng không thuần chất này nhìn chung không còn cư dân - giặc oanh kích ác liệt, càn quét cũng ác liệt đã đuổi tất cả cư dân ra vùng ấp Tân Sinh, ấp Chiến Lược, nơi giặc lấy cư dân làm lá chắn, chống ta pháo kích bằng hỏa tiễn và pháo ÐKZ. Như vậy là ta còn non 4.000 héc-ta rừng chầm tẩu, cây thưa thấp, tràm tơ nối rừng chồi cây tạp. Ta còn một phần kho bi phía bắc kinh Vĩnh Tế giáp tới cảng Sihanouk Ville với hành lang kho bi Stúc Mía - Bang Hang - Kirivong, gồm chung 16.000 héc-ta di rộng. Một Trung đoàn chúng ta không sao bố trí đủ nên phải vũ trang và huấn luyện (quân sự hóa) cho Liên đội I Thanh niên xung phong thành một trung đoàn hậu bị, khả năng này là hiện thực - các cháu gái và các cháu thiếu niên tỏ ra can đảm lạ thường! Hơn nữa phải đánh giặc để giữ kho bi, giữ hàng vận chuyển và mở đường, bảo vệ cứ cho chính mình…

Một loạt pháo tay nổ lên rôm rốp, hoan hô thanh niên xung phong tuyến 1C anh hùng, đem lại niềm tin cho cả Ðảng bộ miền Nam và Khu Tây Nam Bộ.

Chú Hai Văn:

- Hay quá, ngoan cường quá! Ðến phần địa hình, kho bi và bố trí trạm, hệ thống trạm, đề nghị đồng chí Phó Ðoàn 195 Nguyễn Hùng Khánh trình bày.

Chú Tư Khánh:

- Thưa các anh, các đồng chí, trước khi nói về hệ thống kho bi, tôi xin nói về con đường xuyên sợi chỉ đỏ của tuyến 1C. Bên phía bạn, tức từ cụm núi Chạp Ðay - bệ tỳ của ta vào sâu đến Bang Hang, Kirivong, Stúc Mía - Bắc Ðay ra cảng Sihanouk Ville. Bên phía này, đã bắt đầu có vấn đề gay gắt. Phải có đối sách riêng. Giờ, tôi xin trình bày phía bờ Nam kinh Vĩnh Tế. Xem hết địa bàn chỉ có con đường Rạch Dứa ra kinh Vĩnh Tế - nối qua Ðầm Trích - Tà Êm  rồi về vườn chuối An Ninh là kẽ hở của địch. Ta cho quân ta đưa hàng qua đây. Còn ở điểm đầu Cầu Sắt - Tri Tôn, Ðá Dựng… đều là điểm phụ. Song ta “giương đông kích tây” thu hút sự chú ý của địch về 3 điểm phụ để ta chuyển hàng qua điểm chính. Ðó là “Con đường số 6”. Ta sử dụng liên tục từ ngọn Rạch Dứa ra kinh Vĩnh Tế độ 10.000 thước. Ta đưa lực lượng đào vào đêm - nhất là vào đêm có mưa, đào suốt sáng để vét cho sâu lòng rạch này bên đất bạn Campuchia (ngọn Rạch Dứa qua giữa Ðầm Trích - Tà Êm xuyên qua kinh Vĩnh Tế). Rồi một đoạn khác, ta phải đồng thời vét Kinh Bèo (dài 6.000m) đất liền trong lung tràm, vét ngang qua kinh Thầy Bang và kinh Tám Ngàn, để theo kinh Chiến Thắng ta về lung Bọc Thưa thuận đường về Tân Hội, Tràm Dưỡng, qua lộ Cái Sắn giao hàng. Ta đào vét với độ sâu hơn 1m, để đẩy xuồng được cả lúc nước sền sệt mùa hạn. Bởi chở xuồng, sức chuyển tải gấp 5-7 lần khiêng vác bộ. Ðoạn đường từ Ðầm Trích - Tà Êm vừa qua kinh Vĩnh Tế, kinh Cây Trâm, ta chuyển đến vườn chuối An Ninh, đến Ngã ba Ðầu Trâu, Kho 80 của ta ở đó tạm... Thưa các đồng chí, Ðoàn 195 Cục Hậu cần Quân khu IX và Liên đội I thanh niên xung phong ở tuyến 1C tự nguyện bám chặt địa hình, lấy địa hình khắc nghiệt nơi đây làm quê hương, làm công sự, làm bệ tỳ, làm chiếc nôi xanh của những chiến công và sự nghiệp giải phóng đất nước. Ðào kinh, xuyên rừng, cải tạo hang núi làm nhà trại, bệnh xá, hội trường, kho chứa hàng… là do những tay thần chúng ta tác động vào để “thích nghi hóa” chiến trường mà ta là phía bất lợi. Xin Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy miền và Thường vụ Khu ủy T3 tin cậy nơi chúng tôi.

Một loạt pháo tay hoan hô.

 (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết