07/03/2022 - 19:21

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương hai mươi hai

VẬN CHUYỂN CHUYẾN ĐẦU TIÊN

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Vùng Nam Thái Sơn bao gồm rừng thưa sậy gộp, tràm, và một ít loài cây tạp khác, tạo nét hoang vu làm căn cứ cho Binh công xưởng Tây Nam Bộ thời chín năm kháng Pháp. Xưởng 18, xưởng XX tọa lạc nơi đây, cho đến ngày nhân dân Kiên Lương - Hà Tiên tiễn các anh, các chú đi tập kết.

Vùng đất kiên cường này lại có duyên hải với quần thể núi nhỏ thấp với hòn trong đất liền, bao gồm 3 hòn (Hòn Sóc, Hòn Me và Hòn Đất) núi Sơn Trà, Mo So, núi Bình An, núi Quỷnh, núi Nhỏ, hang Cá Sấu, Hòn Chông (núi Kích Sơn). Ta và địch thời đánh Mỹ quần thảo sống chết nhau thành chiến trường dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử vệ quốc thế kỷ trước.

Vào năm 1960, tại điện Mặt Trăng ở Hòn Đất, Thị xã ủy Rạch Giá lập căn cứ lãnh đạo nơi đây. Có một con rắn lớn dài hơn 20 thước đi kiếm ăn vào những đêm khuya, cho thấy những hang động miền Ba Hòn trở nên thâm u huyền bí. Từ những năm đầu thập kỷ 60, Hòn Đất là quần thể chiến khu tuyến biển thu hút địch quân đông đảo đến con số hàng mấy ngàn tên, gồm 2 sư đoàn (Sư 21 và Sư đoàn 9) với nhiều binh chủng phối thuộc khác của địch.

Thế nhưng năm 1967, chấp hành chủ trương thành lập thanh niên xung phong, Nam Thái Sơn là điểm tập trung quân đầu tiên của Liên đội I. Đại đội Thanh niên xung phong Kiên Giang mang tên Hòn Đất thành lập ở đây. Đồng chí Năm Đoàn - Liên đội Trưởng, trên đường dẫn 2 đại đội Nguyễn Việt Khái II, III qua ngang, gặp đơn vị Hòn Đất, ghép vào nhau cùng đi về điểm Gộc Xây, quân số mới tăng lên 500.

Cho nên, thế vận dụng địa hình chiến lược Đoàn 195 và Liên đội I Thanh niên xung phong tuyến 1C, bố trí binh trạm theo trục địa hình, lúc nào cũng quan tâm 3 mặt để tránh bị bao vây ngăn cách. Nội dung đó thể hiện trong cuộc Hội nghị liên tịch sau đây.

Các chú Hai Văn, Bảy Thạng, Ba Mai, Hai Chánh, Tư Khánh, Tư Mau, Sáu Đặc, Bảy Lúa... hội thảo về địa hình Nam Thái Sơn và việc xây dựng căn cứ, trạm xá, kho bi.

Từ ngoài đường lớn, lộ đá, ta cho anh chị em du kích và Đoàn 195 bố trí nhiều trạm canh. Có nơi cao, bỏ ống dòm quan sát từ xa… Từ phía biển cũng được bố trí nhiều trạm canh. Đội bảo vệ hội nghị sẵn sàng chiến đấu. Trong phòng họp, có che tăng, có treo võng, có trà nước và trái cây: xoài, thốt nốt...

Hội nghị bắt đầu. Phía trên vách, một tấm bản đồ vùng hoạt động của tuyến 1C trên đó thể hiện rõ nét những đặc điểm vùng đất. Nơi nào là kho bi, nơi nào là địch trú đóng, những con đường mà ta sẽ đi qua vv… Chú Bảy Lúa - Trương Tấn Lộc phát biểu:

- Thưa các đồng chí, hội nghị hôm nay rất quan trọng, nội dung bàn về hành lang, kho bi của tuyến đường 1C, con đường quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược ở vùng Tây Nam Bộ. Hôm nay có đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) Phó Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Trần Văn Bỉnh (Bảy Thạng) Phó Bí thư Khu ủy T3 Tây Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Hoài Pho (Ba Mai), Phó Tư lệnh Quân khu IX, cùng các đồng chí trong Ban Chỉ huy Đoàn 195, Cục Hậu cần Quân khu IX: Hai Chánh, Sáu Đặc, Tư Khánh, Tư Mau và tôi. Chương trình làm việc một buổi, nghe anh Hai Văn trình bày tình hình chung và báo cáo cho anh Hai, anh Bảy, anh Ba nghe tình hình tuyến đường 1C của ta. Tiếp theo đây mời anh Hai nói chuyện.

Chú Phan Văn Đáng non năm mươi tuổi, dáng gầy, nhanh nhẹn, trẻ khỏe so với tuổi, bên mình ngoài cây súng nhỏ, còn có chiếc máy ảnh. Mới mấy hôm trước, khi cưỡi trâu qua biên giới Vĩnh Tế, chú cùng một chiến sĩ thanh niên xung phong - Thống con, đem con trâu cái Én cho chú cưỡi, đóng vai ông ngoại cháu bé bị mất trâu, cưỡi trâu lội lang thang đi tìm, chiếc máy ảnh xinh xinh cuốn trong tấm áo rách bươm của thằng cháu ngoại khôn ngoan. Đến lúc vào sâu trong Đầm Trích - Giang Thành, chú thư thả lấy máy ra chụp mấy “pô” liền cảnh trời mây cỏ nội biên thùy Việt Nam Tổ quốc. Đến lúc cả trăm xuồng thanh niên xung phong chống sào nạng đi ngược đường qua biên giới để nhận hàng, chú lại chụp liền tiếp mấy “pô”. Con em của mình đây, mới bấy nhiêu tuổi đầu đã xung phong ra trận, con gái con trai mới lớn chưa từng xa nhà. Vậy mà vâng lời Bác gọi gia nhập đoàn quân thanh niên xung phong cứu nước. Chờ về văn phòng Khu ủy, nhờ rửa ảnh xem sao, không đạt tranh thủ chụp lại.

Thoáng qua vài giây  ý nghĩ trên, chú Hai Văn trở về với hội nghị, giọng mạnh mẽ, tươi vui, chú đưa những suy nghĩ của mình tới mọi người để truyền đạt sức mạnh nghị quyết Trung ương Cục.

- Thưa các đồng chí, Lê-Nin có nói rằng “Cho tôi một tổ chức mạnh, tôi sẽ nhấc bổng cả trái đất!” đó là một cách hình tượng hóa tư tưởng của mình. Mới đây, ngày 19-5 Bộ Chính trị quyết định nhân sự về bộ máy lãnh đạo ở miền Nam, Chánh ủy, Quân ủy miền và đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Quân ủy. Phó Bí thư: anh Trà, anh Độ. Các ủy viên: anh Tấn, anh Cống, anh Xuyến, chị Định, anh Lê Đức Anh và anh Thi (hậu cần), anh Phạm Thái Bường làm Phó Chánh ủy tham gia Quân ủy miền. Tiếp theo, Bộ Chỉ huy miền thành lập Đoàn Hậu cần 70 thuộc Cục Hậu cần miền do đồng chí Cao Hoài Xại (tức Cao Phong) làm Đoàn trưởng, đồng chí Sáu Sâm làm Chánh ủy. Đoàn này có nhiệm vụ đón nhận hàng chi viện của Trung ương từ Nam Tây Nguyên và từ Campuchia chuyển về chiến trường B2. Đoàn 70 có 4 cánh: H7, H8, H9, H10, trong đó có một mối quan hệ đến Cục Hậu cần Quân khu IX ta đây. Đó là thể hiện sức mạnh kiện toàn tổ chức và thu xếp hậu cần để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị. Đó là nghị quyết tháng 10-1966 của Bộ Chính trị “động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ trong mọi tình huống, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 18-10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị số 81 phát động quần chúng thừa thắng xông lên đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn nhất. Và quan trọng nhất Thường vụ Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy miền ra chỉ thị hướng dẫn tiến hành công kích và khởi nghĩa ở các thành phố và thị xã miền Nam. Đó là việc ta bàn sâu - cũng là lý do tôi được Trung ương Cục phân bố đến đây làm việc với các đồng chí. Trước khi về họp Khu ủy và Quân khu ủy, theo yêu cầu của các đồng chí, tôi dự hội nghị này để nói mấy lời trên và nghe các đồng chí báo tình hình…

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết