♦ Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương hai mươi mốt
ÔNG HAI VĂN - PHÓ BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG CỤC CỠI TRÂU VƯỢT BIÊN GIỚI VĨNH TẾ
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
Cánh đồng Rạch Dứa mênh mông lúa sạ. Bóng núi chập chùng gần xa. Bờ kinh Vĩnh Tế giăng giăng một dãy cây xanh. Mấy cái tháp canh của đồn Vĩnh Gia, Vĩnh Tế, Vĩnh Ðiều với cờ 3 sọc lất phất.
Ông Hai lên lưng trâu dễ dàng. Trước khi lên lưng trâu, ông Hai lại làm quen con cái Én: “Dò, dò con, dò… cái Én đây hả hôn, ờ ngoan ngoan cái Én ngoan” - ông Hai vừa nói vừa vuốt đầu con trâu cái Én hiền hậu mắt nó chớp lơ mơ, mồm nhai cỏ chậm rãi. Khi ông Hai lên lưng trâu, Thống đưa chiếc bao bố tời cho ông Hai lót ngồi. Xong, ông cháu đi ra phía bờ sông Vĩnh Tế.
Ðến khi tiến sát đồn biên phòng của địch, tên lính gác ngồi ca vọng cổ xuống “muồi”: “Anh cách xa em tận chốn biên thùy…”. Thèm thuốc hút, tên lính ca rồi ngáp, nên thấy ông cháu Thống con ngồi lưng trâu, nó kêu vào, đòi giấy căn cước:
- Giấy căn cước đâu, ông già?
Thống con:
- Ông ngoại tôi mất trâu đi kiếm trâu quanh đây, giấy tờ gì sếp?
Tên lính dụi mắt, cự nự:
- Im đi mầy, nhóc! Ði ra khỏi nhà phải có giấy căn cước tùy thân. Cho mầy hay nghen, Việt cộng còn có giấy căn cước, huống hồ gì ông cháu mày là chủ trâu!
- Cậu Hai cảm phiền đi, ông tôi sợ để lâu ăn trộm nó làm thịt con trâu đực pháo của ông tôi, nên có đem giấy tờ theo chi ướt át, ở sát đồn bên đây.
- Tao hỏi ông già sao mày cứ trả lời hoài vậy?
- Dạ, ông ngoại tui bị điếc, ông nói nhỏ ổng không nghe, nên tui nói thay vậy mà.
- Vậy hả, hèn chi ổng im ru.
Ông Hai:
- Chuyện gì vậy cháu? Sao mầy nói lâu vậy, bộ chú này quen hả. Thôi đi kiếm trâu đi, không thì người ta bắt mất con trâu là mầy ăn đòn.
Tên lính tức cười, nó nói to hơn cho “ông ngoại” nghe:
- Cho tôi điếu thuốc đi ông già!
- Không, không, tôi đi kiếm con trâu.
Tên lính lại cười to. Thống liền kê sát tai ông nói lớn:
- Ngoại còn thuốc hút không, cho chú lính một điếu.
- Ờ thuốc hút hả? Ðây, có thuốc gò đây, cậu hút đỡ đi.
Tên lính:
- Thuốc gò à, ngon ha. Cám ơn! Thôi đưa ông già đi kiếm trâu lẹ lên mầy, không thôi chúng bắt là mầy nhừ đòn nghe con!
Vậy là hai ông cháu thoát nạn, cỡi trâu lội qua vàm rạch Dứa, qua bờ Ðầm Trích, sông Giang Thành rồi về vuông An Ninh… bình an. Có điều ông Hai Văn bệnh trĩ, nên lên lưng trâu mà phải ngồi chồm hổm. Còn thằng Thống thì tức cười muốn chết, vì nó nói dối là ông nó bị điếc mà thằng lính lại tin. Trên đường nó hứng chí hát líu lo bài: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”.
3. Ông Hai Văn (Phan Văn Ðáng) - Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, chấp hành sự phân công của Trung ương Cục và Ban Chỉ huy miền, xuống T3 (Tây Nam Bộ) chỉ đạo tổng công kích và tổng khởi nghĩa các đô thị miền Tây. Chưa bao giờ ông được cỡi trâu qua biên giới và vượt ải quan biên phòng như lần nầy.
Ông Phó Bí thư Trung ương Cục mang ý chí tiến công và trí tuệ lãnh đạo của Ðảng bộ miền Nam - cỡi trâu về quê hương cùng đồng chí đồng bào thân yêu đánh Mỹ cứu nước. Trong khi những tướng lĩnh của giặc ở Sài Gòn và ở Vùng 4 chiến thuật đi công vụ và hành quân bằng các loại phương tiện tối tân của Mỹ. Thế mà chẳng bao lâu kẻ thù của người cỡi trâu lại thua cuộc.
Ông Phan Văn Ðáng ngồi trên lưng trâu, qua Ðầm Trích (phía Nam bờ Vĩnh Tế) một đỗi, vào Giang Thành, gần ngọn kinh Tám Ngàn, chính mắt ông nhìn thấy một cảnh trí hùng dũng: trong ánh hoàng hôn, gần 100 chiếc xuồng con, do các bạn nam nữ thanh niên xung phong cỡ tuổi Nguyễn Việt Hồng (cháu gái kêu ông bằng cậu ruột, đã hy sinh khi sử dụng mìn hẹn giờ tại thành phố Cần Thơ, nữ Anh hùng). Mỗi cháu một cây sào nạng ngọn dài, nhịp nhàng chống xuồng mõ lao nhanh trên mặt ruộng mênh mông. Chú Hai Văn thấy đàn cháu sao mà đáng yêu, đáng quý. Chú nghĩ, các cháu thân yêu, các cháu học sử dụng xuồng mõ bao giờ mà quơ sào chống xuồng thành thạo thế? Mới tới tuổi thiếu niên mà các cháu đã rời nhà ra chiến trường 1C khắc nghiệt nầy để vận chuyển vũ khí cho chiến trường T3. Không có các cháu làm sao kế hoạch trọng điểm 1 - Tây Ðô, trọng điểm 2 - Vĩnh Long thực hiện được. 100 chiếc xuồng ào ào lướt tới, các cháu nón tai bèo, áo bà ba ni lông dầu, khăn rằn quấn cổ, chia nhau cự ly dọc dài tiến vào biên giới - nơi “chú Hai”, “ông Hai”, “anh Hai” vừa mới cỡi trâu đi qua.
Ðến khúc quanh, đàn trâu (mấy con mới mua) hợp điểm lại. Con cái Én tỏ vẻ vui mừng gặp lại đực Pháo và “bà con” trong bầy đàn của nó. Ốc Tiêu cũng cỡi trâu ra đón ông Hai, cả thằng Hải Tặc, để hỗ trợ cho ông Hai về vuông An Ninh theo lệnh Ban Chỉ huy Ðoàn 195 anh hùng. Hầm tránh pháo, đội bảo vệ và ghe hai đáy với BS9 chuẩn bị sẵn sàng để đưa ông Hai (Phan Văn Ðáng) về văn phòng Khu ủy T3. Khúc quẹo làm cho trâu và thuyền xuôi ngược gặp nhau. Ông Hai nhìn kỹ, thấy các cháu chống sào nạng chưa rành rẽ lắm, song rất nhiệt tình. Thỉnh thoảng có một cháu bị xuồng lắc hay vấp sào sao đó, té “ùm” xuống nước. Nhiều cháu khác reo cười, chưa chi mình lại té theo. Các cháu còn chọc ghẹo mấy chú Thống con, Hải tặc cỡi trâu đưa khách nữa.
Ốc Tiêu:
- Cha, Thống con “lên ngôi” ha? Cỡi trâu sướng dữ ha?
Có cháu không dám giỡn với Thống vì có ông Hai, nhưng lấy sào chọt Hải tặc. Hải tặc cự:
- Ðừng có vô lễ nghe hôn. Ông Hai là lãnh tụ đó! Tôi đi hộ tống cho đồng chí Thống đó.
Hải nói nghiêm chỉnh, mặt tỉnh bơ. Ðưa ông Hai về đến vuông An Ninh, thằng Thống như lớn lên mấy tuổi. Ðưa nhà lãnh đạo cao cấp về đến căn cứ, thằng Thống nầy được quyền tự hào chớ! Ông Hai cho Thống và Hải cái huy hiệu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai đứa nhận vật kỷ niệm chuyến đi lịch sử của ông cháu.
*
* *
Mặt trời lặn xuống rặng tràm con. Ðoàn xuồng mõ, sào nạng đang tiến khít bờ Vĩnh Tế. Chờ trinh sát bám vào 2 bờ, làm ám hiệu “tròn 5” hay “tròn 7” là qua kinh. Ðến điểm hợp đồng đổi xuồng và nhận hàng chở luôn về.
(Còn tiếp)