01/03/2022 - 08:43

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương mười chín
MỸ: DẬP TẮT CON ĐƯỜNG  1C

(Tiếp theo)

Cơm nước xong, mấy ông cháu trải chiếu ra sân, đem bánh in và bình trà trái dừa ra vừa uống trà vừa đàm đạo. Kim Lài hỏi:

- Sao bà cô Nhị Hà con mất?

Chú Hai Chà:

- Ông không biết rõ, nhưng người chở bà cô vào K50 chỗ Quân y viện do chú Tám Thiện và chú Võ Tá Thông phụ trách, là nhạc sĩ Thanh Trần và ông chú đây. Dọc đường máu chảy nhiều mà không rên. Vết đạn tự bắn bằng súng nhỏ K54 vào ngay chót tim, nên máu ứ trong lồng ngực, không băng bó được.

Ốc Tiêu:

- Rồi sao không cứu được bà Nhị Hà, ông Hai?

- Mình chở đi hơi chậm. Máu ra nhiều. Vì chị ấy tự sát nên ta khó cứu. Phải thuyết phục lâu lắm bà mới cho chở đi. Chở tới nơi bà chị nói chuyện tỉnh queo với bác sĩ Thông: “Tôi làm phiền các anh quá!”. “Không có chi! Chị để chúng tôi làm nhiệm vụ”. Ðó, rồi vào phòng mổ. Viên đạn xớt qua chót tim nên không vá được. Mạch li ti nơi đó cứ rỉ máu và nạn nhân sẽ tử vong. Hội đồng y khoa họp cấp tốc, quyết định đóng thành ngực lại, thu xếp với cơ quan văn nghệ Khu Tây Nam Bộ, an táng cho người quá cố. Ông chú lại chở bà cô về đây. Cơ quan không dám làm lễ truy điệu, nhưng bạn bè và học trò ngành ca vũ của bà cô có mặt đủ, nên đám tang ấm cúng lắm.

Kim Lài:

- Thưa ông, rồi hòm rương đâu chôn?

- Anh chị em văn công và Tiểu ban Văn nghệ Khu do ông Nguyễn Phong Triều làm phó, góp nhau lại, hùn tiền lại nhắc hòm cho bà cô. Hồi đó, bạn trai của cô có ông Tư Thạnh, người của ngành Quân giới khu. Ông này nghe ai báo tin đó, cấp tốc đến thăm lúc bà cô còn sống, trước khi đưa đi bệnh viện K50, bà cô dặn rằng: “Ðừng chôn tôi ở nghĩa trang liệt sĩ, tôi không xứng đáng, chôn tôi ở đất hoang bên kia rạch, trước nhà ông anh Hai Chà, nhớ là không đắp nấm mồ và nói mọi người không được trồng hoa”.

Ốc Tiêu:

- Sao lúc nãy tụi con thấy có một loại hoa?

- Ðó là loại hoa mười giờ mà nhà nữ nghệ sĩ thích nhất. Do nhà thơ Minh Thùy đem trồng, ngoài ý muốn của người chết. Thế mà hoa ấy sống được…

Kim Lài:

- Thưa ông chú, người sang trọng vừa đốt nhang trước mộ bà cô là ai vậy?

- Chắc là Tư Thạnh đó! Ông ta mắc nợ bà cô Nhị Hà. Họ có quan hệ với nhau sao đó, rồi chia tay nhau và mới đây, sau khi chị Nhị Hà mất, ông ta “cưỡm’’một nữ y tá của gánh Ba Lò Rèn, dùng vỏ lãi chạy ra Rạch Giá đầu hàng giặc. Chắc là ông đến đốt nhang cho một mối tình đã chết! Hồi ông ta ghé vỏ lãi, ông chú hay liền, nhưng lơ là đi, để cho kẻ phản bội được đốt cây nhang. Và cứ để cho nó thoát với lương tâm tự trừng phạt suốt đời, nó sẽ tự chết trong ô nhục.

Kim Lài:

- Bà cô Nhị Hà con dựng múa hay lắm hả ông?

- Hay lắm. Bà học múa ở trường nghệ thuật múa ba lê ở Bonsoi, Liên bang Xô Viết. Ðây, tác phẩm của bà dàn dựng có tên là “Ðôi Bờ” dựa theo một bài nhạc Liên Xô cùng tên.

Ông Hai Chà đưa bức ảnh của đoàn ca múa nhạc Tây Nam Bộ trình diễn, biên đạo múa - nghệ sĩ Nhị Hà. Từ bức ảnh, điệu múa “Ðôi Bờ” được tái tạo lại với 10 nghệ sĩ tuyệt đẹp, động tác dịu mềm, tha thiết và đâu đây hồn nhạc như vẳng đưa: “Ðêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới…”.

3. Các cháu cùng ông Hai Chà cứ thức ngồi ngoài sân, ngắm trăng nói chuyện mãi, có ý chờ ông bà Chín về ghé theo lời hẹn. Nhưng vẫn chưa thấy hai ông bà về, mọi người sốt ruột, Ốc Tiêu cất tiếng hỏi:

- Mười hai giờ đêm, sao ông bà Chín chưa về vậy chị Thanh?

- Ông bà Chín nói khuya nay mới về mà!

- Thì giờ là khuya rồi đây nè.

Các cháu lại sợ ông bà Chín bị nạn nên lo âu. Ông Hai Chà biết rõ là ông bà phải chờ gặp Tiểu đoàn U Minh II giao hơn một tấn súng đạn rồi mới quay lại. Làm cho giỏi thì cũng hơn 1 giờ đêm nay mới về tới đây. Ông nói cho đàn cháu yên lòng:

- Không có gì đâu con, độ vài giờ nữa, ông bà Chín mới về tới.

Hải tặc:

- Ông Hai ơi, giờ ông Hai kể chuyện đời xưa cho chúng cháu nghe đi!

- Phải, phải, ông Hai kể cho chúng cháu nghe đi!

Cháu nội gái của ông Hai Chà tên Hạnh Ngọc (tên cha mẹ ghép lại) đi học về từ chiều tối, nhập bọn với đám thanh niên xung phong nầy, nghe mời ông nội kể chuyện, Hạnh Ngọc reo lên:

- Hay hay, nội ơi, nội kể chuyện gánh hát Bầu Liền diễn tuồn “Châu Du hộc máu” đi nội!

Chú Hai Chà hóp miếng trà còn lại trong ca, bắt đầu câu chuyện rất xa:

- Năm ông chín mười tuổi, đi theo ông già xuống miệt Năm Căn làm củi, gặp gánh hát Bầu Liền đến đình Tân Ân hát cúng Kỳ Yên, tức cúng đình. Mấy vị hương chức hội tề làng Tân Ân họp lại tổ chức tựu vị đầy đủ, cúng heo quay, rồi đêm lại là hát. Hát tới 3 đêm mới hết tuồng. Hồi đó đình nào cũng có sân khấu để hát cúng đình. Gánh Bầu Liền giỏi lắm. Ông bà Bầu Liền cũng là kép hát, bà còn là người đánh trống trận độc nhất vô nhị. Ðánh trống chuyên nghiệp, ngoài bà Bầu Liền ra, còn có bà Tám, bà Nhiễu (hai bà là em gái của bà Bầu Liền). Bà Tám đánh trống dồn dã lạ thường, cách đánh oai vệ, đẹp đẽ và âm thanh vun vút bay xa như một đoàn quân khua nhạc ngựa xung trận dữ dội. Nhiều người còn nhắc lại, khi đánh trống trận, lúc trên sàn các tướng soái đang kình chống đấu võ nhau, bà Tám đánh trống đổ mồ hôi nực nội quá, bà liền mở nút áo ngực cho gió mát, bà cứ để hở ngực trắng phau như ức thiên nga vậy mà cầm dùi đánh trống liên hồi kỳ trận.

Hải tặc:

- Thiệt vậy hả ông Hai?

- Thiệt chớ, con. Còn ông nhưn giỏi lắm. Nhưn hồi đó là đạo diễn bây giờ đó. Nhưn của gánh Bầu Liền là ông Năm Súng. Ông nhưn nầy dàn dựng tuồng tích hay lắm. Nhưn Năm Súng chọn tuồng diễn của soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Viễn Châu… soạn từ truyện Tàu nên gọi tuồng Tàu như San Hậu, Châu Du hộc máu, Tiết Nhơn Quý chinh Ðông, Tiết Ðinh San chinh Tây. Ðào kép đẹp lắm. Mão đội có gắn ngọc lưu ly chớp chớp sáng giới quanh đầu. Lông chim trĩ cặm lên mão cao vút lên hai thước. Khi biểu diễn, cô đào Tam Xuân xuất hiện phá án trảm Trịnh Ân; còn Lưu Kim Ðính giải giá Thọ Châu, lấy tay vuốt lông trĩ cong vút rồi buông cho lông trĩ bật lên, tuyệt diệu mấy cháu ơi. Hóa trang đào thương thì đẹp lắm. Còn đào dữ như hóa trang vai bà Chung Vô Diệm, thấy cái mặt rằn ri của bả là con nít khóc thét đến nín thở!

Ốc Tiêu:

- “Châu Du hộc máu” là sao ông Hai?

- Ðó là tên tuồng Tàu. Châu Du (Ngô Công Cẩn) gả em gái cho Lưu Bị, lấy đất Lưu Bị, nhưng bị kế độc của Khổng Minh (Gia Cát Lượng) nên Châu Du thua, tức quá hộc máu, “ụa” một cái, ói máu ra cả diệm vậy chớ chơi đâu, thấy ghê lắm, như hộc máu thiệt vậy đó!

Hải tặc:

- Máu đâu hộc ra vậy ông Hai?

- Máu trong bụng chớ đâu. Mà đâu là máu. Chiều đó, diễn viên đóng vai Châu Du phải uống mấy tô nước cây giang, loại cây có mủ đỏ như máu. Nấu cây giang có nước đỏ này mà uống cho no, để tối ói “máu” ra cho khán giả “tản thần” ! Nghệ thuật lắm.

Bé Tư:

- Ông Hai có thuộc đoạn hát bội nào hôn?

- Hồi đó thuộc dữ lắm. Lâu rồi quên hết. Nhưng ông còn nhớ cái đoạn Tiết Quỳ gặp tướng giặc hỏi “Mi là ai? Hãy xưng tên họ ra ta mới nghênh chiến, vì lưỡi gươm ta không giết kẻ vô danh tiểu tốt!”. Tiết Quỳ ngồi lưng ngựa (ngựa là cái roi lông gà) xưng như vầy: “Này kẻ kia, ngươi hãy chống tai mà nghe cho rõ, kẻo ta xưng danh tánh mi giật mình mà té xuống ngựa đa nghen: Nội tổ của ta là Tiết Nhơn Quý, mười hai năm quá hải chinh Ðông. Bà nội của ta là Phàn Thị Ðại Ðường nguyên soái. Cha ta là Phan Thành Hổ Tiết Cương, còn ta đây là Tiết Quỳ hổ tướng đó mậy!”.

Cả đám nghe ông Hai vừa kể vừa diễn, chúng vỗ tay tán thưởng. :

- Hay quá ông Hai ơi! Hay thật hay đó!

Ông cháu ông Hai Chà đang nhí nhố, thì dưới rạch Ðồng Tranh, xuồng ông Chín cập bến…

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết