27/02/2022 - 19:24

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương mười chín

MỸ: DẬP TẮT CON ĐƯỜNG  1C

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Trong lúc các tướng lĩnh Mỹ Ngụy, mà toàn là thứ “độc”, đang đau đầu bàn nhau về chiến lược đánh phá và tiêu diệt con đường 1C huyết mạch của cộng sản vừa mới hình thành, thì ở một khúc sông, năm đứa nhỏ bơi xuồng con, theo lời ông bà Chín, vào nhà chú Hai Chà, ở mé trái con rạch. Và chúng đã tìm được căn nhà có cây sa kê ở phía trước sân.

Các bạn nhỏ cặp xuồng vào mé, Hải tặc tài khôn lên nhà, chạy tuốt ra sau vườn mới bắt gặp “chú Hai Chà”. Đúng là Hai Chà, vì chú để râu ria bùm xùm, con mắt tươi cười nhìn khách:

- Ơ… cháu là đứa nào vậy?

- Thưa bác, cháu là Hải, cháu của ông Chín Chấc, biệt danh Chín Chuột, chiến sĩ 307 với bác đó.

- Ờ ờ, vậy hả. Rồi ảnh đâu mà cháu…

- Dạ thưa bác, khuya ông cháu mới lại đây rước tụi cháu.

- Ủa, “tụi cháu” là ai? Ở đâu?

- Dạ ở trước sân nhà á. Là Thanh, là Bé Tư, Ốc Tiêu, Kim Lài, thanh niên xung phong tuyến 1C đó.

- Trời đông vậy sao? - Chú Hai cười vì thấy Hải bé xíu mà xưng là thanh niên xung phong - Thôi vô, kêu tụi nó vô, lo nấu cơm nước gì ăn.

Ông Hai Chà, cựu chiến binh 307 - tiểu đoàn “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” số đông đi tập kết, còn số “gạo cội” ở lại đây. Tên tuổi tiểu đoàn, giặc nghe sợ hãi, nên chúng quyết truy tìm những ai dính dáng đến tiểu đoàn là bắt bớ bắn giết. Cũng may, ông Hai Chà ở đây làm ăn mấy năm, bà con che chắn nên địch chẳng mò ra ông. Nhưng ai cũng biết ông có nhiệm vụ gì quan trọng lắm, nên “gánh Út Triều”, “gánh Năm Đoàn”, “gánh Tư Thạnh” về đây đều nhờ ông giúp đỡ. Từ ngày có “gánh Tư Mau” hoạt động thì ông Hai Chà thường đi vắng nhà. Hải Tặc gọi ơi ới xuống bến :

- Hê… lên đi, ông Hai biểu…

Mấy đứa con gái cột xuồng rồi lên bờ. Chú Hai Chà hỏi Hải :

- Ông Chín nói chừng nào ghé đây?

- Dạ khuya!

- Vậy chắc ổng mua khóm rồi trở lại đó!

Mấy cháu đến chào ông Hai rồi vô nhà sau lục lạo xoong chảo, bắt gà, vịt làm thịt lăng xăng. Chúng nó reo cười vui nhà vui cửa. Ông Hai Chà ở đây với đứa cháu nội gái, nhưng nó đã đi học bên kia sông, một lát sau cháu mới về. “Cha chả, về chắc nó vui lắm, bạn trang lứa đây mà!” - Chú Hai ngồi, tự rót trà trong bình có vỏ dừa giữ ấm. Coi như trái dừa khô còn nguyên, nhưng ruột dừa bị móc ra để đặt bình tích nước vào, giữ nóng được lâu, thay vì bình thủy. Kiểu này xưa lắm mà ông Hai vẫn còn lưu truyền. Kim Lài rón rén đến gần thưa chuyện với chú Hai:

- Thưa ông chú Hai, cháu là Kim Lài, cháu có bà cô tên Nhị Hà, qua đời ở đây, khi cơ quan Văn nghệ Khu Tây Nam Bộ về đóng đây. Bà Nhị Hà mất và chôn gần đây, ông cho cháu đi thăm mộ…

Ông Hai Chà rưng nước mắt, không rõ vì nhớ đến cái chết bất hạnh của nghệ sĩ tên tuổi một thời, hay cảm động vì đứa cháu có hiếu :

- Ai nói với con việc đó vậy?

- Dạ thưa ông chú, nhạc sĩ Thanh Trần!

- Đúng rồi, Thanh Trần là Huỳnh Tử Cao, thời kháng chiến dạy nhạc ở trường âm nhạc do Sở Thông tin văn hóa Nam Bộ tổ chức. Học trò của thầy Huỳnh Tử Cao đông lắm, có nhiều anh em tập kết ra bắc học tiếp như Lâm Quang Măng - anh trai của Lâm Quang Phong, như Thế Phương, Hữu Thế, Thanh Hòa, Lâm Nghĩa Văn… thành đạt nhất là Ca Lê Thuần.

- Thưa ông, cho con xin ba cây nhang.

- Ờ, trên bàn thờ đó, con lấy nguyên ốp đem đi với cái hộp quẹt. Phải bơi xuồng qua rạch…

Ông Hai Chà dẫn mấy đứa nhỏ ra tận bến xuồng trước sân ông, chỉ tay về phía mấy cây bình linh cổ thụ. Ông bùi ngùi nghĩ đến người nghệ sĩ vắn số:

- Dưới gốc cây bình linh cao lớn đó, chị Nhị Hà đang nằm. Gặp các cháu chắc là chị vui lắm. Trước khi chết, chị viết bản thống kê, chia tài sản của chị cho từng em, từng cháu, đám diễn viên múa, học trò yêu quý của chị, trong đó cô Kim Chi, con ông bà Tư Vinh - Chủ tịch Mặt trận miền Tây Nam Bộ. Hồi chị ấy còn, Đoàn ca múa nhạc sung mãn lắm, về đóng đây để tập dượt, rồi tự tử… Út Triều, Ba Cao, Tư Mới... can gián không được…

Ba đứa nhỏ qua rạch Đồng Tranh, thăm mộ bà cô Nhị Hà. Chúng vẫn rắn mắc khều móc chọc ghẹo nhau, có lúc xuồng nghiêng múc nước thiếu điều chìm, phải lấy dép tát ra. Nhưng khi bước lên khu rừng thâm u, chúng nín bặt. Đây là thế giới tĩnh lặng của linh hồn. Ngoài Nhị Hà nghệ sĩ tài danh ra, có còn ai lạc loài tới đây nữa không?

Ba đứa rón rén bước lên con đường mòn nhỏ, bỗng bắt gặp dấu giày của ai mới bước đi. Và kìa, có một ông khách sang trọng đang cắm nhang trước mộ, nói lầm thầm rồi lau nước mắt.

- Ai vậy? - Các cháu tự hỏi

Hải tặc:

- Để mình vô gặp chú xem.

Ba đứa nhỏ cầm ốp nhang và mấy đóa hoa vạn thọ vàng ánh nơi tay, khẩn khoản bước đi nhẹ nhàng, nhưng dưới chân cây khô, lá khô mấy lớp vẫn khua lên răng rắc. Người khách giật mình:

- Ôi, mấy đứa nhỏ này ở đâu vầy cà?

Các cháu đã tới kề bên người khách. Thanh nói:

- Các cháu có bà con với người trong mộ

Kim Lài:

- Cháu kêu bà Nhị Hà bằng bà cô. Cha cháu là cháu ruột của bà cô. Còn các bạn đây, theo cháu kính viếng mộ của bà cháu.

- Ờ, các cháu ngoan lắm. Tốt lắm.

Kim Lài hỏi:

- Còn chú? Chú có bà con sao với bà cô?

- Bạn. Bạn thân! Thôi các cháu đốt nhang đi, để chú đi cho các cháu tự nhiên. 

Người khách bước nhanh xuống vỏ lãi đậu cặp bờ, lái máy vút đi, dáng người đẹp ơi là đẹp.

Các cháu đốt nhang, cắm chỗ mấy cây hương trầm mà người khách sang trọng vừa cắm. Hoa mười giờ buổi chiều đã héo cuốn, chỉ còn mấy cọng tua tủa dưới gốc rừng hoang vu. Hang còng lâm nhâm quanh nắm mộ thấp lè tè. Đất chưa nứt nẻ thì sậy đế đã xâm lấn. Lá rừng rơi quanh, rơi trên nắm đất u buồn. Chim và bướm thỉnh thoảng mới dạo ngang vì cây cối hoang sơ quá đỗi. Kim Lài và các bạn cùng đi khóc tức tưởi.

Hải Tặc hỏi:

- Vì sao bà cô chết như vậy?

Các cháu thăm mộ người mệnh bạc trở về, các cháu băn khoăn về ông khách sang trọng đến trước các cháu mấy phút, và khi gặp các cháu lại có vẻ sợ sệt, vội đi ngang. Hỏi quan hệ sao với người chết thì ông ta nói “bạn”. Phải hỏi ông Hai Chà, có khi biết rõ hơn.

Về đến nhà thì cơm nước ông Hai đã lo xong, ông giục mấy đứa nhỏ tắm rửa cho sạch để mà ăn :

- Cơm, thức ăn sắp xong rồi, các cháu ra sau đìa, chỗ có cây cầu thang bắc xuống đó, múc nước lên tắm đi. Đám con gái có cầu tắm ông chú che sẵn đó.

Hải Tặc:

- Ông Hai ơi, cầu  tắm  để cháu tắm, còn mấy chị cháu tắm ngoài trời quen rồi.

Nói xong, nó khoái chí cười. Thanh:

- Mầy đúng là đồ bất hiếu, đồ ba que xỏ lá. Ông chú coi, nó cứng đầu lắm, dạy hoài không được. Nhân tiện ông trị giúp bọn cháu, nếu không tụi cháu sẽ không sống yên với nó đâu.

Ông cháu cùng cười vui như sóng vỗ bờ.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết