24/02/2022 - 08:04

1C - con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương mười tám

SỐNG VỚI TUYẾN ÐƯỜNG

(Tiếp theo)

 

8. Chú Tư Nguyễn Hùng Khánh là một trong những nhân chứng lịch sử vùng đất Kiên Giang - Rạch Giá Tây Nam Bộ. Sau khi trò chuyện với chú Hai Cầu, khâm phục sự đàng hoàng nhân đức của chú Hai, một cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của Ðảng bộ địa phương nhà. Bây giờ ta tranh thủ thằng đồn trưởng này, không giết, bởi vì như chú Hai Cầu nói “giết thằng này, giặc đưa thằng khác đến” có khi thằng khác lại gian ác hơn. Còn ta tranh thủ thằng này, thì phải tranh thủ vợ con nó, con gái của Lâm Quang Quận. Ta làm sao đây?

Sử dụng nhân mối Linh mục Năm thì quá phí. Nếu tay đồn trưởng không tốt, có hại cho Linh mục, và nếu giặc gây sức ép đổi Linh mục Năm đi, thì ta cũng lỡ việc. Không, ta không sử dụng, cơ sở này, hãy để cho Linh mục Năm bình yên, làm một việc là khiến giáo dân di cư (1954) hiểu rõ cách mạng là của họ. Hiểu như vậy là tuyến đường ổn định. Vậy ta nhờ ai đây?

Chú Tư Khánh vỗ trán. Lần bị con rắn thần, dài hơn 30 thước bò qua điện Mặt Trăng ở Hòn Ðất, chú Tám Quít, chú Tư Liêm và chú hết hồn sợ nó nuốt sống cả 3 anh em một lúc. Chú định rút Colt 12 li ra bắn vào bụng con rắn lúc nó bò vắt qua miệng hang lộ thiên, nhưng chú Tám Quít can lại, không cho, vì sợ nó bị bắn đau, nó quay đầu lại cự với mình, thì còn cái nước mình lọt vào cái bụng thăm thẳm không có đáy của nó. Lần đó sáng ra, chú Tư vỗ trán tính làm sao diệt con rắn thần sầu này. Lên bờ Lò Ảng, chú và 2 bạn của chú (chú Tám và chú Tư Liêm) đều nhận ra vết bò ngang hơn một gang tay. Và theo vết bò đó, ta phát hiện hang rắn chúa: ở dưới hang sâu, trên miệng hang là gốc cây Mộng Dừa. Cái điện Mặt Trăng đó, sau này gánh Quân y Hòn Ðất lấy làm trạm xá khu vực. Ðồng chí Hai Ðính phụ trách, một nhóm thanh niên xung phong về phục vụ tận tình.

Còn chuyện tuyến lộ Cái Sắn không lẽ ta bế tắc. Nó có dữ dội hơn chuyện thần rắn Kingcôbra không? Chắc không hơn đâu! Nhưng con rắn thần nhờ bà con Hòn Ðất “điều hành” cho nó đi, khỏi dùng TNT đánh diệt. Chuyện trưởng đồn chắc cũng phải nhờ dân…

Chú Tư Khánh đang băn khoăn, thì may quá, gặp chú Chín Chuột - ông già vận chuyển vũ khí bằng ghe hai đáy. Từ ngày “chia tay” với mấy đứa nhỏ vội vàng lúc qua đồn Tắc Thủ chú Chín bị thằng Hứa hành hạ để khai thác chú về bí mật của đường dây vận chuyển. Nhưng nhờ anh em giả trang thủy quân lục chiến cứu thoát. Thuật lại chuyện “xuất quỷ nhập thần” của xứ mình về cải trang, giả trang làm quân giặc để gạt giặc mà đánh thì ta có biết bao nhiêu trận. Ngay cả trận diệt đồn Tắc Thủ năm rồi, tiểu đoàn U Minh kết hợp Binh vận tỉnh, cũng giả dạng ghe mua bán, điều quân vào, xông từ “ghe bán chuối” lên tiêu diệt giặc, bắt tù binh, ghe đó, ta chở chiến lợi phẩm về…

Trong luồng tư duy ấy, chú Tư nhớ tới chú Năm Hạnh cùng chú Tám Lực (Tám Càm) mượn cây Colt 12 li của chú Sáu Trần Thanh Nhã, giả thanh niên mua bán, mặc sơ mi trắng vào chợ Vàm Ðình diệt tên cảnh sát Hồng Văn Tham cực kỳ gian ác. Chú Năm Ðoàn (Bùi Tấn Sĩ ) giả dạng dân ăn đám giỗ vào nhà bắn tên cảnh sát Phuông. Chẳng qua không biết mặt nên bắn bạn của nó.

“Ðược rồi, ta có ông già Chín Chấc là xong việc ngay - ngày mai, theo kế hoạch ông bà lại chạy chiếc ghe cũ, ghé cầu Rạch Sỏi (khi qua trạm kiểm soát của giặc) mình làm việc với ổng thử coi” - chú Tư Khánh nghĩ.

9. Ðám lính gác cầu Rạch Sỏi nhẵn mặt với các ghe thương hồ. Cứ khi trình thuyền sách, kẹp vào đó vài ba chục đồng là xong. Nếu không, nó lấy dây chì rà dưới lườn ghe xem ghe có chở mìn hay thủy lôi gì không. Ghe ông bà Chín do chú Tư Mau và chú Nguyễn Văn Xe (tức Ba Lõi) trực tiếp nghiên cứu đặt đóng nên nó khéo léo lạ thường. Bên ngoài nhìn vào, thấy nó tự nhiên như bao nhiêu ghe mua bán đồ hàng bông khác. Mà kỳ thực dưới sạp, dưới lườn (chỗ lợi hại) là có một cái đáy thứ 2 - ghe hai đáy là vậy.

Ở trên dỡ sạp kiểm soát, thằng giặc chỉ thấy cái đáy thứ nhất, có vũ khí đạn dược gì đâu. Tất cả hơn 1 tấn hàng quân sự, hóa chất và súng đạn nằm ở đáy thứ nhất xuống đáy thứ hai, do 1 tấm ván cửa khéo léo tuyệt vời, khó nhìn phát hiện nổi. Nếu bọn rà lườn ghe cho dây chì, dây xích rà xuôi, ngược, thì lườn ghe trơn tuột có gì đâu mà rà.

Lúc chiếc ghe vào tay bọn thằng Hứa, nó rà soát mấy lần, chỉ thấy chiếc ghe bình thường, không tài nào khai thác ông già Chín nổi. Rồi ta lại cho người “xuất quỷ nhập thần” cứu ông Chín ra, và đem chiếc ghe nhiều kỷ niệm về vùng căn cứ. Nay ông bà Chín lại dùng nó đi công tác tuyến Rạch Sỏi - Cái Nứa - Ba Ðình, khi về, ông lại mua khóm Cầu Ðúc làm hàng ngụy trang cho ghe của ông. Cách mạng bất diệt là chỗ đó, là nhờ dân một lòng hỗ trợ ta. Sau khi ghe ông Chín bị kiểm soát xong, đang chuẩn bị nổ máy thì có tiếng gọi trong bờ.

- Chú Hai ơi, ghé cho tôi “có giang” đi Thốt Nốt, tôi chịu tiền xăng dầu chú ơi!

Ông già Chín biết là ai rồi, ghe đã tắt máy qua trạm kiểm soát nên kêu là nghe liền, đã hẹn mà. Chú Tư Khánh ăn mặc như khách đi đám giỗ nông thôn, giấy tờ thủ sẵn đầy đủ, có khăn đóng áo dài để qua mặt chỗ quen biết nhiều. Trong lưng lúc nào cũng có khẩu K59, hai băng đạn “xê cua” nạp 9 viên đầy nhóc. Tính chú Tư Khánh vậy đó. Nếu đi công tác trên vùng giải phóng thì lúc nào chú cũng mang theo cây AK, mấy băng đạn mới cáu, để bắn đám trực thăng đỗ quân và “đầm già” L19 phóng pháo. Ông Chín:

- Chú Hai muốn có giang tới đâu?

Tư Khánh:

- Tôi tới Thốt Nốt lên đám giỗ nhà thằng cháu nó cúng cha nó…

Nhìn quanh quất, thấy êm, chú Tư và chú Chín bày trà ra uống. Thím Chín lui cui chạy máy tốc độ chậm chậm. Máy BS9 êm rơ… Chú Chín:

- Chú Tư, lúc nhận lại chiếc ghe này, tôi mừng hết biết, như chết sống lại. Tôi khóc như trẻ nít vậy chú. Nhờ ơn anh em, nhờ cơ quan mình - trong đó có anh Bảy Lúa, anh Tư Mau, anh Sáu Ðặc và chú không bỏ tôi…

Ông già Chín nói vậy rồi mếu máo xúc động. Chú Tư cầm tay ông Chín bóp bóp an ủi:

- Nói chung nhờ ơn Ðảng, ơn dân. Mấy đứa nhỏ đó, khi tôi bàn đi giải thoát anh, nó đi cái “rụp”, nhất là thằng Tư Lâm, thằng Năm Thái, thằng Tám Khởi… cái đám học sinh trường nhà máy học trò của thầy giáo Hoàn đó. Anh Chín, chuyến này anh chở bao nhiêu?

- Cũng gần 2 tấn lận, chú Tư, súng AK và TNT.

- Ðồ nghi trang còn ít quá, ghe còn nổi mà, anh mua mì khoai hay mía gì chất thêm lên.

- Chú Tư nói phải, một lát ghé Dục Tượng tôi mua mì, bí đao chất thêm lên…

Chú Tư ngó quanh, húp một ly trà, nói nhỏ cho ông Chín đủ nghe:

- Anh có hàm ơn với gia đình Lâm Quang Phòng phải không?

- Ðúng vậy. Mà gia đình họ Lâm Quang cũng có hàm ơn tôi!

- Tốt quá! Có việc nhờ anh. Anh đi giao hàng ở Kinh Kiểm Lâm Cái Nứa - Nhà Ngang gì đó, xong anh về ghe điểm X gặp tôi, ta làm việc mới. Mà tôi tin chỉ có mình anh mới làm được. Thôi, anh bảo chị Chín ghé tôi lên bờ. Tôi đi xe lam về chợ Rạch Giá…

 (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết