* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười tám
SỐNG VỚI TUYẾN ĐƯỜNG
(Tiếp theo)
6. Cùng Trung Kiên, Sáu Thiện vác sào nạng ra tới bến sông. Hơn 200 chiếc xuồng gồm xuồng ba lá từ nhà đem đi và xuồng mới nhận, nằm dài coi mút mắt. Các cô các chú thanh niên xung phong lấy khăn rằn buộc ngang bụng, đầu đội nón tai bèo, vai tròn, ngực nở, xem như nữ thần Apsara chớ kém ai đâu!
Sáu Thiện giới thiệu:
- Nầy, các đồng chí, anh Trung Kiên là bạn học của anh Năm Hạnh và anh Năm Ðoàn, giờ anh là Ðại úy, chỉ huy một bộ phận của tuyến đường 1C lịch sử này. Anh Trung Kiên sẽ tập huấn cho chúng ta chống xuồng mõ theo lý thuyết mà lúc nãy anh đã nói.
Toàn thể thanh niên xung phong ráp nhau: “Hoan hô anh Trung Kiên!”. Tiếng vỗ tay rào rào. Trung Kiên bước tới một chiếc xuồng gần nhất ở bến sông, anh dừng lại nhìn tất cả anh chị em:
- Trước hết, nói về cách cầm sào nạng, tuy sào nạng nặng và dài, nhưng chính là “cây tay lái” của ta. Nhờ sào nạng mà ta đứng vững trên xuồng vốn lắc lư. Nhưng nhớ cầm sào nạng không đưa sát vai mình quá, sẽ bị sào gạt té!
Trung Kiên nói rồi, thao tác đi thao tác lại mấy lần cách cầm sào, quơ chỏi, chống, thả, cặm dừng xuồng, qua cầu, qua nhánh cây thấp… Xong một công đoạn, Trung Kiên bảo:
- Giờ các đồng chí cầm sào thực tập xem!
- Nhứt trí!
Tất cả hô lên một lượt, rồi họ chộp sào nạng thao tác. Mấy chục cây sào diêu động trong không gian như phái Thiếu Lâm múa võ. Một lát thấy đạt, Trung Kiên mới chuyển sang cách ngồi đứng trên xuồng:
- Các đồng chí, tới khoa mục thứ hai là làm chủ chiếc xuồng “mất dạy khó thương” nầy. Trước hết, tôi giới thiệu tính năng tác dụng xuồng mõ là “cơ động” đến “thần sầu quỷ khóc”. Nó được nhà chế tạo như hình cầu quả trứng, khi đụng vật gì cứng nó dạt ra ngay (không bị vướng chìm như loại xuồng ba lá), nó lướt cỏ rác, lướt trên ngọn lúa sạ và nói chung chỉ có nó mới lướt nổi đồng hoang mùa lũ. Khi ta dằn lòng xuồng mõ bốn, năm trăm ký, nó cũng rất vững chắc mà cũng rất nhạy cảm, rất cơ động nhẹ nhàng. Bởi vậy đồng chí Bảy Lúa, đồng chí Tư Mau và Tư Khánh thảo luận một buổi, mới quyết định đóng xuồng mõ trang cấp cho thanh niên xung phong đền ơn Tổ Quốc bằng gắn đời mình với chiếc xuồng mõ, vận chuyển thắng lợi!
- Hoan hô anh Trung Kiên, anh Trung Kiên giảng bài hay quá!
Tiếng vỗ tay rào rào. Trung Kiên cám ơn anh em, rồi nói tiếp:
- Các bạn trẻ, các đồng chí hãy yêu mến chiếc xuồng mõ “kỳ cục” nầy, thương mến nó như nông dân thương trâu, thương bò, thương voi, thương ngựa…
Chú Thống 13 tuổi nghe vậy khoái quá, ứng khẩu một câu thơ lãng nhách:
Thương trâu, thương ngựa, thương bò.
Luôn thương con chó, con mèo,
con heo!
Câu thơ ứng khẩu của nó vừa dứt thì rền một trận cười tập thể. Chị Hoa, chị Ðẹp rầy nó:
- Nói tầm bậy.
Tất cả cười rần rần. Không khí lên nô nức, chờ anh chị em bớt cười, Trung Kiên nói tiếp:
- Bây giờ ta nắm lấy xuồng mõ, thật sự làm chủ xuồng mõ. Bởi vì chăn trâu làm bạn tốt của trâu thì không sợ trâu chém, làm quản tượng mà tốt thì không sợ voi giày, cỡi ngựa mà cho ngựa ăn no thì không sợ ngựa đá, còn ta, nếu ta thương xuồng, chăm sóc gắn bó xuồng thì xuồng bớt dần cái chuyện chực chờ “hất” ta xuống nước!
Anh em thanh niên xung phong lại cười vỗ tay rần rần. Trung Kiên lại nói tiếp:
- Câu thiệu tôi nói hồi sáng có bạn nào còn nhớ không?
Tám Hoa:
- Có, còn nhớ! Em nè!
Sáu Bình bảo:
- Vậy Tám Hoa đọc lại coi.
Tám Hoa nói một mạch:
- Tay giang cánh én, chân đứng chữ điền, muốn chống bình yên thì cầm
sào nạng.
Một loạt vỗ tay rào rào:
- Chị Tám hay quá!
Chú Thống lại cao hứng:
- Em cũng nhớ nữa, cho em nói.
Mấy chị bảo Thống:
- Ờ nói đi….
- Tay giang cánh én, chân đứng
chữ điền…
Thống nói được hai vế thì dừng lại. Mấy chị lại giục Thống.
- Em quên, quên rồi!
Tất cả cười ầm, mấy chị vò đầu Thống:
- Tài khôn, tồn dại.
Trung Kiên nói tiếp:
- Khi ta có cách cầm sào vững rồi, như người đi trên dây xiếc cầm cái cây lấy thăng bằng vậy, không có cây là té liền. Cho nên mới nói “muốn đứng bình yên phải cầm sào nạng”. Bây giờ các cô các chú các bạn gọn ghẽ áo quần, khăn nón, tóc tai đi nghen. Tới giờ “nhảy tăng-gô” rồi nghen. Phải té hàng chục hay trăm lần mới làm chủ được chiếc xuồng mõ.
Nghe lệnh huấn luyện viên, các cô chú soạn đồ trong túi ra, các cậu trai cởi áo. Thống:
- Sao các chị không cởi đồ ra đi?
Cô Hoa:
- Xạo hoài, không bỏ tánh.
Mấy chú con trai rắn mắc “nói bậy” bị mấy chị, mấy cô “cú” vô đầu “cóc”, “cóc”. Mấy cậu xoa lia lịa: “Ðau quá là đau!”.
Trung Kiên ra lệnh:
- Tất cả cầm sào nạng, bước xuống xuồng, ra khỏi bến.
Các cô, các chú mới chống được vài tầm đã té “xùm”, “xùm”. Có chú đi được nửa công cũng té, có chú không đứng dậy trên xuồng được. Các xuồng không ai kèm lái đúng hướng nên đụng vào nhau, lắc lắc qua lại, té thêm đợt nữa. Ôi trời ơi, tha hồ mà té! Nói tóm lại không có ai không té xuống sông. Có điều là nhờ té, họ rút kinh nghiệm. Trung Kiên kết thúc buổi tập:
- Thôi các đồng chí vắt đồ đạc cho khô chút, uống nước thốt nốt rồi tự bơi, chống về. Vài hôm sau là điều xuồng chở hàng được đấy!
- Hoan hô anh Trung Kiên! Cám ơn anh Trung Kiên!
Họ tạm biệt nhau, vẫy tay chào nhau lại mất trớn té đùng đùng xuống sông… Té lần vét đuôi!
Cần Thơ, tháng11-2006
(Còn tiếp)