21/02/2022 - 09:29

1C- con đường huyền thoại

* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

 

Chương mười tám

SỐNG VỚI TUYẾN ĐƯỜNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Tiếng vỗ tay rào rào vui nhộn. Trời mây biên giới ôm chầm không gian hai nước láng giềng như một. Mấy bà chị, bà mẹ Khmer, con dân làng Sock của Quốc trưởng Sihanouk, đội nồi om đi thư thả, buông thõng hai tay khi cái thúng hay cái nồi, cái xoong trên đầu vững trân. Thấy mấy bà dì, bà chị hiền dịu quá, mấy cô thanh niên xung phong làm quen:

- Mô-đai, Mee xóc xà bay (Mẹ, mạnh giỏi)?

Bà má Khmer dừng lại, nhìn mấy đứa con Việt:

- Âu-Púc mô đai rô bos boong nâu rúa a tê (Cha mẹ của cháu còn sống không)?

- Nâu-rua Steng óa (Còn sống cả)!

- Au-Púc kho nhum so-lắp hươi (Cha tôi đã chết) - một bạn nói.

Bà mẹ Khmer háy mắt cho mấy cô gái Khmer:

- Boòng miên porodum hươi nâu (Anh có vợ chưa)?

Cả nhóm gom lại đã đông, ráp nhau vỗ tay cười vang:

- Kho nhum nâu lia (Tôi còn độc thân, chưa vợ, chưa chồng)!

Sáu Thiện chạy lại thấy giữa nhóm đông có mấy bà mẹ Khmer và mấy cô sơn nữ bạn xinh quá, bèn tham dự cuộc đàm thoại.

- Mô đai co mêk (khang poro pun) (Mẹ vợ).

Cả nhóm cười vang. Bà mẹ chỉ các cháu gái Khmer:

- Co-muôi po-rôs (Cháu gái đó)!

Bà mẹ nói tiếp:

- Sa ma mit. Dong khơ nhum (Đồng chí của chúng tôi)!

Tất cả vỗ tay. Sáu Thiện nói:

- Xôm cô rốp (Xin  chào). O kun (Cám ơn). Xom bia (Tạm biệt)!

Một cô gái đẹp nhất nhóm thiếu nữ Khmer nói :

- Côrôp samamit, núng mít teng lai (Chào các đồng chí và các bạn)!

Hai bên kết thúc buổi làm quen bằng cách xá nhau. Các nam nữ thanh niên xung phong vào ăn cơm do xưởng mộc chiêu đãi.

5. Ăn cơm xong, Trung Kiên thấy thương đàn em mình quá. Mới ngần nầy tuổi đã ra đi. Trên thực tế chiến trường, Mỹ quyết chí xâm lược nước ta, đầu tháng 2-1966 tại Honolulu, Johnson và Thiệu - Kỳ đã kéo bầy qua hội nghị thượng đỉnh. Ngoài Tổng thống Mỹ, còn có Ngoại trưởng Dean Rusk và Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara, Trợ lý Quốc phòng Mc. Naughton, Cố vấn trưởng đối ngoại Mc George Bundy, Bộ trưởng nông nghiệp Orville Freeman, Bộ trưởng y tế - giáo dục và phúc lợi John Gardner. Chúng đem theo đủ các tên tướng: EarleWheeler, W. Westmoreland, Maxwell Taylos, Đô đốc Gran Sharp và các đại sứ Henry Cabot Lodge, Averell Harriman và Leonard unger…(1)

Hội nghị lần này phía bọn bù nhìn tay sai Mỹ ở Sài Gòn có Quốc trưởng Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Tư lệnh Nguyễn Hữu Có. Nguyễn Chánh Thi - tạm coi là phe ly khai - được Mỹ “mời” nhưng không thèm đi. Điều nầy thể hiện vì sao mà Mỹ thua “trọn gói” trong cuộc “Chiến tranh đặc biệt” để rồi phải leo thang sang “Chiến tranh cục bộ”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, Chánh ủy các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam, người đối đầu với bọn Westmoreland và Cabot Lodge tuyên bố trong cuộc hội nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam rằng: “Dám đánh Mỹ là thắng Mỹ” và phương châm của Đại tướng Thanh đưa ra là “nắm thắt lưng địch mà đánh” tức là bám khít vào đội hình địch mà đánh địch bởi vì địch ở đây (tức quân Mỹ) được phi pháo hỗ trợ tối đa, cho nên ta rời xa nó là ta ăn bom đạn của nó. Bàu Bàng, Bình Giã, và nhất là chiến trường Đông Nam Bộ, cuộc đụng độ giữa ta và địch ở chiến dịch Johnson City đã chứng minh “cách đánh thắng” của ta là “nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Pháo dù, B40, B41, Attăng… là những thứ giúp cho đội du kích ta “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Giờ còn hơn 2 vạn tấn nằm kho “Bắc Đay”, một số đã dùng xe bạn (trước kia) chở về Bang Hang - Stúc Mía - Kirivong… Nay phải tìm cách chuyển về theo Nghị quyết 53/66 TVBA của Khu ủy - giao cho Khu Đoàn Tây Nam Bộ, tổ chức lực lượng thanh niên xung phong mà lực lượng đó là thế này đây “thiếu nữ mảnh mai và một đàn con nít”. Chống xuồng mõ còn không xong thì làm sao? Ôi “Cái gánh Năm Đoàn - Út Nhì này nói chung là gánh Năm Hạnh - bạn  mình đó chứ ai”.

Trung Kiên là dân xã Phú Lễ huyện Ba Tri, Bến Tre, theo chú Mười Huệ và ông Lê Hợi (nguyên Chủ tịch Tỉnh và Trưởng Ty giao thông liên lạc tỉnh Bến Tre) vào sinh sống ở ở Kinh Năm, xã Tân Phú, huyện Hồng Dân. Nghèo quá mà mồ côi, Trung Kiên ăn đậu, ăn chực ở nhà chú Sáu Nguyễn Văn Dũ, ông già của Ba Sánh - bạn học trường tiểu học Cồn Rừng với mình, cho đến Ba Sánh cùng mình thi vào trường Trung học Tiền Phong, mới gặp lại đám con nít Bến Tre tản cư vào Khu chín cũ. Đó là Năm Hạnh (Lê Văn Bình), Năm Đoàn (Bùi Tấn Sĩ). Nào ngờ Năm Hạnh giờ là Bí thư Khu đoàn, Năm Đoàn giờ là Khu đoàn ủy viên, Liên đội trưởng thanh niên xung phong, dẫn quân lên đây…

* * *

Đang ngẩn ngơ nhớ bạn, theo “logic” tư duy từ  “gánh Năm Đoàn” lao hao con nít nầy, Trung Kiên nhớ lại thuở vượt sông Băng Cung và cửa biển Mỹ Thanh vào Cà Mau học hỏi. Giờ ai mất, ai còn. Nguyễn Trung Bỉnh đẹp trai thông minh và dũng cảm lạ thường, đã chửi thẳng vào mặt quân thù rồi tự sát. Bỉnh để lại cho bạn bè một tấm gương bất khuất. Trong đám thanh niên xung phong nầy, ở Thị Tường - Phú Mỹ - Phong Lạc, có nhiều học trò của Bỉnh. Anh dạy học, công tác Đoàn mới bị giặc bắt. Sáu Khéo (Trần Văn An) đánh trận Công Kiên hy sinh, Sáu Châu (Sáu Tấn) làm công tác binh vận, Chín Tần- Trần Minh Hữu (y sĩ) làm công tác bảo vệ sức khỏe cho Khu ủy, còn Ba Sánh công tác văn học ở chung với gánh Út Triều và Lê Vĩnh Hòa…

- Anh Trung Kiên, anh cho người tập huấn mấy em chút đi. Lúc nãy anh nói mà chưa “thị phạm”.

Trung Kiên đang miên man ý tưởng về bạn bè, nghe Sáu Thiện nói, anh giật mình, trả lời ngay :

- Được mà! Được mà! Tôi với Năm Đoàn là bạn học trường Tiền Phong thời kháng Pháp đó.

- Hay lắm! Vậy anh thay mặt anh Năm Đoàn huấn luyện tụi em đi!

-------------------

(1) Theo tài liệu từ báo Trung Lập xuất bản tại Phnompênh bấy giờ - tờ báo tiến bộ của Việt kiều yêu Tổ quốc.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết