* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười tám
SỐNG VỚI TUYẾN ĐƯỜNG
3. Sáng sớm một ngày trong tháng 9-1967, anh chị em thanh niên xung phong gọi nhau thức dậy đến bếp lãnh đường tán và cơm vắt, rồi xuống xuồng đi Lũng Kỳ.
Ðồng chí Năm Ðoàn truyền đạt mệnh lệnh:
- Các đồng chí, lần đầu tiên ta bắt tay công tác, đi nhận 200 xuồng mõ và dầm bơi, vùng này không có giặc nhưng ta phải cảnh giác, nên Ban chỉ huy liên đội cho 1B đủ với vũ khí bén theo bảo vệ các đồng chí. Ta chú ý đi theo cự ly, trật tự và không được cười giỡn. Khi gặp dân, chào hỏi. Khi gặp địch, nằm xuống kéo xuồng theo người chỉ huy - tức đồng chí Sáu Thiện - ra lệnh. Nếu lạc thì cứ lội vào núi “Chạp Ðay” sẽ có người đến rước. Xuồng bị hở, chảy, ta đổi xuồng tốt, dọc đường xuồng chảy lấy đất sét xảm đỡ, về đây sửa chữa lại. Thôi, đồng chí Sáu Thiện sẽ chỉ huy các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ.
Năm Ðoàn dứt lời. Lực lượng trẻ bơi mấy chục xuồng thành một hàng dài, khua dầm xuồng lụp cụp. Năm Ðoàn nghĩ, điệu này làm sao giữ bí mật được? Ðông quá và trẻ quá, khóc đã rồi cười giỡn, rồi giận nhau, rồi khóc. Thế mà giờ các em đi làm công tác răm rắp, thiệt dễ thương sao…
4. Các trại mộc của Ðoàn 195 ở vùng núi ven sông Lũng Kỳ, có thời là thị tứ của nhà họ Mạc. Ở đây mua gỗ từ miệt “Ráttarakyri” hoặc “Mondonkyri”. Ðóng xuồng mõ liên tục vì xuồng này ta dùng sào nạng chống đi trên lúa trên cỏ xoay xở nhanh, không vướng mắc như xuồng 3 lá.
Ðoàn chiến sĩ thanh niên xung phong do đồng chí Sáu Thiện chỉ huy đã ký nhận 200 chiếc xuồng dễ dàng nhanh chóng, cả 200 cây dầm cũng có sẵn sàng luôn. Cục Hậu cần Quân khu IX là một người anh lớn, sẵn sàng hậu thuẫn cho Liên đội I - thanh niên xung phong tuyến 1C hoàn thành nhiệm vụ. Ý tưởng tin cậy nầy từ Ban chỉ huy Liên đội I đến tận các chiến sĩ thanh niên xung phong.
Có điều vui là các bạn nam nữ thanh niên xung phong hò reo nhận xuồng, rồi họ tập bơi, tập chống, nhiều người vì chưa quen với loại xuồng ở miệt này nên không ít người bị rơi xuống nước ướt sũng. Tất cả những điều ấy đối với tuổi trẻ là một niềm vui, một kỷ niệm sẽ theo họ suốt cuộc hành trình cứu quốc gian nan cho đến ngày thắng lợi. Rồi đây, trên bước đường cứu nước thiêng liêng của tuổi trẻ Việt Nam sẽ người còn, kẻ mất, nhưng họ vẫn luôn ôm trong lòng một hoài bão cao cả, để rồi sẵn sàng chấp nhận gian nguy. Ta hãy hòa cùng không khí tươi trẻ của thanh niên xung phong 1C.
- Tao chiếc này đẹp nè, thấy chưa?
- Không bằng chiếc của em đâu!
- Cho em đổi xuồng này lại đi, anh Sáu!
- Thôi đi, mới nhận rồi sao lại đổi?
- Bị xuồng em có mắc cây bên be nè!
Một không khí tươi trẻ, ồn ào, sinh sôi của tuổi thanh xuân dâng trào lên. Hoa lá cây cỏ đất biên giới như cũng xôn xao, cảm kích trước tình yêu Tổ quốc của thế hệ trẻ miền Tây Nam yêu dấu.
Chân của đàn con em dân tộc bước trên mặt đất “thánh đường Cộng sản” như tướng Cabot Lodge nói. Những bước chân “bay cát giữa ban ngày” khi họ khiêng xuồng mõ xa lạ đưa xuống bến nước, yêu mến đẩy xuống bực sông như vỗ về, nâng niu một người bạn “sống chết” cùng nhau từ đây.
- Ðừng đụng mạnh xuồng của em nghen! Cưng xuồng này lắm nghen.
Xuồng là bạn của thanh niên xung phong tuyến 1C vào mùa nước nổi. Nó là “hạm đội tinh nhuệ” của con em nông dân miền Tây Nam bộ, dương đầu cùng hạm đội Midway, Maxdoc của Hoa Kỳ. Chỉ với phương tiện nầy, họ góp sức trẻ miền Tây vào chiến thắng của dân tộc.
Cán bộ của Ðoàn 195 ở trại mộc, đồng chí Trung Kiên ra tận bến hướng dẫn các bạn trẻ:
- Tôi nói mấy cô mấy chú biết nè, cái loại xuồng mõ nầy nó chao, nó lắc dữ lắm. Có khi nó quay tròn 180 độ nữa. Mình đi xuồng ba lá quen, xuống xuồng này té ầm ầm hoài đó!
- Em không té đâu Thủ trưởng!
- Em bơi, em chống được Thủ trưởng!
Trung Kiên:
- Hoan nghinh lắm, các đồng chí ngoan cường lắm. Nhưng khi đứng lên xuồng mõ hai chân phải giữ thế chữ điền. Thiệu chống xuồng có một câu là “tay giang cánh én, chân đứng chữ điền, muốn chống bình yên, thì cầm sào nạng”, đó, phải có cây sào nạng vầy nè.
Trung Kiên lấy cây sào có ngáng khúc nạng dưới gốc sào cho mọi người thấy. Rồi nói tiếp:
- Cây sào nạng có 3 cái hay. Một là nó không lún sâu xuống sình khi ta chống mạnh. Hai là nhờ nạng có cháng hai, ta tỳ vào đất vững vàng, ta ít bị chao đảo, té. Ba là chống mạnh trớn hơn sào không nạng, nó không bị đất sình níu lại, mà bệ tỳ đặt xuống sình đất không bị lún nên trớn phóng rất mạnh. Khi ta muốn dừng, ta “ghè” gốc sào có nạng lại, xuồng dừng nhanh hơn sào không nạng. Nhưng cây sào nạng dài hơn, nặng hơn sào thường nên cầm chưa quen, ta mỏi tay lắm! Các đồng chí nghe rõ chưa?
- Rõ!
- Rõ!
- Dạ, rõ rồi Thủ trưởng!
Tiếng hô “Ðã rõ!” vang lên. Như hăng chí, Trung Kiên cao hứng biểu diễn còn biểu mọi người làm vầy, làm vầy. Biểu diễn cho các đội quân mới cảo của mình thấy, nhưng có một cô gái lí lắc đã chơi khâm Kiên, lúc anh ra động tác chống chèo một cách say sưa, cô liền đẩy nhẹ vào chiếc xuồng của anh khiến anh lộn nhào xuống nước, thế là cả bọn có một trận cười no. Từ dưới nước Kiên leo lên vẻ giận, nhưng anh cũng nuốt giận làm vui nói với cô gái:
- Nè, lần sau là kỷ luật đó nhe.
Thế rồi Trung Kiên lấy mấy chục cây sào nạng cũ ra tặng các bạn trẻ:
- Theo hợp đồng với anh Tư Khánh, chúng tôi chỉ giao xuồng và dầm. Còn sào nạng chỗ gánh Năm Ðoàn, tức là gánh các đồng chí lo. Mớ sào nầy là sào cũ năm ngoái, mùa khô, đoàn Lộc Ninh hành quân bộ, gởi xuồng và sào lại, giờ tặng hết cho các đồng chí.
- Hoan hô Thủ trưởng, hoan hô!
Một nữ cán bộ chạy ra:
- Xin cho tôi “ý kiến” chút. Trước khi các đồng chí chống xuồng “về nước” trại mộc, trại xuồng đãi một bữa cơm đạm bạc. Mời các đồng chí dùng cơm với chúng tôi rồi hãy về!
Trung Kiên nhắc lại:
- Cơm chín rồi, ăn với thịt bò kho, mời các đồng chí vào ăn cơm rồi về. Sáu Thiện ơi, cho các đồng chí ăn cơm đi!
Sáu Thiện:
- Hay lắm! Cám ơn anh Trung Kiên lắm!
(Còn tiếp)