18/02/2022 - 21:35

1C - con đường huyền thoại

♦Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương mười tám

SỐNG VỚI TUYẾN ÐƯỜNG

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

1. Hai đồng chí Út Nhì và Năm Ðoàn trở về cứ của mình. Nhìn mấy anh chị em lao nhao mà danh sách Ban lãnh đạo Liên đội mới nhận được có 500, trong đó có 80 nam, 420 nữ. Nói đúng ra là một đám con nít, và con gái nhỏ, vừa đến đây đã nhớ nhà, nhớ má, nhớ em khóc ngày, khóc đêm, phải phân công người theo an ủi, dỗ dành. Trong 80 nam có gần 10 chú nhóc 13, 14, 15 tuổi. Hai ba chú trong số đó ghiền thuốc lá, vừa hút, vừa ho.

Chú Năm Ðoàn họp mấy em nhỏ lại một nơi, mời chị Út Nhì, chị Sáu Dân, Bảy Thu và Sáu Thiện lại dự, để góp ý giải quyết. Lướt qua đàn con nít gầy ốm, rách rưới, chú Năm nói:

- Các em còn nhỏ quá, chiến trường thì ác liệt, chỗ ở, mấy em thấy đó, không có đất che chòi, phải lót sạp xuồng tum húm vầy nương náu. Nấu cơm thì phải chặt nạng máng quay xoong, rồi cầm lửa trên tay cho tới cơm chín, chớ có đất đâu mà làm bếp.

Chị Út Nhì tiếp lời chú Năm:

- Rồi mai mốt phải vận chuyển hàng súng đạn nặng nề, mỗi thùng 30, 40 ký, thùng nhẹ cũng 20 ký, đường sình sụp, làm sao mấy em khiêng vác nổi. Các anh chị ghi nhận tinh thần yêu nước quyết chí thoát ly theo Ðảng, theo Ðoàn, nhưng giờ thì không thích hợp. Ban chỉ huy Liên Ðội thống nhất Ban chỉ huy Ðoàn 195, tổ chức đưa các em về, trả các em lại cho gia đình và địa phương. Vài ba năm sau, nếu còn chiến tranh chống Mỹ xâm lược, thì các anh chị về rước các em.

Nói tới đó, mấy cô chú tí hon òa lên khóc nức nở:

- Anh Năm ơi, chị Út ơi ! Tuy tụi em nhỏ yếu nhưng việc gì em cũng làm. Em xin hứa là làm tròn tất cả công tác mà các anh chị giao cho.

- Anh Năm ơi, ở đây đồng nước, em thấy cá ục nhiều lắm. Ðể em ở lại đây, em và các bạn tuổi nhỏ của em sẽ đặt lờ, lợp, đặt lươn, câu cá, lớp ăn, lớp bán lấy tiền cho cơ quan mua gạo, mua đồ vật mình cần. Giờ em về nhà sát đồn giặc, em đâu có làm gì phục vụ Cách mạng được.

- Chị Út, chị Sáu ơi, tụi em nhỏ con vậy chớ lớn tuổi rồi, em đi hái rau, hái trái giác, bẻ củi, nấu cơm cho các anh chị ăn no đi tải hàng.

Không biết mấy đứa nó chuẩn bị hồi nào, ai dạy lý lẽ cặn kẽ và xúc động người nghe như vậy làm chúng tôi không nỡ bỏ rơi các em, các cháu. Có đứa còn đòi nấu nước pha trà, kiếm thuốc nam. Có đứa nói chừng đơn vị mua trâu vận tải, các em giữ trâu.

Chị Út Nhì nghe mấy em, mấy cháu nói kiểu đó rồi khóc. Rồi tất cả khóc theo… Kẹt dữ quá, không ngờ mình thu xếp mấy đứa nhỏ này không được.

Bảy Thu:

- Thôi các em, các cháu giải tán, ai về tiểu đội nấy đi, để Ban chỉ huy thảo luận lại.

Tụi nhỏ nhảy xuống xuồng về, có vẻ vui tươi lắm. Chúng nó có niềm tin là không bị đuổi về. Chúng tôi ngồi nán lại bàn cách giải quyết. Sáu Dân:

- Tôi thấy mấy em tuổi nhỏ mà chí nó lớn. Thật sự là ta cần cải hoạt rau cá. Sau có trâu, bò, ngựa... thì tụi nó giữ trâu, bò, cắt cỏ. Nói chung là có việc cho con nít làm. Chị Út và Sáu Thiện, Bảy Thu thấy sao?

Út Nhì:

- Tôi thấy nên giữ các em ở lại!

Sáu Thiện:

- Tôi cũng thấy vậy!

Anh Năm Ðoàn kết luận:

- Vậy ta nhất trí giữ hết các bạn thanh niên xung phong tí hon nầy hén?

- Ðồng ý! - Bốn cánh tay Ban lãnh đạo đồng giơ lên - Nhất trí!

Khi mấy đứa nhỏ hay tin này, ôi thôi nó mừng nó nhảy lung tung trên sạp xuồng, có đứa té ùm xuống nước, có đứa khóc vì mừng quá đỗi, có đứa nói:

- Nói thiệt, nếu em bị đuổi về nhà, thà em tự vận chết còn sướng hơn. Vì ở nhà em đâu còn ai, bom nổ chết hết cha mẹ, ông bà, em chỉ còn một mình, bấy lâu nay ở nhà người bác, mà bác em nghèo, hổng có gạo ăn… em đi ở đợ…

Một chị nghe em nói vậy hỏi:

- Mầy nghèo sao mầy ghiền thuốc?

- Em đi giăng câu, giăng lưới ngoài trời đêm muỗi và lạnh quá mà em không có áo bận, nên em lượm tàn thuốc hút cho ấm, riết ghiền thuốc luôn!

Thật là hết nói, không thể nói về hoàn cảnh của các em. Trong mấy em nữ nhỏ tuổi, có em đang ở đợ, nghe Ðoàn phát động “năm xung phong”, em trốn chủ đi tòng quân, nhưng ta không nhận vì thấy em còn nhỏ thó. Em tự nguyện trốn theo đơn vị để được tự do. Nếu ta đuổi em về, em sống ở đâu?

Từ cuộc họp đó về sau Ban chỉ huy Liên Ðội không còn có ý định loại đồng chí anh em nào ra khỏi đội mà tất cả sống chết đùm bọc nhau. Thanh niên xung phong tuyến 1C từ nay là một đại gia đình.

2. Ban chỉ huy Liên Ðội phân công đồng chí Sáu Thiện qua Ðoàn 195 nhận xuồng và triển khai kế hoạch tập dượt cách chống xuồng mõ. Tại văn phòng Ban chỉ huy Ðoàn 195, đồng chí Sáu Ðặc mặc áo ấm (vì mới bị cảm mạo), khăn rằn quấn khít cổ, đầu đội bê rê (từ miền Bắc đem về) giữ cho ấm đầu. Sáu Ðặc:

- Như vậy, quân số hiện có của đồng chí là bao nhiêu?

Sáu Thiện:

- Thưa đồng chí, tất cả là 500. Chừa văn phòng vệ sĩ, điện đài, y tá, cấp dưỡng, liên lạc… thì lực lượng tải hàng là 460 đồng chí.

Sáu Ðặc:

- Chúng tôi đã đóng xong 200 xuồng mõ rồi, mỗi xuồng 2 người đi (một sào nạng, một dầm bơi) chở được 400 đến 450 ký. Xuồng hiện đang ở rạch Lũng Kỳ, cách đây hơn 20km.

Ðây là nơi ngày xưa quân Xiêm vào đánh chiếm Hà Tiên, cụ Mạc Cửu đưa quân vào trú trong đó, bấy giờ khoảng năm 1716-1718. Nay Lũng Kỳ có cơ sở mộc của ta, bà con Hoa Khmer ở Lũng Kỳ rất tốt. Sáu Ðặc nói tiếp:

- Mai chúng tôi cho người dẫn các đồng chí đi nhận xuồng. Nhưng khó bơi lắm đó nghen, chưa quen bước xuống xuồng mõ là té cái “ầm” liền.

Sáu Thiện:

- Vậy, sáng mai 7 giờ, chúng tôi dùng xuồng ba lá từ Cà Mau, Sóc Trăng chèo lên, chở 200 đồng chí đi nhận trước 200 chiếc xuồng mõ và 200 cây dầm, sào nạng về đây ta tìm tre đốn tra nạng vào.

Khi đồng chí Sáu Thiện từ giã chú Sáu Ðặc, định bước xuống xuồng về trại, chú Sáu giữ lại nói:

- Lấy mấy thùng đường thốt nốt đem về cho anh em ăn với cháo hoặc với cơm nguội. Ðường trữ cho voi ăn đó!

Sáu Thiện:

- Cháu đem về, mấy đứa nhỏ tha hồ reo mừng, con nít vậy mà được việc đó chú!

Ðồng chí Sáu Thiện quê Cà Mau, cán bộ liên đội, tánh tình hòa nhã, kiên quyết. Nhạc phụ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Khu ủy viên, người thực hiện ý chí của Trung ương và Khu ủy, tổ chức chuyến mở đường từ Nam ra Bắc từ bến Cá Mòi - mũi Cà Mau, do anh hùng Bông Văn Dĩa khởi đầu. Nay đường biển gặp khó khăn, Sáu Thiện xin phép cha, đi theo thanh niên xung phong lên biên giới mở đường vận chuyển, coi như nối tiếp thế hệ cha anh, khai thác sức mạnh vũ khí để kết thúc thắng lợi cuộc Cách mạng miền Nam.

 (Còn tiếp)

 

 

Chia sẻ bài viết