* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười bảy
TẤM LÒNG YÊU NƯỚC KÍNH CHÚA
(Tiếp theo)
1. Chú Chín Chấc - biệt danh là Chín Chuột - được lệnh Ban chỉ huy Ðoàn 195 gọi chú về nhận nhiệm vụ mới, và nội nhật ngày mai phải về tới nơi. “Không tài thánh” nào về cho kịp, nhưng đây là nghị quyết của Ðảng. Chú Chín cứ ra vào băn khoăn. Tư Lâm thấy vậy thông cảm, nên đến gần trò chuyện:
- Sao không lên võng nghỉ chút cho khỏe chú Chín?
- Tao lo quá! Sao mai về kịp?
- Chú đừng lo, có Ðảng lãnh đạo mà!
Một lát chú Trầm Phúc Xinh, phụ trách K26 đến “móc” chú Chín ra ngoài, trao cho chú một giấy căn cước, dặn:
- Chú học cho thuộc tên họ của người trong giấy. Còn hình thì tôi có kỹ thuật sửa lại cho thành hình của chú. Sẽ đi đường công khai. Một đứa cháu gái đóng vai cháu ngoại của chú, đưa “ông ngoại” về Hà Tiên, từ Hà Tiên chú về Vuông An Ninh dễ ợt!
- Hay quá vậy, chú Sáu! Thôi, tôi yên tâm.
2. Sáng ra, chú Chín Chuột ăn mặc như ông già nông dân, áo bà ba trắng, xách cây trúc có ngoéo, đi theo đứa cháu gái độ 20 tuổi, mặc áo xanh da trời, tay xách giỏ ni lông, cháu xinh xắn, nhanh nhẹn, tươi cười:
- Ngoại ơi, thức dậy đi chợ ngoại ơi!
Bị gọi bất ngờ ông Chín ngớ người ra, chừng nhớ lại lời đồng chí Tư Lâm trao đổi nên ông nhập vai ngay:
- Ờ, ờ ngoại thức rồi con, chờ ngoại vấn điếu thuốc.
Vậy là vai “ông cháu” được tập huấn xong. Tấm giấy căn cước giờ là hình của chú Chín. Tổ làm giấy tờ công khai có nhiều họa sĩ phục vụ, trong đó có Lê Ấn, Văn Nhiệm, Mười Sườn và vài anh em khác. Chụp ảnh là cô Út Hương - người của C9, con gái út của má Bảy.
Xuống đò máy, ông cháu chú Chín ngồi bên nhau. Bỗng một người đàn bà hỏi:
- Ủa Hồng, mày đi đâu vậy?
- Ờ chị Năm, em đi Cà Mau.
- Chi vậy?
- Ðưa “ông chú” của em đi chợ mua thuốc uống. Ông chú em bị lao phổi, tối ngủ ho hoài.
Chú Chín thấy cháu gái giỏi quá, gặp người chung xóm mà nói “ông ngoại” thì ai tin. Phải nói “ông chú”, ông chú thì có nội, có ngoại hơi đâu mà hỏi, lại nói “ho lao” ai cũng ghê. Cô bạn hàng nghe chú Chín “ho lao” bèn lui xa xa một chút, hết tò mò.
Vậy là chiều đó, cháu Hồng đưa “ông ngoại” tới Hà Tiên, xuống đò Giang Thành “ông ngoại” về Vĩnh Tế và đi đò dọc về điểm hẹn cơ quan 195.
Khi ông cháu tạm biệt nhau, Hồng chúc ông Chín dồi dào sức khỏe, hẹn gặp lại nhau sau khi đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ông già cảm động, cầm tay cháu gái: “Cháu thật là ngoan!”.
Bóng núi xa xa, hùng tráng vươn giữa đồng.
3. Khi chú Chín bước về tới văn phòng Ban chỉ huy Ðoàn 195, người đầu tiên ra đón chú là thím Chín. Nước mắt thím như mưa:
- Tôi thắp nhang và cúng cơm cho ông rồi. Sau đó mới hay ông còn sống!
- Bà giỏi lắm, trốn đi là khôn. Ở đó thằng Hứa nó giết, cái thằng Tư Thạnh đầu hàng khai báo hết trơn, nó đến nhìn mặt tôi mà. Cái thằng một thời mê mẩn cô Nhị Hà.
Chú thím mừng nhau chi xiết. Thím lấy tay sờ vào vai, vào tóc chú như chưa tin là chú còn sống vậy.
Anh em cơ quan, gần như đủ mặt hết, chào mừng chú Chín thoát chết trở về, trừ đồng chí Tư Khánh vừa xuống tuyến lộ Cái Sắn bố trí công tác, vắng mặt. Chú Chín uống lại ly trà mà khi ra đi cơ quan chiêu đãi. Nhìn lại anh em đồng chí thân thương, nhìn lại mặt đất, bầu trời; như còn nguyên vẹn tất cả. Chú nói:
- Nhờ mưu trí và quyết tâm của tập thể mà tôi được cứu sống. Tôi chưa thấy bọn giặc nào ác hơn bọn Mỹ - Thiệu - Kỳ ngày nay, nó còn là ta mất!
Anh em lại vạch người chú ra, xem vết đòn roi và vết muỗi đốt. Sau đó, chú Chín dùng cơm, uống cốc rượu và từ giã tập thể, về chòi nghỉ, trò chuyện cùng thím Chín. Hai ông bà nhắc mấy đứa cháu có giang với chiếc xuồng, không biết giờ này chúng nó phiêu bạt những đâu?
4. Chú Nguyễn Hùng Khánh xuyên rừng tràm và lau sậy về tuyến lộ Cái Sắn, nơi đây anh Tư từng quen biết. Bà con di cư 1954 về khu Dinh Ðiền - Cái Sắn này. Ban sơ, Diệm gây căm thù Cách mạng, sau đó chánh sách Mặt trận Dân tộc Giải phóng của ta thu phục nhân tâm, các tu sĩ, linh mục ủng hộ Cách mạng.
Bấy giờ ta gọi lộ Cái Sắn là “con đường chiến lược” vì mỗi lần xuyên ngang lộ, anh em ta hy sinh xương máu và gian nan rất nhiều.
Khi đưa đoàn khách, đoàn xuồng vận tải vũ khí sang lộ Cái Sắn, ta phải có lực lượng vũ trang bố trí hai đầu. Ðội giao liên ta phải có vải cao su trải trên mặt lộ, lót bẹ dừa rồi kéo xuồng qua. Chân ta dính bùn sình phải đi trên vải cao su - cũng như kéo xuồng - đều trên vải, không để vết bùn trên mặt lộ. Vì xe tuần tiễu và bọn biệt kích của giặc xuất hiện đêm ngày, chúng phát hiện dấu bùn là khó cho bà con ở đây.
Chú Tư Khánh như một viên tướng, không thể chấp nhận sự lấn hiếp này của giặc. Chú kết hợp cùng chú Hai Cầu, điều cả đơn vị 207 và địa phương quân Tân Hiệp chiếm lấy tuyến lộ, uy hiếp và tranh thủ đồn Kinh 7, Kinh 5, Kinh B. Một lúc sau, ta qua lộ có bắn súng báo động cho lính đồn và đơn vị biệt động Rạch Giá nhường đường cho ta qua, không đụng đầu va chạm nhau đổ máu.
Có một lần, linh mục nhà thờ Kinh 7 - nơi bà con có đạo thuần thành và làm ăn khá giả - muốn mời cán bộ Mặt trận huyện Tân Hiệp và Mặt trận tỉnh Kiên Giang vào mừng lễ Giáng sinh.
Bàn bạc mãi, các chú mới thống nhất kế hoạch, cử chú Tư đến dự với một Ðại đội vũ trang bảo vệ.
Ðầu tiên là cho trinh sát rà hai đầu tuyến lộ, vào tận nhà thờ Kinh 7. Ba lần cho trinh sát rà như vậy, thấy bình an, ta cho vỏ lãi chở hơn 20 cán bộ Mặt trận của ta với lễ vật thịnh soạn mừng Chúa Giáng sinh.
Linh mục Kinh 7 mừng vui vô kể, các linh mục nhà thờ bạn ở khắp nơi cũng mừng rỡ thấy cán bộ Mặt trận ta quá tử tế. Làm lễ trang nghiêm mấy giờ liền.
Bỗng bọn biệt kích ngoan cố tràn vô (có gián điệp thọc tin cho nó) nhưng ta có một Ðại đội chủ lực tỉnh và dân quân du kích địa phương phục quanh nhà thờ mà giặc không hay. Nó tràn vào. Ta dùng loa bảo chúng trở ra, đi về, nếu không Mặt trận không chịu trách nhiệm.
Giặc ngoan cố tràn vô. Anh Tư hỏi ý kiến các linh mục, tất cả hạ lệnh “Ðánh” và như vậy hỏa lực ta nổ vang bốn phía, diệt gọn một trung đội địch, thu hơn hai chục súng các loại.
(Còn tiếp)