Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười sáu
HƯỚNG VỀ BIÊN GIỚI
(Tiếp theo)
1. Trung tá Tỉnh trưởng An Xuyên Phạm Văn Út bị Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và Ðại tá Ðặng Văn Quang khiển trách “quý ngài không nhiệt tâm giúp đỡ Ðại úy Hứa của chúng ta”. Trong lúc chờ Hứa đến giải trình sự việc Việt cộng làm cách gì mà giải thoát cho ông già Chín, y lần hồi suy luận về nhiều việc đã diễn ra…
Về hoạt động “xuất quỷ nhập thần” của Việt cộng ở đồn Tắc Thủ, Trưởng ty chiêu hồi Cần Thơ (một tên Việt cộng từ Thành ủy Cần Thơ, giết đồng chí của ông ta rồi chạy vượt thoát ra đầu hàng “chính nghĩa Quốc gia” tại thị trấn Quản Long - Cà Mau) có nhận xét rằng:
- Tôi đã từng sống với Việt cộng, về phương diện trí tuệ và nghệ thuật đặc công, giả trang thì họ giỏi hơn Quốc gia nhiều. Tôi xin thưa với các ngài rằng nếu không có tay trong - tức lực lượng nội tuyến, không sử dụng phương tiện thông tin hiện đại (PRC25) thì họ không tài nào tổ chức nổi một cuộc vượt thoát cho ông già Chín phi thường như vậy.
Trung tá Út nghĩ:
- Cái thằng cha Sáu Khẩn chết bầm này, nói lung tung làm khó cho mình đây. “Nội tuyến, lại phải có máy PRC25”, vậy là ta thưa thớt để cho nội tuyến Việt cộng lộng hành à? Cái thằng đầu thú này “xạo” quá!
Trung tá Phạm Văn Út còn nhớ: cái hôm tên Việt cộng Sáu Khẩn từ ngọn sông Cái Tàu, vượt ngục ra Quản Long xin trình diện, thì ý của Út muốn thủ tiêu nó cho xong. Bởi tụi đầu hàng, đầu thú hay khai báo và chỉ điểm bắt bớ đồng chí của họ. Như vậy phải hành quân bao ráp, bắn phá và có khi phải đụng độ nhau bỏ mình không chừng. Cái thằng Khẩn này giết một thượng cấp của nó, bị cơ quan An ninh Khu - mà họ gọi “gánh Ba Hương” - “Năm Cổn” gì đó, bắt giải về căn cứ Khu IX điều tra. Ðêm đó y ta lấy mền kê bập dừa (như còn đang ngủ) còn y thì trốn xuống bờ sông Xã Thìn (ngọn Cái Tàu) nhờ ghe chạy cá chở ra Cà Mau đầu hàng…
Bây giờ, hắn làm Trưởng ty chiêu hồi tỉnh Cần Thơ, và góp ý kiến về vụ vượt thoát của ông già vận chuyển vũ khí bằng ghe hai đáy… thật là chẳng còn ra làm sao cả.
2. Tiếng bước chân ở phía hành lang cắt dòng suy nghĩ của Phạm Văn Út, vừa lúc tên Hứa đã xuất hiện ở cửa văn phòng Tiểu khu trưởng An Xuyên (Cà Mau). Hứa lo sợ, trang phục khá chỉnh tề, vào phòng tự ngồi ghế và chộp lấy bình trà rót đưa cho thượng cấp. Nhìn bộ vó tên “ác ôn”, lưu manh, nhiều vợ hơn bất cứ ai, Trung tá Út nghĩ ngợi, hèn chi có câu hát ví:
“Nước ròng chảy xuống Mương Ðiều
Sĩ quan thì được vợ nhiều hơn dân”.
Trung tá Út nhìn Hứa, từ từ hớp một ngụm trà, rồi hỏi tên Hứa:
- Ðại úy nói tóm tắt về sự việc xảy ra cho tôi nghe coi.
Phạm Văn Út ngó thẳng vào mặt Hứa. Hứa:
- Thưa Trung tá Tiểu khu trưởng. Nhờ nguồn tin từ tướng Ðặng Văn Quang - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật, tôi mới bố trí cẩn mật, bắt được già Chín Chuột dễ dàng. Nhưng chưa kịp khai thác đường dây Việt cộng dùng ghe hai đáy loại nhỏ chở hàng quân sự đi vào tận chiến khu Sào Lưới, Ðá Bạc, công binh xưởng của Ba Lò Rèn… thì có ai đó tổ chức giải thoát cho ông ta, chiếc ghe chưa kịp nghiên cứu thì bọn họ đã “tráo chác” lấy lại.
- Tráo chác cái gì về chiếc ghe?
- Dạ thưa Trung tá, bọn nào đó lấy một chiếc ghe dân gần đấy, đem đậu gần chiếc ghe ông già Chín, rồi khéo léo xuống ghe ông già Chín… chèo, hoặc chạy máy đi mất.
- Giờ ta còn chiếc ghe của dân?
- Dạ cũng không, vì dân họ đem thuyền sách, giấy tờ hộ tịch đàng hoàng với tờ cớ mất ghe, vậy là ta trả cho dân, thưa Trung tá.
- Vậy được! Nhưng còn con nhỏ bồ của Ðại úy là ai?
- Thưa Trung tá, nó nhận là em vợ xa xa của tôi, hứa với tôi “làm bạn”. Nhưng đêm đó, khi tôi quá chén, cô ta tráo người khác vào phòng, đó là cô y tá của đồn Tắc Thủ, còn cô đi với đám thủy quân lục chiến hay đi theo mấy cô gái đến lấy ghe hai đáy của ông Chín chèo đi rồi, tôi không sao hiểu nổi.
- Vậy theo Ðại úy, cô đó là ai?
- Dạ, theo tôi, cô gái đó là Việt cộng, sĩ quan tình báo của Ðoàn 195 Cục Hậu cần Quân khu IX.
- Anh tự xét về anh thế nào?
- Dạ, có lỗi.
- Trung tướng Tư lệnh vùng hạ chức, giáng chức anh xuống một cấp. Từ đây anh còn là Trung úy, đây giấy tờ quyết định, đọc đi…
Hứa đọc một hồi, ngẩng lên nhìn Út:
- Trung tá nghĩ thế nào về tôi?
- Khó nói cho gọn về anh lắm, nhưng nói chung anh thuộc về cái ác, mà kẻ đồng phạm cũng không tin anh được… Còn vũ nữ Cẩm Nhung?
- Dạ, Cẩm Nhung là “bồ” của Trung tướng, đưa đoàn ca vũ nhạc xuống Tắc Thủ để dò la mọi thứ ở đây.
- Trung úy giỏi lắm. Từ Việt minh, Cộng sản mà ra, giỏi thật. Chúng tôi muốn hiểu sự thật về con người của anh cần phải nhiều thời gian nghiên cứu!
Trung tá Út dằn mạnh cái cốc xuống bàn để trút cơn giận của mình tự nãy giờ mà cố kềm chế, Hứa bị tiếng của chiếc cốc khua mạnh làm giật mình đánh thót. Y bây giờ như con cua bị gãy càng.
3. Năm đứa nhỏ trốn gia đình, tìm đơn vị thanh niên xung phong rơi vào cảnh bơ vơ. Chúng có phương tiện là chiếc xuồng be tám do ông bà Chín cho mượn, và có mấy trăm đồng bạc dành dụm mang theo. Chiều hôm qua xuất mua bánh, cơm, mì cua; nhưng chú thím Mười Bình Bát chỉ cho các cháu chứ không lấy tiền. Ngoài thức ăn, nước uống chú thím Mười còn cho các cháu kem và bàn chải đánh răng, chú thím cầu chúc các cháu lên đường may mắn, mau gặp đơn vị.
Các cháu tìm đường về kinh Sáu La Cua. Năm chị em bơi mãi, bơi mãi vào vàm kinh Sáu và mò mẫm qua kinh La Cua, qua đập La Cua, không có việc gì xảy ra. Ðó rồi theo kinh Sáu đi miết, đi miết lên Kinh 14.
Các cháu nghỉ tay mua gạo nấu cơm ăn thì mới hay gánh chú Sáu Thiện và Ðại đội Nguyễn Việt Khái II vừa ở đây, chiều hôm qua mới đi. Cái đầm sen mà các bạn hôm qua bị đỉa cắn la làng, hôm nay sen lại trổ trắng đẹp tinh khiết.
Chú Sáu Thiện là cán bộ Khu đoàn (người thay chú Sáu Thuận chìm mất trên đoạn sông Cái Tàu) dẫn đoàn thanh niên xung phong đầu tiên lên biên giới.
(Còn tiếp)