11/02/2022 - 22:12

1C - con đường huyền thoại

► Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương mười bốn

JOHNSON “MỸ HÓA” CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

2. Phía Mỹ, hội nghị nầy có ngài Tổng Thống Johnson, có Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara, Trợ lý Quốc phòng Mc.Naughton, Cố vấn trưởng đối ngoại Mc. George Bundy… nhiều bộ trưởng và tướng tá khác, trong đó có các Tướng W. Westmoreland, Maxwell Taylor, Ðô đốc Grant Sharp và các Ðại sứ Henry Cabot Lodge, Averell Harriman…

Trong phòng họp sang trọng giữa biển Ðông, Hội nghị thượng đỉnh Việt - Mỹ diễn ra đầy lừa gạt và mưu toan bằng “phản ứng linh hoạt” tức là “Mỹ hóa cuộc chiến tranh xâm lược” của Mỹ ở Nam Việt Nam. Bởi lâu nay, vũ khí, phương tiện chiến tranh, chi phí chiến tranh của Mỹ đổ vào Nam Việt Nam một khối lượng khổng lồ, vẫn không thắng Việt cộng và Bắc Việt - do ngụy Sài Gòn quá dở. Nhân dân Mỹ chán ghét bè lũ chúng, lên án cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Chánh phủ họ gây ra ở Việt Nam. Giờ phải leo thang đổ quân Mỹ cùng quân chư hầu như đổ dầu vào ngọn lửa đang bùng cháy ở Nam Việt Nam để cứu vãn tình thế. Phải họp thượng đỉnh Việt - Mỹ ở Honolulu, để Mỹ thuyết giảng cho Ðồng minh và ngụy Sài Gòn về ý nghĩa vì sao phải “Mỹ hóa cuộc chiến tranh”. Ðưa quân Mỹ vào Nam Việt Nam. Những nguyên thủ quốc gia Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ăn mặc bình thường theo thể thức ngoại giao nội bộ, bởi phía đối tác của quý vị không ai khác hơn là Thiệu Kỳ… đã nhẵn mặt nhau với bao nhiêu cuộc tranh cãi và thu xếp bằng nhiều kiểu cách cho “đàn ngựa con háu đá” vâng lời.

Nguyễn Chánh Thi tuy cùng một chủ, nhưng khác hơn Thiệu Kỳ và đôi lúc tách khỏi Thiệu Kỳ, ủng hộ quân ly khai ở Ðà Nẵng, Huế và hậu thuẫn gần xa cho phong trào Phật giáo chống cường quyền. Lần này nghe “mời” đi, Thi biết rõ là đến Honolulu để nhận mệnh lệnh “Mỹ hóa” về cuộc chiến tranh - con đường giải khát bằng thuốc độc không tránh khỏi của Mỹ, nên Thi không thèm đi, coi ai làm gì.

*

*       *

Bộ phận tiếp tân Mỹ tiếp phái đoàn Việt Nam Cộng hòa trong một căn phòng sang trọng. Chủ khách sau khi bắt tay tỏ tình hữu nghị, Nguyễn Cao Kỳ đứng ra đọc vội vã bài diễn văn soạn trên máy bay:

Thưa Tổng thống Hoa Kỳ kính mến!

Tôi xin đại diện cho Việt Nam Cộng hòa, xin gởi lời chào đến các chiến hữu Mỹ. Việt Nam Cộng hòa luôn là người bạn trung thành và là một cánh tay đắc lực của Ðồng minh Mỹ tại Việt Nam… Bao nhiêu thăng trầm được - mất, chúng ta từng có nhau. Nay  về Honolulu mưu tính oanh kích miền Bắc, cặp tàu đổ bộ nửa triệu chiến binh tinh nhuệ lên miền Nam. Ðó là cách chống Cộng hữu hiệu.

Thưa Tổng thống đắc cử kính mến,

Kính thưa các vị tướng soái nói chung “guồng máy chiến tranh hùng cường của Hoa Kỳ” và thưa Hội nghị thượng đỉnh Honolulu! Chúng ta phải “Hợp chủng quốc”, để làm cho Cụ Hồ Chí Minh, và Tướng Nguyễn Chí Thanh phải suy gẫm chúng ta về nhiều phương diện!

Xin cảm ơn, cảm ơn!

Kỳ vừa dứt lời, Johnson đứng dậy đến bắt tay Kỳ:

- Thật hay, Thủ tướng đã nói giống như một người Mỹ thực thụ.

Kỳ lu loa:

- Tôi rất thích Ngài, Ngài Johnson kính mến ạ! Tôi, ngay từ đầu đã “ý hợp tâm đầu với Ngài”! Bài diễn văn tôi tự soạn và đọc cũng là để cho Ngài thưởng thức…

Cả Hội nghị cười hì hì và lắc đầu, bĩu môi khinh thường.

Còn Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Hữu Có ngồi hai bên Nguyễn Cao Kỳ (đối diện Johnson) tỏ rõ sự thụ động nhục nhã bằng cách gật đầu, vỗ tay hoặc cười vui giả vờ.

3. Tại Hội nghị thượng đỉnh Honolulu, một bữa cơm trưa kỳ thú được bày biện. Johnson tỏ ra cưng chiều Nguyễn Cao Kỳ, khiến cho tờ báo “Ðiểm tin Honolulu” hơi ngạc nhiên. Nhưng đây chỉ là mẹo vặt của sự khích tướng, làm cho ngụy Sài Gòn gây cấn nhau để tất cả cúi đầu vâng lệnh Mỹ. Johnson vỗ vai Kỳ và nói:

- Chúng ta sẽ còn đàm đạo nhiều việc với nhau, không ngoài việc đánh phá miền Bắc trở về thời đồ đá và ào ạt đổ quân lên miền Nam, ngài Thủ tướng ạ.

- Tôi sẽ đáp lại ý muốn của Ngài, thưa Tổng thống.

Cuộc “đàm đạo” đầy kịch tính trước mặt Nguyễn Văn Thiệu khiến cho Quốc trưởng phải chịu cảnh bẽ mặt, chỉ biết ngó lên trần nhà cho đỡ thẹn. Thiệu tỏ vẻ bực bội cộng chút e dè Thủ tướng Kỳ - cũng là người bạn đồng hành đến gặp vị chủ soái về các cuộc chiến tranh xâm lược, mà nay chịu cảnh trớ trêu.

Và sau đó là tiệc chiêu đãi, đêm cuối của Hội nghị, Johnson cụng ly vài lần với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Westmoreland. Johnson:

- Cạn ly, chúng ta chúc mừng sự thành công về chiến lược mới của Hoa Kỳ. Chính chúng ta, những người ở đây làm cho đối phương và đồng minh của họ khó khăn tột độ. Cạn ly, vì 50 vạn quân tinh nhuệ sẽ giẫm nát những cánh rừng nhiệt đới!

Ðó là lần chạm cốc cuối cùng của bữa tiệc. Tất cả đứng dậy ra về. Lúc nhường nhau ra cửa, Johnson nói nhỏ với Kỳ:

- Mời Thủ tướng đến phòng nghỉ của tôi vài phút.

- Rất hân hạnh được Ngài mời!

Cả hai đến căn phòng riêng của Johnson, Tổng thống cẩn thận đóng cửa lại khóa chốt. Sau khi mời Kỳ an vị, Johnson nói:

- Nếu Thủ tướng không thấy trở ngại thì Phó tổng thống Mỹ Humphrey cùng đi với ngài về Việt Nam. Ta chuẩn bị chu đáo cho hơn 50 vạn quân đổ bộ - đất bằng dậy sóng, chấn động hoàn cầu. Người Mỹ vốn chu đáo, Thủ tướng biết rõ chúng tôi!

- Thưa Tổng thống, hiện Phó tổng thống Humphrey không có đây.

- Ðúng vậy, nhưng tôi điện về Mỹ cho ông ta đến ngay Honolulu để kịp giờ xuất phát của Thủ tướng. Hai ngài sẽ “đẹp đôi” trước bao nhiêu ống kính truyền hình!

- Tôi rất mong đợi điều kỳ diệu ấy sẽ diễn ra.

- Humphrey sẽ có mặt trước khi máy bay của Thủ tướng cất cánh. Thế nhé!

Kỳ đứng lên chào tạm biệt Tổng thống Johnson. Tổng thống đưa Kỳ đến tận cửa.

*

*        *

Tại sân bay Honolulu, Humphrey và Kỳ xuất hiện vẫy chào “bè bạn” ở cầu thang máy bay trước mắt công chúng. Ðó là một cách khoa trương sự “hợp tác Việt Mỹ” để leo thang chiến tranh - từ “Chiến tranh đặc biệt” đến “Chiến tranh cục bộ”. Johnson muốn lấy hình ảnh này tỏ rõ cho công chúng Mỹ và Sài Gòn biết rằng, chính quyền Mỹ và nội các chiến tranh tay sai - ngụy Sài Gòn, đang “một lòng” với nhau. Các chính sách Hoa Kỳ đã đi một chiêu bài siêu việt!

Tớ thầy đóng xong màn kịch về Hội nghị thượng đỉnh, trò ảo thuật.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết