* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười bốn
JOHNSON “MỸ HÓA” CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
Ngày 6-4-1965, CIA thông báo cho Tổng thống Johnson là Hà Nội chuyển 1 tiểu đoàn quân Bắc Việt vào cao nguyên miền Trung và đưa nhiều đơn vị chánh quy tiến gần Đà Nẵng. Các Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã đáp lại diễn biến này bằng cách thêm 2 lữ đoàn nữa (khoảng 8.000 quân) đối phó với quân Bắc Việt. Và cứ thế quân số Mỹ tăng lên để đối phó.
Sáng hôm sau, ngày 10-6 chúng tôi họp trong phòng Bầu Dục, thấy rằng: Nam Việt Nam tỏ ra suy sụp nhanh chóng, mà phương thuốc duy nhất là sự nhảy vào ồ ạt của quân Mỹ. “Chúng ta đang ở trong một mớ bòng bong”, tôi nói với mọi người. Nhưng cũng giống như họ, tôi không biết làm sao thoát ra được. Nhân dân Mỹ cảm thấy chúng tôi bưng bít tin tức. Tôi cũng nghĩ như vậy. Từ lâu chúng tôi đã lẩn tránh dư luận. Tổng thống đã chỉ thị phải hỏi Westmoreland Mỹ tăng quân ồ ạt thì Việt cộng và Bắc Việt Nam sẽ đáp lại như thế nào; Mỹ sẽ phải chịu con số thương vong cao đến đâu; sẽ có những hành động trả đũa nào đối với Mỹ và khi nào thì điều đó xảy ra. Tổng thống hỏi tôi: “Ông có cho là đề nghị của Westmoreland tăng quân ồ ạt mãi không, cho đến con số nào thì ông ta mới chấm dứt?”. Tổng thống hỏi Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Ngoại giao có thể đem lại cho ông hy vọng gì ngoài việc cầu nguyện và cố gắng cầm cự được trong suốt mùa mưa và hy vọng rằng Cộng sản sẽ từ bỏ mục tiêu của họ là “Giải phóng miền Nam”. Và tôi không tin là có lúc nào đó họ sẽ từ bỏ, vì thế Mỹ phải ào ạt tăng quân. Tổng thống cảm thấy đau đớn. Tôi cảm nhận được điều đó, và những người khác cũng cảm thấy như vậy. Henry Graff, một nhà sử học của trường Đại học tổng hợp Columbia, người đã phỏng vấn Johnson: “Nếu Tổng thống của tôi nói với tôi rằng những đứa con của tôi phải sang Việt Nam trong một đại đội lính thủy đánh bộ… và có thể sẽ chết. Thì tôi chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ này của Tổng thống. Chúng ta không thể thắng ở Nam Việt Nam, vì sau lưng Tổng thống không có nhân dân Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Mansfield (người chống lại việc tăng thêm quân) và Thượng nghị sĩ Dirksen (người ủng hộ việc tăng thêm quân). Cả hai đều thuyết phục Tổng thống không nên đưa vấn đề tăng quân ra trước Quốc hội, vì cả hai đều lo ngại rằng nó sẽ làm chia rẽ nước Mỹ.
Cũng như vậy, nhiệm kỳ Tổng thống Johnson được phán xét phần lớn là vấn đề Việt Nam. Tôi cho rằng lịch sử sẽ ghi nhận chúng trong các thành tựu về chánh trị to lớn nhất của thế kỷ này. Và tầm nhìn sâu rộng của Lyndon Johnson về tương lai của chúng ta (Mỹ) chương trình xã hội vĩ đại - vẫn mãi mãi là mục tiêu để phấn đấu. Phải đau buồn nhận rằng chiến tranh Việt Nam đã đẩy lùi mục tiêu xa dần đi, dù nó vẫn được thực hiện kể từ 30 năm trôi qua.
Tôi gặp Westy ở Sài Gòn vào ngày 16-17/7/1965, làm tăng thêm những lo ngại và nghi ngờ xấu nhất của tôi, bấy giờ quân Mỹ đã vượt con số 275.000, và chưa có chiều hướng dừng lại. Tôi kết luận:
1- Việt cộng và Bắc Việt Nam có thể huy động thêm rất nhiều quân so với hiện nay. Chúng ta, vì vậy, cần phải sẵn sàng tăng cường sức mạnh của mình.
2- Việt cộng không hề nhận được nhiều viện trợ trong quá khứ và hiện tại. Và, tôi không nghĩ rằng, họ sẽ được viện trợ nhiều trong tương lai.
3- Vì Việt cộng không được cấp nhiều viện trợ như vậy nên những cuộc tiến công bằng không quân sẽ không đem lại tác dụng phá hoại đối với ngành hậu cần của Việt cộng. Tôi không nói rằng chúng ta phải chấm dứt các cuộc công kích. Tuy vậy, tôi nói rằng chúng ta cần phải có thêm nhiều quân lính ở miền Nam để đối phó một cách có hiệu quả với vấn đề này trên mặt đất.
Tôi yêu cầu Hội đồng các Tham mưu trưởng Liên quân nghiên cứu các vấn đề chiến lược và chiến thuật quân sự và đánh giá về sự đảm bảo thắng lợi của quân Mỹ ở Nam Việt Nam trong trường hợp chúng ta làm tất cả những gì có thể làm. Bus Wheeler yêu cầu Andy Goodpaster làm việc này. Ông ta đã sử dụng một nhóm nghiên cứu và cho ra đời một bản báo cáo dầy 128 trang mà tôi nhận được vào ngày tôi bay đi Sài Gòn. Bản báo cáo khuyến cáo là Mỹ khó thắng Việt cộng và Bắc Việt Nam. Đó là điểm then chốt còn chưa rõ ràng của vấn đề. Westy và Bộ Tổng tham mưu cho rằng quân Việt cộng và Bắc Việt Nam sẽ bước vào cái mà Bộ trưởng Quốc phòng của Hà Nội, ông Võ Nguyên Giáp gọi là “giai đoạn 3”, các hoạt động ở quy mô lớn mà chúng ta có thể đối phó và tiêu diệt bằng chiến thuật quân sự thông thường (hoạt động “tìm và diệt”). Còn một giả thiết khác có tính tuyệt đối hơn: Nếu quân Việt cộng và Bắc Việt Nam không bước vào giai đoạn 3, Mỹ và quân Nam Việt Nam có thể phát động các cuộc phản công chống du kích có hiệu quả. Xét lại vấn đề, tôi thấy đã sai lầm rõ ràng khi không buộc phải có - lúc đó hay về sau này, cả ở Sài Gòn và Washington - một cuộc thảo luận phân rõ thắng bại về những đánh giá lỏng lẻo, hời hợt, những câu hỏi không được trả lời và những phân tích đơn giản về chiến lược quân sự của chúng ta ở Việt Nam. Tôi đã 20 năm làm việc trên cương vị một người quản lý. Tôi không biết rằng tại sao tôi đã không làm được điều đó để chấm dứt chiến tranh ở Nam Việt Nam. Ngày 21-7 từ Sài Gòn về Washington, tôi đệ trình lên Tổng thống bản báo cáo: Tình hình Nam Việt Nam xấu hơn trước, nhịp độ cuộc chiến đã nhanh dần. Việt cộng đang đẩy mạnh các hoạt động để chia cắt đất nước và đánh tan quân đội Nam Việt Nam. Nếu không có sự giúp đỡ thêm nữa từ bên ngoài, quân đội Nam Việt Nam sẽ thất bại về chiến thuật liên tiếp, mất những con đường huyết mạch và các trung tâm dân cư, đặc biệt là ở các vùng cao, sự tiêu tan dần các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa… và mất lòng tin của dân chúng.
Không còn đường nào khác, Tổng thống thông qua kế hoạch mở rộng cuộc chiến vào ngày 27-7 và thông báo quyết định của mình cho nhân dân Mỹ trong bài phát biểu vào buổi trưa ngày 28-7. Tổng thống hiểu rõ tầm quan trọng của quyết định mà ông đưa ra - và cái giá mà ông có thể phải trả. Ông cảm thấy đau đớn bị kẹp giữa hai sự lựa chọn cay đắng - sự lẩn tránh mối nguy hiểm gấp đôi và sự thất bại trong các chương trình xã hội của ông.
Chúng ta (Mỹ) đang chìm xuống vũng lầy.
------------
(Lược trích sách tham khảo NHÌN LẠI QUÁ KHỨ - TẤN THẢM KỊCH VÀ NHỮNG BÀI HỌC VỀ VIỆT NAM của Robert S. Mc NAMARA, NXB CHÍNH TRỊ QUỐC GIA.1995)
(Còn tiếp)