* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười bốn
JOHNSON “MỸ HÓA” CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM
(Tiếp theo)
Johnson - Tổng thống Mỹ, triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Việt - Mỹ tại Honolulu để “hiểu lại” tình hình
Nam Việt Nam, mà phía Sài Gòn chỉ được báo trước có 2 ngày. Ðó là ngày 6-2-1966. Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ không soạn kịp diễn văn, phải vừa bay vừa phác thảo mấy ý trên máy bay. Trước khi lên đường, phía Mỹ bắt buộc phía Việt Nam Cộng hòa phải có mặt một Tư lệnh quân đoàn, đại diện cho 4 quân đoàn - 4 vùng chiến thuật Nam Việt Nam.
Sài Gòn chọn Nguyễn Chánh Thi, Kỳ điện ra Ðà Nẵng bảo Thi phải đi họp “Thượng đỉnh”.
1. Tại văn phòng của Tướng Thi ở Ðà Nẵng, ông ta đang ngồi, trước mặt là chồng tài liệu, Tướng Thi tay cầm 1 xấp đơn từ thưa kiện buôn lậu nha phiến và mưu toan lật đổ, vừa đọc vừa tỏ vẻ bực bội. Bỗng tiếng điện thoại vang lên. Tướng Thi đặt xấp tài liệu xuống, với lấy chiếc điện thoại ở góc bàn làm việc.
- A lô… Tôi nghe.
- Ông Thi đó hả? Tôi, Nguyễn Cao Kỳ đây.
- Có gì không Thủ tướng?
- Chính phủ phân công ông cùng đi với chúng tôi họp Hội nghị thượng đỉnh Honolulu.
- Bao giờ?
- Ngày kia là chúng ta lên đường.
Nét khó chịu của Tướng Thi hiện rõ lên mặt.
- Hộc tốc vậy, làm sao tôi chuẩn bị kịp?
- Không kịp cũng phải đi, tôi có hơn gì ông đâu, mới nhận lệnh là tôi gọi ông ngay. Mình là lính mà, nhanh nhẹn là tác phong của nhà binh. Vậy nhé, chào...
Thi nổi giận chửi đổng:
- Trịch thượng, mời đi họp không báo trước, khiếm nhã! Không đi coi ai làm gì ta! Ăn giỗ người ta còn báo trước, huống hồ chiến tranh!
Dằn mạnh ống nghe vào máy, Thi vẫn còn chửi lầm thầm.
Như vậy đoàn tướng lĩnh Sài Gòn không có Thi.
* * *
Vì sao Mỹ phải “leo thang chiến tranh” - giải khát bằng thuốc độc?
Ðể hiểu rõ thời điểm lịch sử nầy, ta xem hồi ký của Robert S.Mc Namara - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ:
“Chiến tranh tự tạo đà cho chính nó và tuân theo quy luật, nhưng hậu quả không được lường trước”. Việt Nam đã chứng tỏ không phải là trường hợp ngoại lệ. Việc Tổng thống Johnson ra lệnh mở chiến dịch “Sấm rền” không những chỉ bắt đầu một cuộc kháng chiến, mà còn bất ngờ khơi mào việc đưa quân đội Mỹ vào tham chiến trên bộ. Chiến dịch “Sấm rền” kéo dài trong 3 năm và khối lượng bom thả ở Việt Nam đã lớn hơn khối lượng bom thả xuống toàn châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tất cả chúng tôi đáng lẽ phải lường trước nhu cầu đưa quân trên bộ tham chiến ngay từ khi chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên bay tới Nam Việt Nam - nhưng chúng tôi đã không làm điều đó. Vấn đề không phải ở việc cố đánh lừa, mà là ở chỗ không tiên đoán ảnh hưởng của những hành động của chúng tôi. Nếu chúng tôi làm như vậy, thì chúng tôi cũng đã có thể hành động theo cách khác đi. Trong lúc Mỹ gia tăng việc chuẩn bị oanh tạc bằng không quân vào tháng 2-1965, Westy đã tìm kiếm thêm lực lượng trên bộ để bảo vệ các căn cứ không quân, nơi xuất phát các cuộc oanh tạc. Ông ta bắt đầu đề nghị đưa 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đến Ðà Nẵng. Sau này, Westy cũng đã nói rằng ông đã chống lại việc ném bom kéo dài trước khi đưa Lục quân Mỹ vào Nam Việt Nam. Ngày 15-3-1965, Tổng thống và các Tham mưu trưởng quân lực Mỹ họp tại Nhà Trắng xem xét bản báo cáo, ước tính 500.000 lính Mỹ đưa sang Nam Việt Nam thì phải mất 5 năm mới có thể giành chiến thắng. Ước tính này đã làm tất cả sửng sốt.
Cũng thời gian này Mục sư Martin Luther King và các môn đệ của mình đã tiến hành một cuộc biểu tình khổng lồ đòi quyền sống của người da đen, chống bạo lực phân biệt chủng tộc và chống chiến tranh Việt Nam. Từ ngày 21 đến 24-3-1965 quân đội Liên bang và cảnh sát Mỹ đứng xếp dọc đường để hạn chế nhiều hành động bạo lực, mặc dầu một người tham gia tuần hành, chị Viola Liuzzo, đã bị bắn chết trên xe hơi. Lầu Năm Góc mệt mỏi, vì trong số người tuần hành có cả Margy - con gái tôi tham dự trong 33 giờ liền. Tôi báo điều này với Tổng thống, vì tôi biết Tổng thống yêu quý cháu Margy, nên Tổng thống đau đớn biết dường nào khi nghe cháu tham dự biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Những chia rẽ quanh vấn đề Việt Nam vẫn sâu sắc. Những chia rẽ này được phân ra nhiều loại. Một số người ủng hộ ném bom miền Bắc. Một số khác cho rằng cần phải có chiến thắng ở miền Nam - Tuy vậy, vẫn có một số tin rằng Mỹ không thể chiến thắng ở miền Nam và do đó, nước Mỹ phải theo đuổi đàm phán. Ngày 17-3, Westmoreland đã yêu cầu thêm 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ để đảm bảo an toàn cho căn cứ Ðà Nẵng. Ngày 19-3, Oley Sharp đòi thêm 1 tiểu đoàn nữa và cứ thế những tướng lĩnh Mỹ cứ đòi tăng quân cho đến con số hơn nửa triệu người mà chúng tôi không tiết chế được. Việc Tổng thống Mỹ chấp thuận tăng thêm quân Mỹ ở miền Nam đã làm cho Hội đồng an ninh quốc gia thúc giục mở rộng chương trình ném bom miền Bắc để buộc Hà Nội thay đổi chính sách của họ. Chỉ trừ một hai người trong số các Tham mưu trưởng Liên quân là không đồng ý vì cho rằng quân đội Nam Việt Nam quá yếu kém và không thích hợp với yêu cầu chiến thắng đối phương.
Ðầu tháng 4, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Uthant đã đề xuất một cuộc ngừng bắn dọc chiến tuyến giữa Bắc và Nam Việt Nam, và 17 quốc gia không liên kết kêu gọi đàm phán “không có các điều kiện kiên quyết”. Ngày 7-4, trong một bài phát biểu quan trọng tại trường Ðại học Johns Hopkins, Tổng thống Johnson đã bác bỏ ý kiến đầu nhưng đáp lại đề xuất sau. Tổng thống nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bị thất bại. Chúng ta sẽ không trở nên mệt mỏi. Chúng ta sẽ không rút lui hoặc công khai hoặc dưới bóng của một thỏa thuận vô nghĩa… Và chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn lâu dài”. Ðể tìm cách dụ Việt cộng và Bắc Việt Nam vào một thỏa thuận, sau đó Tổng thống đã vạch ra một kế hoạch phát triển 1 tỉ đô-la cho Ðông Nam Á mà theo lời ông ta thì “Trong tầm của một nỗ lực hợp tác và kiên quyết”.
Ngay lập tức, Hà Nội lên án bài phát biểu và đưa ra công thức hòa bình “Bốn điểm” làm cơ sở cho việc hòa giải trong suốt cuộc xung đột. Hà Nội đề nghị Mỹ công nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, kể cả quyền sống không có quân đội nước ngoài, hai miền Nam Bắc Việt Nam không liên minh quân sự với nước ngoài, để chờ thống nhất do hai miền thực hiện. Tất cả những điều này chúng tôi đều có thể chấp nhận được nhưng vấn đề là Nam Việt Nam. Chấp nhận điểm này tức là chấp nhận quyền kiểm soát Nam Việt Nam của Cộng sản.
Trong khi đó, các Tham mưu trưởng Liên quân, CINCPAC, Westmoreland và tôi, tất cả vẫn giải quyết các sự vụ trên cơ sở từng ngày, mà lẽ ra tôi, với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng một chiến lược quân sự và một kế hoạch lâu dài cho cơ cấu quân lực cần thiết để triển khai.
(Còn tiếp)