08/02/2022 - 15:43

1C- con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương mười ba
ĐOÀN 195 VÀ THANH NIÊN XUNG PHONG HỌP LIÊN TỊCH

(Tiếp theo)

3. Ban chỉ huy 195 nhộn nhịp hơn thường ngày, chú Tư Khánh chỉ đạo cho các chú Hậu cần lo sao cho có một bữa cơm ngon để đãi khách quý:

- Bữa nay cơ quan mình có khách, các đồng chí dỡ lờ, thăm bẫy đồ coi. Ta đãi gánh Năm Ðoàn, Út Nhì một trận!

Chú Tư Mau nhắc:

- Anh Tư nói nhỏ một chút!

- Ờ quên ha. Tôi ở bên “bạn”, nói lớn quen.

Chú Bảy Lúa cuốn mùng, xếp để vào góc gác gọn gàng. Tiến lại bơm rề xô, bắt ấm nước lên, tiếng rề xo “khè khè” vui vẻ. Chú Sáu Ðặc đem võng ra hai cây đào trước sân, cột vào hai thân cây nhanh nhẹn.

Tuổi bốn mươi, các chú là cựu chiến binh một thời đánh Pháp xâm lược, tự hào về thành tích và quá khứ của mình. Dáng vóc mấy chú vừa phải, riêng chú Tư Khánh cao lớn người, càm vuông, võ tướng, nghề võ bậc thầy.

Chú Sáu Ðặc ít nói, làm lui cui tối ngày, khi rảnh thì đọc chủ trương đường lối. Chú vừa chắp nối với cô Bảy Lê - Khu ủy viên, Trưởng Ban Phụ vận Khu Tây Nam bộ. Tiền nhiệm cô Bảy là cô Hai Ðược (cũng gọi là cô Năm Ðược). Hai cô cùng cô Bảy Huệ là chiến sĩ Nam kỳ tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1940, từng bị thực dân Pháp bắt tra tấn lưu đày nhiều nơi… Chú Sáu Ðặc cảm phục và đeo đuổi cô Bảy (sau khi dượng Bảy là chú Trương Chính - cán bộ của Xứ đoàn TNCQ Nam Bộ, bị Lâm Quang Phòng thảm sát ở khu rừng tràm Bang Biện Phú). Cô Bảy định ở vậy công tác trả thù cho chồng. Nhưng những năm đầu thập kỷ sáu mươi, chú Sáu Ðặc xuất hiện… Cuối cùng cô Bảy và chú Sáu thành vợ chồng… Lên miền biên giới hoang dã này, treo võng lắc lư, chú Sáu nhớ cô Bảy Lê, chú nhớ về khu căn cứ giữa cánh rừng sầm uất, khác hơn khu vườn chuối An Ninh này nhiều. Ở đây cái gì cũng thấp tè dưới nước, chỉ có con người là cao lớn. Và ở dưới rừng đước, cô Bảy nhớ chú Sáu.

4. Ðoàn 195 đang chuẩn bị tiếp khách, thì bóng chiếc xuồng mõ chở hai vị khách của Ban Chỉ huy Thanh niên xung phong tới, tiếng của chú Tư Khánh lại vang lên:

- Kìa, kìa gánh Năm Ðoàn, Út Nhì đã tới kìa!

Chú Tư Mau chưa kịp nhắc nhở chú Tư Khánh vì tật nói to, thì chú Tư Khánh vội bước ra mé bờ, nơi xuồng khách vừa cập bến. Chờ cho đồng chí vệ sĩ cắm sào nạng xong chú Tư Khánh chìa tay:

- Bắt tay cái đi đồng chí trẻ!

Bàn tay chú Tư Nguyễn Hùng Khánh to sù, ngón tay hộ pháp, bắt tay ai siết mạnh. Cô Út bị chú Tư siết bàn tay mảnh mai bé nhỏ một cái rất đau:

- Ui, ui da, đau quá anh Tư!

Chú Tư Khánh cười khà khà. Còn chú Năm Ðoàn biết rõ phong cách chú Tư Khánh nên gồng tay siết mạnh hơn, Tư Khánh khen:

- Cha, còn mạnh dữ ha. Vậy mới chịu nổi cái xứ khắc nghiệt này!

Cô Út và chú Năm Ðoàn bước vào văn phòng, đập mạnh vào mắt cô chú là chiếc máy PRC25 của Quân khu ủy mới cho. Ðồng chí “mã thám” đang rà sóng rột rẹt “Ðại bàng đây! Ðại bàng đây! Chim én đâu, chim én đâu nghe rõ không trả lời”. Cứ thế máy thông tin eo éo tối ngày sáng đêm.

Thấy hai người vẻ chăm chú vào chiếc máy, chú Bảy Lúa liền giải thích lai lịch chiếc máy thông tin quân sự PRC25:

- Chiến lợi phẩm của trận ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Ðầm Dơi, Cái Nước, Chà Là đó!

Chú Sáu Ðặc lui cui bưng trà “nghi mùi nhâm” chánh hiệu Tàu Buồm ra mời khách:

- Mời các đồng chí dùng trà Tàu đi!

Chú Bảy Lúa trân trọng bưng hai tách trà đưa tận tay cô Út và chú Năm Ðoàn rồi nói:

- Nghe điện văn phòng Khu ủy (chỗ Năm Nam) báo hai đồng chí lên, đang làm việc tại Cái Nứa. Tôi và các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở đây chờ. Ta sẽ thảo luận để thống nhất với nhau về nguyên tắc và phân công nhau bám chặt địa bàn lợi hại này.

Họ uống trà giữa hoang cảnh bao la.

5. Cuộc họp liên tịch bắt đầu!

Chú Bảy Lúa mặc quân phục, áo hai túi, có cầu vai, dáng vẻ nghiêm chỉnh. Chú Tư Khánh, chú Sáu Ðặc, chú Tư Mau vẫn mặc đồ dân chánh nhưng đều gài nút cổ cẩn thận.

Gian phòng làm việc giống lòng tàu, thấp mà rộng, dài, gọn gàng, ngăn nắp. Nền đất nện láng để không bị rắn rít làm hang. Những chậu hoa rừng ngộ nghĩnh, chưa biết tên, được đặt trên chiếc bàn dã chiến khoe vẻ đẹp hoang vu của biên thùy. Cờ búa liềm, cờ nước treo cao tận trần cao su. Ảnh Bác sáng rực, hai bên hội trường là hai khẩu hiệu nhỏ: “Ðoàn 195 - Cục Hậu cần Quân khu IX và Liên đội I - Khu Ðoàn TNCS là một nhà, ra sức cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự tuyến đường 1C”. “Ðịa bàn biên giới từ nay là công sự, là trận địa, là quê hương, là gia đình của tất cả chúng ta: chiến sĩ Ðoàn 195 và thanh niên xung phong miền Tây Nam bộ - thề  quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; đưa hàng kịp thời điểm, đảm bảo chiến đấu…”.

Chú Tư Mau - Phan Văn Nhờ, Ðoàn trưởng Ðoàn 195 giới thiệu đại biểu, tuyên bố lý do:

- Xin giới thiệu các đồng chí, cuộc họp quan trọng này có mặt đồng chí Thiếu tá Trương Tấn Lộc, Chánh ủy Ðoàn 195 - thuộc Cục hậu cần Quân khu IX. Tôi, Phan Văn Nhờ, đồng chí Sáu Ðặc, đồng chí Tư Khánh cán bộ vận chuyển hàng quân sự đặc biệt của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu. Một bên hợp tác dài hạn là đồng chí Trịnh Ngọc Châu, đồng chí Bùi Tấn Sĩ, cán bộ Khu Ðoàn TNCS, Chánh ủy và Liên Ðội trưởng Liên Ðội I Thanh niên xung phong - Tây Nam Bộ, đang có mặt để nhận nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó ở chiến trường 1C… Lý do cuộc họp liên tịch quan trọng này là để triển khai nghị quyết Khu ủy và Quân Khu ủy mà trực tiếp là hai đồng chí Nguyễn Thành Thơ và đồng chí Nguyễn Hoài Pho phổ biến. Hôm nay chúng ta phân định nhiệm vụ và giao nhận địa bàn, mật danh, khẩu ám, để bắt đầu hoạt động. Xin mời các đồng chí để một phút mặc niệm chiến sĩ trận vong, phút mặc niệm bắt đầu!

 (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết