* Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ
Chương mười ba
ĐOÀN 195 VÀ THANH NIÊN XUNG PHONG HỌP LIÊN TỊCH
(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)
1.Người con gái Tây Nam Bộ ra trận như thế nào, chúng ta cần đặc tả để truyền lưu. Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc từng có hàng vạn chị em xung phong ra trận nối chí Bà Trưng, Bà Triệu ngàn xưa. Thời đánh Pháp xâm lược nước ta, có nhiều nữ anh hùng trên ba miền đất nước. Thời đánh Mỹ, con số nữ anh hùng lên đến hàng ngàn. BÁC HỒ đã tặng cho giới nữ tám chữ vàng ANH HÙNG - BẤT KHUẤT -TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG… khí phách nầy hội tụ trong lực lượng nữ thanh niên xung phong.
Những tấm gương từ tuyến đường 1C huyền thoại: Cô Út Nhì (Trịnh Ngọc Châu) sinh hoạt như con trai. Cô mặc áo bà ba đen gài nút cổ, áo không có nhấn ben như mấy cô gái trẻ. Lúc nhận nhiệm vụ cô 30 tuổi, đầm thắm, giản dị, động tác chậm chạp nhưng siêng năng, cần mẫn, gương mẫu, chân tình. Cô nhỏ người, da trắng - con gái Cần Thơ, gia đình nghèo, có mặt trong Ban Thanh vận Khu Tây Nam bộ từ năm 1963 - lúc cơ quan Thanh vận đóng ở kinh Cột Nhà. Cô là Bí thư Chi bộ cơ quan. Lúc Khu Đoàn cử người vào lãnh đạo Liên đội I Thanh niên xung phong, cô tự nguyện xin ra tiền tuyến. Vì cô thương các em, các cháu nữ, chưa đủ tuổi đã phải lên đường vận chuyển vũ khí. Sự có mặt của cô sẽ cổ vũ toàn đơn vị hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Trong văn phòng trại ở khu rừng tràm Gộc Xây, hình ảnh cô Út Nhì lụi hụi tối ngày dọn dẹp, rồi đọc tài liệu ghi chép danh sách đơn vị. Cô Út hay vạch đầu tóc bắt chí cho các cô nữ (vì dầm nước ngày đêm tải hàng, lại không có xà bông gội tóc, các cô mang đầy chí trên đầu). Cô Út Nhì lại thức đêm vá quần áo cho chiến sĩ.
Trong sâu thẳm tâm hồn cô, có một bức ảnh của ai đó, mà cô thường lấy ra nhìn lúc vắng người - chỉ có mỗi mình cô với nỗi buồn. Người trong bức ảnh đã chết trong một trận B52 oanh liệt gần cơ quan Khu đoàn. Cô Út vẫn kín đáo mang bức ảnh người ấy ra chiến trường 1C để khi nào nhớ nhau, cô lén xem một mình. Cô lưu luyến rời đơn vị trước khi kết thúc chiến tranh - theo mệnh lệnh Khu ủy. Cô lập gia đình và mất ở Vĩnh Long sau ngày toàn thắng, với vị trí Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trường Đảng tỉnh Cửu Long.
2.Cánh rừng Gộc Xây là quê hương thứ hai của Liên đội Thanh niên xung phong tuyến 1C. Khi ta tiếp cận địa bàn nầy, thì trời đã mưa sòng, nước ngập đồng tràm, anh chị em ta phải làm sạp bằng cây tràm con và che lán dưới tàn cây, rồi lấy dây chì kiềng lại, phòng khi máy bay trực thăng, cán gáo quạt, ngọn cây không dạt ra, không lòi nóc lán trại của mình.
Ban đầu, Liên đội I chỉ có 2 đại đội Nguyễn Việt Khái 2, 3 và Đại đội Hòn Đất, kéo nhau từ Nam Thái Sơn về đây xây căn cứ ở gần biên giới Vĩnh Tế - qua lại nhận, giao hàng. Hôm nay vừa sáng sớm, cô Út Nhì nhận được thư do Ban Chỉ huy Đoàn 195 gửi Ban Chỉ huy Liên đội Thanh niên xung phong. Cô liền đưa cho chú Năm:
- Anh Năm có thư.
Năm Đoàn mở thư ra, đọc vội mấy hàng.
“Mời đồng chí Liên đội trưởng và Chánh trị viên Thanh niên xung phong sang cứ điểm Hàng Đào - Vuông An Ninh gặp Ban Chỉ huy đoàn 195 chúng tôi, để bàn công tác vận chuyển.
Tư Mau”.
Đọc xong thư, anh Năm thông báo:
- Chị Út ơi, chuẩn bị đi họp liên tịch, mấy ông Đoàn 195 mời tôi và chị đó!
- Ở đâu anh Năm?
- Vườn chuối An Ninh, chỗ Hàng Đào.
Một vệ sĩ xách cây AK để xuống xuồng sẵn sàng, chờ chú Năm và cô Út Nhì xuống đi sang vườn chuối An Ninh, cách đó hơn 1km.
Nước nổi khá cao. Đưng, sậy mọc xen tràm. Dây giác, bình bát, bìm bìm thi nhau bò um tùm trên ngọn rừng. Ngoài tràm, còn cây bảy thưa, cây bí bái, cây mà ca. Sậy, bàng, lau, đế. Rừng nghèo và buồn.
Xuồng lướt như bay trên ngọn năn, luồn lách trong cây tràm chưa kịp lớn. Chú Năm Đoàn nói:
- Không có chỗ đào công sự, cũng không có chỗ giấu xuồng. Thôi được, để qua gặp Ban Chỉ huy Đoàn 195 bàn về căn cứ lại xem”.
Trời Gộc Xây xanh cao. Mây và chim qua lại hai bên biên giới nối liền. Cô Út Nhì ngồi gọn hơ dưới xuồng, bộ đồ bà ba đen từ chiến khu Cà Mau - cô giữ nguyên lên biên giới với tấm lòng sẵn sàng hiến đời cho “Tổ quốc quyết sinh”.
Đồng chí vệ sĩ chống sào nạng vững chắc, xuồng phóng tới như bay, vượt qua cả sậy đế. Mà lạ thay, xuồng lướt qua, chúng lại ngóc đầu lên như chẳng có chiếc xuồng nào vừa đè bẹp chúng vậy.
(Còn tiếp)