14/01/2022 - 14:08

1C- con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương tám 
TA VÀ ĐỊCH “GẶP” NHAU

(Tiếp theo)

2. Tỉnh trưởng An Xuyên Phạm Văn Út gọi Quận trưởng Thới Bình Nguyễn Văn Mâu đến phòng làm làm việc của mình. Cả hai mặc quân phục thủy quân lục chiến, người cao lớn, đẫy đà như “phụ mẫu Quốc gia”, chúng ngậm thuốc xì gà Pháp, thi nhau “pập”, “pập” và nhả ra mớ khói xanh mỏng, mùi khói tanh khét, song đối với chúng là sang, là ngon, là đúng mốt “thời thượng”.

Cuộc đời của Út và Mâu coi ra may mắn chán! Cùng tốt nghiệp trường Sĩ quan Ðà Lạt nhưng với Nguyễn Văn Bảy (Quận trưởng quận Sông Ông Ðốc) và Trần Ðông Triều (Quận phó) thì bị lực lượng nhân dân và du kích “Mười Tế” bao vây bức hàng, bức rút… Bảy và Triều phải bỏ chạy ra Cà Mau và được Út bổ nhiệm về Cái Nước làm Quận trưởng, Quận phó. Năm kia, tập đoàn cứ điểm Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là bị quân chủ lực miền Tây kết hợp với địa phương quân tại chỗ đánh chiếm. Bảy và Triều bị ta bắt làm tù binh. Không tin vào chính sách khoan hồng của cách mạng, Bảy và Triều trốn chạy lúc cải tạo, kẻ đào tẩu bị ngư dân bắt lại giải về trại giam và bị Giám thị Lê Văn Xem xử tử tại bãi mắm. Riêng Mâu và Út thì còn, giờ chúng gặp nhau để bàn việc đối phó với Liên đội Thanh niên xung phong mới thành lập theo chỉ thị của Khu ủy, mà Khu Ðoàn Thanh niên là người tổ chức thực hiện. Câu chuyện giữa hai sĩ quan ngụy đã kéo dài. Út nói tiếp:

- Theo lệnh của ông Mười Khẩn - Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ, lực lượng thanh niên xung phong mới thành lập sẽ đi về hướng Vĩnh Tế, tổ chức khiêng vác vũ khí qua biên giới. Cái này mới “ngặt” mình đây!

- Vì sao ngài biết tường tận thế?

Út cười hố hố, vẻ tự kiêu, vừa rót rượu Napoléon cho Mâu vừa nói:

- Nếu như tôi, mọi chuyện không biết, thì đâu thể chỉ huy ông!

Mâu riu ríu xu nịnh, tay đón ly rượu của thượng cấp đưa:

- Dạ ngài nói phải, chẳng qua em hỏi cho vui vậy mà. Ngài là “siêu”. Từ lúc ngài làm Tỉnh trưởng, Việt cộng bị ngài phong tỏa đến cạn kiệt!

- Không phải vậy đâu, ông đừng khen tôi quá lời. Quận Nhung bị họ hạ sát bằng cách giăng dây kẽm cho vướng chân vịt obo, rồi thư thả “để” vài băng tiểu liên cực mạnh cho Nhung đi đời, bỏ lại bà vợ và con bồ trẻ - thợ may ở Tân Ðức, đẹp như tiên. Còn tôi, cái bữa đi thị sát quận Ðầm Dơi, lúc quận Khả bị Bộ đội Ông Kiên Cường bắt sống cùng một tiểu đoàn bị xóa sổ, thì toàn dinh quận chỉ còn 6 thằng lính quèn. Tôi hoảng hốt xuống obo chạy trối chết về Cà Mau, hồn bất phụ thể…

- Tôi thành thật bái phục ngài về cái ngữ thông minh lanh lẹ. Nếu hoàn cảnh trong quận Ðầm Dơi lúc đó chỉ còn 6 “sĩ tốt”, mà ngài không “cao bay xa chạy”, có lẽ nay tôi không được hầu rượu quý với ngài!

- Này ông Mâu, cái xứ mình phụng sự cho “chính nghĩa Quốc gia” đây, chết như chơi. May mà tôi với ông còn “cái đầu đội nón”. Tất cả không vì ngẫu nhiên, mà nhờ vào sự nhanh nhẹn tránh né của mình. Phần này đại tá Nguyễn Văn Quang - Tư lệnh vùng 4, hay ho hơn chúng ta nhiều. Vương Kinh Tắc bên Tàu thời xưa có một câu nổi tiếng “Tam thập lục kế dĩ đào vi thượng sách” - nghĩa là ba mươi sáu diệu kế, bỏ chạy là hay nhất.

Út đưa ly rượu uống một ngụm, vẻ khoan khoái. Tên Mâu gật gù tán thưởng, rồi cũng uống phần rượu của mình. Út cầm chai Napoléon xoay xoay, nói tiếp:

- Ta còn uống rượu đắt tiền, có nghĩa là còn chống Cộng như ngài Tổng thống Johnson mong đợi. Tôi và ông nhớ mãi lần Việt Cộng dùng đại liên và phóng lôi mang tên “Lăn-xờ-bom” do kỹ sư Ba Lò Rèn, tức anh hùng Việt cộng Nguyễn Trung Thành sáng chế, bắn chìm hai tàu sắt và bắt sống ba tàu “Fom” ở rạch Giồng Ông, sông Cái Tàu. Trận đó, Trung sĩ Mồng và 1 tiểu đội bảo an của ta bị bắt sống.

- Ngài quên sao? Mấy chiếc tàu sắt và “Fom” cao tốc của “giang đoàn Hưng Ðạo” hôm đó đậu trước cửa dinh quận Thới Bình của tôi chớ đâu. Khi được lệnh ngài, họ hộc tốc chạy chưa kịp từ giã tôi. Ðó rồi họ chết, hoặc bị bắt sống với phương tiện hải quân bị họ chiếm… mà ta gọi là mất tích, tha hồ cho cha mẹ vợ con quan, lính tử trận khóc lóc, cào đất kêu trời như bọng!

(Còn tiếp)

 

 

Chia sẻ bài viết