13/01/2022 - 08:37

1C - con đường huyền thoại

 Bút ký của Nhà thơ NGUYỄN BÁ

Chương tám

TA VÀ ĐỊCH “GẶP” NHAU

(Xem từ số báo ngày 22-12-2021)

Tại vuông An Ninh thuộc cánh đồng Gộc Xây hoang hóa, Trạm 90 - Ban chỉ huy Ðoàn 195 thuộc Cục Hậu cần Quân khu IX trú đóng nơi đây.

Những vạt tràm thưa thớt, cùng rừng tràm loang lổ, cây tạp và dây leo quen thuộc, tạo nên một địa thế sầm uất, phủ xanh mặt đất lò rèn sình sụp một màu xanh hoang dã. Nước lũ tràn về, lên cao hơn 2 thước, mọi sinh hoạt phải dựa vào xuồng mõ. Ngược lại mùa khô thì nước rút, chỉ còn lại dưới đáy đìa sâu những khối nước trong vắt, xanh lè và chua như phèn, không sao uống hoặc nấu thức ăn được. Các loại rắn lục, hổ mang chực chờ cắn chết những ai “xâm phạm lãnh địa” của chúng! Tuy nhiên vườn chuối An Ninh có mấy liếp vườn của dân địa phương bao đời trồng đào lộn hột và xoài, mít, tre, dừa, chuối. Cây mất cây còn, sậy đế, cây tạp và dây leo xâm thực khu vườn chẳng còn gì nguyên vẹn. Ban lãnh đạo Ðoàn 195 đã chọn nơi đây lập bản doanh. Họ trải tấm bản đồ,  lấy bút đỏ ra điểm một ngôi sao ngay vườn chuối An Ninh chầm tẩu nầy.

Trong lán trại nhỏ, vải mưa căng giữa tàn lá che khuất, phải lại gần mới thấy rõ. Bàn ghế và giường ngủ làm bằng cây tràm, cây bình binh, cây lau và sậy. Mấy chiếc sắc-cốt treo trên mấy móc cây dựa vách. Gối đầu giường nằm là ba lô cóc, màu xanh lá cây.

Ấm nước đặt trên “rề-xô” nấu dầu, bom lách cách với tiếng xì khè khè như tiếng giận dữ của loài rắn hổ mang trong hang sâu. Bình trà nhỏ nhắn, có hình mỹ nữ ẻo lả.

Chánh ủy Trương Tấn Lộc độ 40 tuổi, trẻ đẹp như còn 30. Hiền hậu, rắn rỏi, nét kiên nghị hiện lên trong mắt của một chiến binh vừa thắng giặc Pháp xâm lược (lúc kháng chiến 9 năm). Ðồng đội của ông trong Ban chỉ huy có các ông: Sáu Ðặc, nguyên cán bộ kinh tài Khu, chồng cô Bảy Lê - chiến sĩ cách mạng Nam kỳ 1940.

Tư Mau (Hùng Lùn), Tỉnh ủy viên Kiên Giang, từng bảo vệ đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Bộ những năm trước cuộc Ðồng Khởi. Ông còn có tên là Phan Văn Nhờ, cùng chú hai Bông Văn Dĩa mở tuyến vận chuyển vũ khí Bắc - Nam trên biển Ðông.

Tư Khánh (Nguyễn Hùng Khánh), cán bộ Huyện ủy rồi Tỉnh ủy viên Kiên Giang, được Khu ủy cử qua làm Phó Chánh ủy tuyến đường. Ông là người tiếp nhận nguồn hàng gần 100 ngàn tấn tại cảng Sihanouk Ville, dùng voi và xe GMC tải dài qua Bắc lộ 4 - Stúc Mía về núi Bang Hang - Kirivong làm kho lưu trữ và về đây lập Ðoàn 195 cùng thanh niên xung phong để chuyển tải về Tây Nam Bộ cung ứng cho chiến trường trước Tổng tấn công 1968.

Bản doanh Ðoàn 195 “độc đáo nhất thế giới”. Bộ chỉ huy Việt Mỹ liên quân Sài Gòn nghe thấy nó được thành lập, nhưng nó như thế nào và ở đâu thì chúng mù tịt. Tướng Ðặng Văn Quang - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật được quan chức cao cấp CIA là Coby gợi ý phải cho dò tìm hai đơn vị mới thành lập này. Nhưng trên thực tế thì Liên đội I Thanh niên xung phong do Năm Ðoàn và Út Nhì chỉ huy chưa lên tới. Hiện chỉ có Ðoàn 195 cặm chân đứng chờ những bạn trẻ của họ.

1. Chú Tư Khánh rót trà thơm ngát, cung cách “trà đạo” chiến khu. Tư Khánh:

- Uống trà đi anh Tư, anh Bảy, anh Sáu…

Ba cán bộ gom lại bàn trà dã chiến, cầm tách trà đưa gần mũi thưởng thức. Bảy Lúa:

- Tổ mật mã báo là gánh Út Nhì, Năm Ðoàn đã thành lập Ban chỉ huy Liên đội I gồm 3 đồng chí, đang lên đường tiến tới Gộc Xây.

Tư Mau:

- Năm Ðoàn là “dân trường Tiền Phong”, nổi tiếng trừ gian diệt ác vùng Phú Mỹ - Giáp Nước - Vàm Ðình.

Sáu Ðặc:

- Thì thằng ác ôn phản động Hồng Văn Tham - cảnh sát xã Phú Mỹ, cũng gánh anh em trẻ bắn chết. Tên sát cộng nầy, cha nó, nó cũng giết!

Tư Khánh:

- Chương trình tới tính sao anh Bảy?

Bảy Lúa:

- Chờ Năm Ðoàn và Út Nhì lên tới, ta họp bàn.

Tư Khánh:

- Ðịnh cho họ dựng lán trại ở đâu, khu rừng nào?

Bảy Lúa:

- Gần đây thôi. Lực lượng thanh niên xung phong các tỉnh đưa về thì để vùng Nam Thái Sơn tập dợt cho quen nước quen cái. Biên chế đơn vị xong, ta chia làm 4 trạm. Rồi mở Ðường 6 xuyên biên giới, khui kho hàng ở núi Bang Hang, chở về…

Sáu Ðặc:

- Tuyến lộ Cái Sắn cũng căng lắm, anh Tư?

Tư Mau:

- Căng. Nhưng ta có nội tuyến ở đồn Tân Hiệp và ta có liên hệ được Linh mục Năm nên được bà con di cư Bắc 54 che chở.

Bảy Lúa:

- Tôi thấy phải nhờ đồng chí Tư Khánh về Giục Tượng lập trạm đầu cầu ở đó, tổ chức xuyên suốt tuyến đường từ Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Ba Ðình về đây. Xong đâu đó, đồng chí mới trở về Stúc Mía, với đàn voi vận chuyển.

Tư Mau:

- Ðồng chí Hai Cầu, Tỉnh ủy viên, Chính trị viên Tỉnh đội, Bí thư huyện Tân Hiệp, đã mở con đường vận chuyển vũ khí xuyên lộ Cái Sắn, ngay khúc Kinh Năm Mong Thọ. Rồi đồng chí rải Tiểu đoàn 207 chủ lực tỉnh Kiên Giang, chia ra từng đội “chốt” dài các trạm dọc tuyến đường từ Cái Sắn về Gộc Xây…

Tư Khánh:

- Anh Chín Lân - Khu ủy viên, bữa gặp tôi có nói ý anh Mười Khẩn muốn ta tổ chức thêm con đường vận chuyển công khai bằng ghe, xuồng hai đáy, dựa sinh hoạt bà con thương hồ làm ăn mua bán đường dài mà tổ chức.

Tư Mau:

- Ờ, có tính rồi - giọng chú Tư rắn chắc như giọng tướng lĩnh.

 (Còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết