07/02/2017 - 21:09

10 xét nghiệm quan trọng cần làm để sống vui, sống khỏe

Do cuộc sống bận rộn mà nhiều người trì hoãn hoặc quên lãng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lối sống. Trong khi đó, thăm khám sức khỏe thường xuyên là biện pháp thiết thực giúp phòng ngừa và hạn chế thương tổn do bệnh tật, bởi hầu hết các căn bệnh đều có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát nếu được chẩn đoán sớm. Vì vậy, các bác sĩ khuyên chúng ta chú ý 10 loại xét nghiệm quan trọng dưới đây để có cuộc sống an vui và khỏe mạnh.

1. Kiểm tra sức khỏe tim

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bắt đầu kiểm tra sức khỏe tim hằng năm từ 20 tuổi trở đi để tầm soát nguy cơ mắc bệnh. Đối với những ai trên 45 tuổi, gia đình có tiền sử bệnh tim và đang bị cao huyết áp hoặc hút thuốc lá, việc kiểm tra sức khỏe tim càng vô cùng quan trọng. Những yếu tố cần thường xuyên theo dõi để đánh giá tình trạng tim là huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm stress và đo điện tâm đồ.

2. Xét nghiệm mỡ trong máu (cholesterol)

Đây là xét nghiệm quan trọng vì giúp phát hiện nguy cơ bệnh tim, dựa trên nồng độ cholesterol "xấu" (LDL) hoặc cholesterol "tốt" (HDL) và chỉ số triglyceride trong máu. Nếu một người có tổng cholesterol hơn 200, trong đó HDL dưới 40 hoặc LDL trên 130 thì nhiều khả năng mắc bệnh tim. Ngoài ra, cholesterol cao cũng tăng nguy cơ bệnh về túi mật.

Tốt nhất mọi người nên bắt đầu xét nghiệm cholesterol từ 20 tuổi. Nếu kết quả âm tính, có thể kiểm tra lại sau 5 năm. Đối với người gia đình có tiền sử bệnh tim, bác sĩ khuyến cáo nên xét nghiệm mỗi năm 1 lần.

3. Xét nghiệm chỉ số đường huyết

Xét nghiệm hemoglobin A1C (HbA1c) là xét nghiệm máu quan trọng phản ánh mức độ đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng qua. Kết quả này giúp bác sĩ xác định nguy cơ bệnh tiểu đường khi chỉ số A1C >= 6,5% dựa trên hai hình thức xét nghiệm riêng biệt.

Đối tượng cần lưu ý xét nghiệm bệnh tiểu đường là người trên 45 tuổi, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên, có huyết áp và mỡ trong máu cao, bị bệnh tim hoặc gia đình có tiền sử tiểu đường. Ngoài ra, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, sinh con nặng từ 4kg trở lên hoặc từng mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng cần tầm soát tiểu đường.

4. Đo mật độ xương

 

Xét nghiệm này giúp chúng ta nhận biết sớm nguy cơ loãng xương. Đây cũng là xét nghiệm bắt buộc đối với phụ nữ mãn kinh bởi trong vòng 5-7 năm sau đó, khối lượng xương của họ mất tới 30%. Nam giới cần đo mật độ xương khi bước vào tuổi 60 hoặc khi có chỉ định của bác sĩ.

5. Sàng lọc ung thư vú

Phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo chụp X-quang tuyến vú – còn gọi là chụp nhũ ảnh – mỗi năm 1 lần để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường (nếu có). Thời điểm chụp nhũ ảnh tốt nhất là vừa qua "ngày đèn đỏ".

6. Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Đây là một trong số ít bệnh nguy hiểm ở giới nữ có thể ngăn chặn nếu phát hiện sớm. Hiện có 2 phương pháp kiểm tra giúp phát hiện những thay đổi ở cổ tử cung dẫn tới ung thư, đó là xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP) và xét nghiệm vi-rút gây u nhú ở người (HPV), nếu kết quả PAP không rõ ràng. Phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi được khuyến cáo áp dụng phương pháp PAP. Nếu trên 30 tuổi, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để trực tiếp xét nghiệm HPV.

7. Nội soi đại tràng

Phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán nguy cơ ung thư đại trực tràng trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Có đến 90% các trường hợp mắc bệnh được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người từ 50 tuổi nên nội soi đại tràng. Đặc biệt, đối tượng có tiền sử gia đình mắc bệnh cần xét nghiệm sớm hơn 10 năm.

8. Sàng lọc ung thư miệng

Hiện không có hình thức xét nghiệm tiêu chuẩn bởi gần như bệnh chỉ phát hiện khi tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các khu vực khác. Do vậy, kiểm tra nha khoa thường xuyên là cách tốt nhất để sớm nhận biết các tổn thương bất thường trong khoang miệng. Người nghiện rượu và thuốc lá là đối tượng cần cân nhắc sàng lọc ung thư miệng.

9. Xét nghiệm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Hiện nay, nam giới có thể sàng lọc bệnh ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp kiểm tra trực tràng kỹ thuật số (DRE) hoặc xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (PSA). Đối với phương pháp thứ 2, chỉ số PSA khoảng 4,0ng/ml hoặc thấp hơn là dấu hiệu bình thường. Nếu mức độ PSA trong máu cao hơn thì nhiều khả năng mắc các vấn đề về tuyến tiền liệt.

 

Nam giới tốt nhất nên sàng lọc PSA từ tuổi 50. Tuy nhiên, những ai có tiền sử gia đình mắc bệnh thì cần xét nghiệm trước đó 5-10 năm, tức khi bước vào tuổi 40-45.

10. Khám mắt

Kiểm tra mắt có thể giúp chúng ta nhận diện dấu hiệu sớm một số bệnh như tiểu đường, tăng nhãn áp. Những người trên 40 tuổi được khuyến cáo nên khám mắt hai năm 1 lần và định kỳ 6-12 tháng/lần nếu trên 65 tuổi.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Health Site)

Chia sẻ bài viết