16/10/2019 - 10:54

1/3 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân 

Trong báo cáo công bố ngày 15-10, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) cho rằng 1/3 trong tổng số gần 700 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới đang bị nhẹ cân hoặc thừa cân và chúng sẽ đối mặt với những vấn đề sức khỏe về sau.

Một em bé còi cọc ở Ấn Độ. Ảnh: news18

Theo Unicef, hiện có quá nhiều trẻ em sống trong “những sa mạc thức ăn”, tức nơi thiếu những lựa chọn lành mạnh chẳng hạn như trái cây, rau củ và trứng. Số khác lại sống trong “những đầm lầy thức ăn”, tràn ngập thực phẩm được chế biến sẵn, dinh dưỡng thấp và nhiều calorie.

Năm ngoái có hơn 200 triệu trường hợp dưới 5 tuổi còi cọc hoặc ốm yếu. Ngoài ra, ít nhất 340 triệu em đang bị tình trạng “đói ngầm”, nghĩa là không được hấp thu các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Ở những trẻ dưới 5 tuổi, chế độ ăn trong 1.000 ngày đầu sau thụ thai là nền tảng để phát triển sức khỏe tâm sinh lý. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 5 trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trẻ thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể bị tổn thương hệ miễn dịch, thị lực kém và những khuyết tật về thính giác. Trong khi đó, thiếu sắt gây bệnh thiếu máu và giảm chỉ số thông minh (IQ). Điều này diễn ra “ngầm” vì chúng ta không hay biết ảnh hưởng của nó cho đến khi đã quá muộn, theo chủ bút báo cáo Brian Keeley.

Tài liệu trên cũng cảnh báo người nghèo nhất ở các nước phát triển và đang phát triển là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi suy dinh dưỡng, vì các chế độ ăn có lợi cho sức khỏe ngày càng đắt đỏ trong khi thực phẩm chế biến sẵn lại đang rẻ hơn.

Một vấn đề khác cũng nhức nhối không kém là thừa cân. Tình trạng này cách nay 30 năm không xuất hiện ở những nước nghèo, nhưng nay 75% quốc gia thu nhập thấp có ít nhất 10% trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Trong giai đoạn 2000-2016, tỷ lệ trẻ thừa cân đã tăng từ 1/10 lên gần 1/5. Thức ăn vặt rẻ tiền và có sẵn đã khiến cho nạn béo phì ở trẻ em trầm trọng hơn. 

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Telegraph)

Chia sẻ bài viết