“Văn mới 2007-2008” là tập truyện nhiều tác giả gồm 27 truyện ngắn do NXB Hội Nhà văn và Công ty cổ phần văn hóa Đông A phối hợp xuất bản vào tháng 10-2008. “Văn mới” là tuyển tập được xuất bản hằng năm kể từ năm 2005, đã hình thành phong cách riêng của “thương hiệu” này: tập hợp những sáng tác chứa đựng những góc nhìn trẻ về cuộc sống, dù nhiều tác giả có tác phẩm được chọn trong tuyển tập không còn trẻ.
“Văn mới 2007-2008” giới thiệu những sáng tác tiêu biểu nhất trong năm của nhiều nhà văn thuộc những thế hệ khác nhau, tạo cho tuyển tập sự đa dạng về giọng điệu, văn phong, bút pháp và cả đề tài. Sợi chỉ đỏ xâu chuỗi những truyện trong tuyển tập này là những góc nhìn trẻ trung về cuộc sống.
Đầu tiên phải kể đến những “cây đa, cây đề” trong làng văn. Với văn phong tinh tế, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, nhà văn Tô Hoài đã khiến người đọc chìm trong cảm giác bâng khuâng, lãng đãng trong mối tình không thể nói ra của hai người không còn trẻ với truyện “Chùa Am”. Bùi Ngọc Tấn hớn hở trong những kỷ niệm đi câu thời trẻ trong “Tôi đi câu cá”, Ma Văn Kháng với những hoài niệm thích thú trong “Lênh đênh sông nước miền Tây”. Các nhà văn trưởng thành trong thời kỳ đổi mới như Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai... thì vẫn luôn làm người đọc ngạc nhiên về những trải nghiệm mới về cuộc sống bằng bút pháp linh hoạt, uyển chuyển. Người bắt gặp ở đây một Lê Minh Khuê thường đề cập đến những vấn đề nhức nhối của xã hội một cách u buồn, nay cái nhìn bỗng trở nên trong trẻo với “Nước trong”, kể về hai cô bé sinh viên nghèo vượt qua những cám dỗ vật chất và vô vàn cạm bẫy xã hội. Hay một Nguyễn Thị Thu Huệ không còn kể những chuyện tình duyên trắc trở, mà khiến người đọc cảm nhận sự vô thường trong cuộc sống qua “Sống gửi thác về” - kể về một người phụ nữ suốt đời không đi đâu ra ngoài để tránh tai nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và gia đình, nhưng cuối cùng lại chết đột ngột vì bệnh ung thư gan.
Đông đảo nhất trong tuyển tập là những cây bút trẻ đã khẳng định tên tuổi trong 5 năm gần đây như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên... và không ít tác giả mới lần đầu tiên góp mặt vào “Văn mới” như Tân Lê, Trương Quế Chi, Đỗ Trí Dũng... Bản thân cũng là những người trẻ, nên những vấn đề mà các tác giả này đề cập cũng gần gũi với giới trẻ. Từ câu chuyện tình yêu đầy tiếc nuối trong “Của ngày đã mất” của Nguyễn Ngọc Tư, đến những băn khoăn về những mối quan hệ lỏng lẻo giữa người và người trong “Trước ngày sinh nở” của Nguyễn Ngọc Thuần, “Hợp đồng của quỷ” của Nguyễn Danh Lam, rồi sự mệt mỏi, chán chường sau những ngày tháng mải chạy theo công danh trong “Điện thoại đường dài” của Trương Quế Chi, “Nàng Email” của Tân Lê, hoặc những cảm xúc trong trẻo tràn ngập thương mến đối với các em học trò của thầy giáo vùng xuôi đi dạy xóa mù chữ ở bản Mèo trong “Thương nhớ Lèng Hồ” của Phạm Duy Nghĩa... Mỗi truyện được xây dựng trên những nhân vật có cá tính, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều gặp nhau ở điểm chung: sau những băn khoăn, lo lắng, chán chường, mỗi nhân vật đều tìm cho mình một lối đi riêng để tiếp tục sống tốt và sống có ích.
Tuyển tập “Văn mới 2007-2008” là một quyển sách xứng đáng có trong tủ sách của những người yêu thích văn chương, đặc biệt là thể loại truyện ngắn.
XUÂN VIÊN