07/11/2020 - 09:33

Ðức xem Trung Quốc là “thách thức có hệ thống” 

Trong khi lên tiếng kêu gọi hợp tác quân sự lớn hơn giữa các nước đồng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 5-11 đã mô tả Trung Quốc như “một thách thức có hệ thống”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer dự cuộc họp báo ở Berlin. Ảnh: Bloomberg

Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds, bà Kramp-Karrenbauer Berlin tuyên bố Berlin sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Canberra và các nước khác nhằm duy trì hòa bình, ổn định và “trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”. Theo Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer, Ðức - Úc đã thống nhất về các giá trị chung như pháp quyền, nhân quyền và tự do hàng hải, nhưng một số quốc gia khác lại “không sẵn sàng chấp nhận” những nguyên tắc này.

Như ngầm cảnh báo về việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên Biển Ðông và những khu vực khác, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh quan điểm của Ðức đã được định hình bởi vụ Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, diễn biến khiến Mát-xcơ-va hứng chịu những chỉ trích và biện pháp cấm vận từ quốc tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ðiều này cho thấy chúng tôi không chỉ lên án những hành động như thế tại châu Âu, mà đó còn là nguyên tắc cơ bản sẽ được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ðức nói rõ. Bà Kramp-Karrenbauer viện dẫn vụ sáp nhập trên để nhắc nhở nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột tương tự tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy mô tả Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng và có vai trò quyết định trong việc giải quyết những thách thức trên toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, song Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer lưu ý rằng cường quốc đang trỗi dậy này cũng đặt ra “thách thức có hệ thống”, do vậy vấn đề cần phải được thảo luận công khai. Về phần mình, người đồng cấp Úc Reynolds hoan nghênh sự quan tâm ngày càng lớn của Ðức đối với khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Bà Kramp-Karrenbauer đưa ra phát biểu trên chỉ vài ngày sau khi Berlin thông báo sẽ điều một khu trục hạm đến tuần tra tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 2021, đồng thời cũng triển khai các sĩ quan đến đây, một phần trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện chưa từng có của Ðức tại châu Á. Ðối với khu vực này, lâu nay hoạt động quân sự của Ðức chỉ dừng lại ở các sứ mệnh cố vấn, huấn luyện và thực hiện các chuyến thăm hữu nghị.

Nhận định về kế hoạch trên, Thượng tá về hưu Ralph Thiele, Chủ tịch Hiệp hội quân sự - chính trị tại Berlin, cho rằng nỗ lực tìm kiếm vai trò lớn hơn tại châu Á đã bộc lộ nhận thức của Ðức về sức mạnh và tầm quan trọng địa chính trị ngày một lớn dần của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Trung Quốc với Ðức và Úc đã xấu đi trong bối cảnh hai đồng minh của Mỹ này lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn cũng như những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh. Hơn nữa, việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tỏ thái độ khó chịu đối với các đồng minh truyền thống cũng đặt ra hoài nghi về hiện diện lâu dài của Washington tại khu vực.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức

Tháng 9 vừa rồi, Chính phủ Ðức đã thông qua chiến lược “Ðịnh hướng đối với khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương”, nhằm thúc đẩy can dự mạnh mẽ hơn nữa của nước này với vai trò là một bên tạo lập và là đối tác của khu vực vốn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trên thế giới.

Berlin tin rằng trong thế kỷ 21, các lực lượng kinh tế và chính trị ngày càng chuyển dịch về Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nơi có 3 nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời có tới 20/33 siêu đô thị trên thế giới.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết