08/09/2019 - 09:11

“Thời kỳ vàng” của Philippines 

Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng mang tên “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” trị giá khoảng 153 tỉ USD của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, sáng kiến mà ông tuyên bố sẽ mang đến “thời kỳ vàng” dành cho cơ sở hạ tầng, bắt đầu trở thành hiện thực khi nhận được nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng như nhiều thỏa thuận đã được ký kết.

Tàu lửa trên cao ở Manila. Ảnh: Twitter

Tàu lửa trên cao ở Manila. Ảnh: Twitter

Theo tờ Asia Times, hồ sơ dự thầu xây dựng giai đoạn hai của tuyến đường sắt Hành lang Bắc-Nam dài 163km nối Sân bay Clark với thành phố Calamba đã được nộp và thu hút 9 nhà thầu quốc tế cùng 2 nhà thầu địa phương. Được biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ đồng tài trợ dự án với vốn đầu tư khoảng 9-10 tỉ USD này. Trong đó, ADB sẽ tài trợ một nửa, gồm số tiền 2,75 tỉ USD cho tuyến đường dài 51km nối thành phố Malolos với Sân bay Clark, còn JICA sẽ tài trợ xây dựng các hệ thống tín hiệu và toa xe lửa, trong khi Chính phủ Philippines sẽ đối ứng 1,4 tỉ USD cho dự án. Đáng chú ý là JICA cũng đang là nhà tài trợ cho dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của thủ đô Manila trị giá 6,9 tỉ USD. Hồi tháng 2 vừa qua, hợp đồng thiết kế và xây dựng hệ thống đã được trao cho 4 tập đoàn gồm Shimizu và Fujita của Nhật Bản, Takenka và EEI của Philippines.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt Hành lang Bắc-Nam nói trên chỉ là một phần trong kế hoạch “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” nhằm phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau trên toàn quốc, trong đó có việc mở rộng Sân bay Clark và xây dựng thành phố mang tên New Clark City với dân số khoảng 1,2 triệu người, tạo ra 800.000 việc làm mới. Kế hoạch xây dựng New Clark City được cho là bước chuẩn bị để di dời tất cả các cơ quan chính phủ đến từ Manila, nơi được dự báo sẽ có nhiều địa điểm bị chìm trong vài thập niên tới.

Nhật Bản không phải là nhà tài trợ quốc tế duy nhất cho Philippines, mà Trung Quốc cũng đứng ở tốp đầu. Hiện khoảng 10 tỉ USD của chương trình dành cho kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt mới bên ngoài Manila, gồm trên đảo Mindanao – quê nhà của Tổng thống Duterte, đang nhận được nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Trong chuyến thăm mới đây của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh, hai bên đã ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt phía Nam với nguồn vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Đến nay, Philippines đã bắt tay với Trung Quốc xây dựng 3 tuyến đường sắt, gồm tuyến đường sắt dài 630km nối Manila với các tỉnh Bicol và Quezon sẽ được đưa vào hoạt động vào quý IV-2019, tuyến đường vận chuyển hàng hóa dài 70km nối khu kinh tế Clark với Vịnh Subic và tuyến đường sắt dài 100km trên đảo Mindanao.

Trong nhiều thập kỷ qua, Philippines được cho tụt hậu trong phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt vốn được xem là ít tiêu hao năng lượng, thân thiện môi trường và là cách tốt nhất để giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông của Manila. Chính phủ Philippines ước tính  thiệt hại kinh tế trong năm 2014 do tắc nghẽn đường ở thủ đô này là 53,6 triệu USD/ngày, tương đương 18 tỉ USD/năm, trong đó những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Manila chiếm khoảng 10% trên tổng dân số 108 triệu người của Philippines và đóng góp tới 39% GDP. 

Hệ thống đường sắt quốc gia Philippines đã giảm từ mức hơn 2.000km trước Chiến tranh Thế giới thứ hai xuống còn chỉ 70km, tất cả đều ở Manila. Đáng nói là Manila đã đi trước các thủ đô Đông Nam Á khác trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị hạng nhẹ trên cao vào đầu những năm 1980. Hiện hệ thống đường sắt dài 48km này của Manila đã lỗi thời và quá tải khi vận chuyển đến 283 triệu lượt hành khách năm 2015. Do đó, giải quyết nhu cầu vận chuyển tại Manila trong khi theo đuổi mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế mới bên ngoài thủ đô là một ưu tiên của chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” được chính quyền Tổng thống Duterte triển khai vào tháng 4-2017. Dự án đường sắt đầu tiên tại Manila đến nay đang được triển khai là tuyến trên cao Blummentritt-Malolos dài 37km do JICA tài trợ.

Điện Malacañang mới đây cho biết, Tổng thống Duterte muốn các dự án lớn của chính phủ trong khuôn khổ chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”, trong đó có Sân bay quốc tế Sangley Point, hoàn thành trước khi ông mãn nhiệm kỳ vào năm 2020. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Philippines