28/02/2024 - 09:07

Ðồng điệu 

Gần 50 năm “gừng cay muối mặn”, vợ chồng ông Trần Minh Phụng và bà Lê Hoàng Anh (ngụ khu vực 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) gắn bó, khắn khít với nhau bằng sự đồng điệu, trong ấm ngoài êm. “Chất men” của gia đình hạnh phúc này chính là một hành trình chia ngọt sẻ bùi và chung niềm đam mê đờn ca tài tử.

Vợ chồng ông Phụng, bà Hoàng Anh bên những chú bồ câu nuôi.

Có dịp tham dự nhiều buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của các câu lạc bộ trên địa bàn quận Ninh Kiều, hình ảnh sánh đôi, chung lời ca tiếng hát của ông Minh Phụng và bà Hoàng Anh khiến chúng tôi ấn tượng. Ông bà rất đam mê đờn ca tài tử, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ đều đặn và nhiệt tình. Vợ chồng ông Phụng đã đoạt nhiều thành tích trong các liên hoan đờn ca tài tử. Ông Phụng hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử quận Ninh Kiều, hội viên Hội Sân khấu TP Cần Thơ. Ngoài ca tài tử, ông Phụng còn có khả năng viết lời mới cho bài bản tài tử, vọng cổ, được các tài tử ca và giới thiệu trên sóng truyền hình. Bà Hoàng Anh cũng là thành viên Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử quận Ninh Kiều, Câu lạc bộ Sân khấu phường An Khánh…

Kể về niềm đam mê tài tử, ông Phụng cho biết: Vợ chồng ông đều cùng quê ở một xã vùng sâu của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, vốn có truyền thống đờn ca tài tử. Lớn lên, ông Phụng tham gia du kích địa phương, bà Hoàng Anh thì làm giao liên, may quân trang cho bộ đội… và trong lòng luôn nuôi nấng tình yêu vọng cổ, cải lương. Họ kết hôn đầu năm 1975, đến năm 1977 thì cô con gái đầu chào đời, tiếp sau đó, lần lượt hai cô con gái sau ra đời trong niềm vui của đôi vợ chồng trẻ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Phụng dạy học, được ít năm thì chuyển qua nghề thợ bạc. Bà Hoàng Anh thì ở nhà chăm lo cho các con. Dù cuộc sống thời đó còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng gia đình nhỏ của ông Phụng luôn tràn ngập niềm hạnh phúc nhờ đồng lòng vượt khó, trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm.

Năm 1984, gia đình ông Phụng lên Cần Thơ lập nghiệp và sinh sống đến hôm nay. Bà Hoàng Anh kể, ông Phụng thì theo đuổi đờn ca xuyên suốt, còn bà vì lo cho con cái, gia đình, nên ít có thời gian tập luyện, sinh hoạt. Ðến khoảng năm 1995 trở về sau, với sự ủng hộ, động viên của chồng, bà tham gia các câu lạc bộ đờn ca tài tử, văn nghệ, tham gia các lớp truyền nghề ca tài tử… và tự tin biểu diễn. Chỗ nào chưa hay, chưa mùi thì ông Phụng góp ý, chỉnh sửa thêm. Chính nhờ sự đồng điệu ấy mà vợ chồng ông bà luôn gắn bó, khắng khít bên nhau. Bà Hoàng Anh kể: “Vợ chồng tôi hễ buồn thì cũng rủ nhau đờn ca cho vui. Có tuổi rồi, tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử thấy cuộc sống thêm ý nghĩa, vui vẻ và người khỏe hơn”.

Gia đình ông Phụng giờ đã trong ấm ngoài êm. Ba cô con gái giờ đã ổn định cuộc sống, 6 cháu ngoại cũng ngoan ngoãn, học giỏi, khiến ông bà hài lòng. Nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ hôn nhân, ông bà xem đó là “trái ngọt” đời người.

Dẫn chúng tôi xem nơi nuôi bồ câu gầy dựng chừng 2 năm qua, vợ chồng ông Phụng không giấu được niềm vui. Ông Phụng kể, ông cứ nghĩ nuôi cho vui nhưng thấy dễ nuôi lại cho thu nhập nên ông mở rộng. Từ 30 cặp bồ câu bố mẹ ban đầu, đến nay ông đã gầy dựng được khoảng 200 cặp bồ câu bố mẹ, có bồ câu thịt bán thường xuyên. Công việc này cho vợ chồng ông thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng giúp vợ chồng ông  có “đồng ra đồng vô” và “đỡ buồn”. Ông Phụng phấn khởi: Mỗi con bồ câu ra ràng, trọng lượng khoảng 350gram, có giá bán 80.000 đồng. Dịp Tết vừa rồi, ông nhận được nhiều đơn hàng, bồ câu không đủ bán. “Bồ câu dễ nuôi, ít công chăm sóc, lại có thị trường ổn định, với lại vợ chồng cũng thấy vui hơn”, ông Phụng nói.

Ðã ở tuổi ngoài thất thập nhưng vợ chồng ông Phụng không chọn sống thu mình mà quảng giao, tìm niềm vui với đam mê tài tử, với bạn bè tri âm và với những mối quan hệ xã hội mới mẻ. Có lẽ nhờ vậy mà ông bà trẻ hơn so với tuổi của mình và luôn lạc quan, yêu đời từ sự đồng điệu ấy.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

 

Chia sẻ bài viết