11/06/2009 - 09:37

“Nội chiến” trong ngành tình báo Mỹ

Giám đốc Tình báo Quốc gia Dennis Blair (phải) và giám đốc CIA Leon Panetta (trái) lúc được Tổng thống Barack Obama thông báo bổ nhiệm chức vụ hồi tháng Giêng 2009.
Ảnh: UPI

Theo Thời báo New York ngày 9-6, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dennis Blair hồi tháng trước (cụ thể là ngày 19-5) đã gởi một thông cáo mật, trong đó cho biết cơ quan của ông muốn sử dụng quyền hạn của mình để tuyển chọn người đứng đầu ngành tình báo Mỹ tại các nước trên thế giới. Nhưng một ngày sau đó, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panett lại khẳng định rằng CIA vẫn đảm trách công việc điều phối hoạt động tình báo ở nước ngoài do các nhóm trưởng của CIA thực hiện như suốt nhiều thập niên qua.

Cuộc tranh chấp quyền hành giữa hai lãnh đạo ngành tình báo Mỹ khiến tướng James Jones, Cố vấn an ninh quốc gia, đang phải cố gắng tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Tuy nhiên, nó cho thấy nội bộ ngành tình báo Mỹ vẫn tiếp tục lủng củng cho dù đã được chính quyền George Bush “chỉnh đốn” lại hồi năm 2004. CIA chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động tình báo bên ngoài thông qua các đại sứ quán Mỹ từ những năm 1940, và hiện nay các quan chức CIA lo ngại ông Blair cùng Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia muốn giành lấy vai trò này và có thể làm tổn hại mối quan hệ lâu đời giữa CIA với các cơ quan tình báo nước ngoài. Về phần mình, ông Blair rất giận dữ khi biết giám đốc CIA không chịu nằm dưới sự điều phối của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia. CIA từng chế giễu Văn phòng Tình báo Quốc gia, vốn được lập ra để giữ vai trò điều phối chung giữa 16 cơ quan tình báo của Mỹ (trong đó có CIA) là bộ máy quan liêu và không cần thiết, trong khi ban giám đốc Tình báo Quốc gia có lần mô tả các quan chức CIA là những người có đầu óc hẹp hòi, thiển cận.

Ông Panetta hiện đang trấn an các nhân viên của mình tại Langley, bang California (nơi đặt trụ sở CIA) rằng ông sẽ đấu tranh bảo vệ đặc quyền của CIA tại Nhà Trắng, nơi ông từng làm chánh văn phòng dưới thời Bill Clinton và đang có mối quan hệ với nhiều cố vấn cấp cao của Tổng thống Barack Obama, trong đó có đương kim Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel. Thế nhưng, Giám đốc Tình báo Quốc gia Blair dường như đang nhận được sự hậu thuẫn của các nhà lập pháp có thế lực, những người cho biết họ không hài lòng việc CIA không chịu giảm vai trò của mình trong ngành tình báo. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, yêu cầu CIA chấp nhận giảm bớt vai trò của mình như là cách giúp ngành tình báo Mỹ thoát khỏi cái tư tưởng lạc hậu từ thời Chiến tranh lạnh. Ngoài ra, so với Giám đốc CIA Panetta, ông Blair là người có nhiều thời gian trong Phòng Bầu dục hơn, nơi ông thỉnh thoảng trao thông tin tình báo hằng ngày trực tiếp cho Tổng thống Obama. Đặc biệt, ông Blair, một đô đốc hải quân về hưu, cũng là người quen biết của Cố vấn an ninh Nhà Trắng James Jones trong nhiều năm, khi hai người còn trong quân đội.

Nhưng nếu ông Blair quyết tâm “đưa CIA vào khuôn phép” thì nội bộ ngành tình báo Mỹ chắc chắn sẽ “có chuyện”. Còn nhớ hồi năm 2005, các quan chức CIA từng đe dọa từ chức khi Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte đề nghị được bổ nhiệm một quan chức của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) làm người đứng đầu ngành tình báo Mỹ tại Thủ đô Wellington của New Zealand.

PHÚC KIẾN

Chia sẻ bài viết