|
Ông Allawi xuất hiện trước công chúng tối 26-3. Ảnh: AP
|
Theo kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội Iraq hôm 7-3 vừa được Ủy ban bầu cử nước này công bố tối 26-3, khối Phong trào Quốc gia Iraq của cựu Thủ tướng Iyad Allawi dẫn đầu với 91 ghế, hơn 2 ghế so với Liên minh Nhà nước Pháp quyền của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nouri al-Maliki. Liên minh Dân tộc Iraq của người Shiite đứng thứ 3 với 70 ghế, trong khi Liên minh người Kurd thân Tổng thống Jalal Talabani giành được 43 ghế. Sau khi kết quả bất ngờ trên được công bố, Thủ tướng al-Maliki từ chối thừa nhận thất bại và nhấn mạnh đây chưa phải là “kết quả chính thức cuối cùng” (ám chỉ sẽ còn đơn khiếu nại gian lận hoặc kiểm phiếu lại). Ông cho biết thêm, ngay cả khi Phong trào Quốc gia Iraq của cựu Thủ tướng Allawi vẫn về nhất, Liên minh Nhà nước Pháp quyền sẽ hợp tác với Liên minh Quốc gia Iraq để tạo ra khối chính trị quan trọng nhất (có tổng cộng 159 ghế) trong quốc hội 325 thành viên.
Dư luận cho rằng kết quả trên khó thay đổi, bởi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Iraq Ad Melkert đã đánh giá đây là cuộc bầu cử “đáng tin cậy” và kêu gọi tất cả các bên chấp nhận kết quả bầu cử. Đại sứ Mỹ tại Iraq Christopher Hill và Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq, tướng Ray Odierno, cũng khẳng định “không có bất kỳ bằng chứng gian lận hàng loạt hay nghiêm trọng nào” trong tiến trình bầu cử và là “bước đi quan trọng của nền dân chủ” ở nước này.
Theo quy định, trong vòng 30 ngày, quốc hội mới sẽ nhóm họp và bầu chọn tổng thống. Nhiều khả năng nhà lãnh đạo người Kurd Jalal Talabani sẽ tái đắc cử. Hiến pháp Iraq yêu cầu tổng thống đắc cử phải nhận được 2/3 số đại biểu quốc hội ủng hộ, nhưng cũng cho phép chỉ cần chiếm đa số giản đơn (hơn 50%) số phiếu hậu thuẫn trong trường hợp bế tắc. Sau đó, trong vòng 15 ngày, tổng thống sẽ đề cử người đứng đầu của khối chính trị lớn nhất trong quốc hội đứng ra thành lập chính phủ trong vòng 30 ngày tiếp theo. Và cuối cùng, trong vòng 30 ngày nữa, quốc hội sẽ nhóm họp để phê chuẩn nội các mới. Như vậy, nếu kết quả chính thức cuối cùng được công bố ngày 1-4, thì phải đến ngày 1-6, Iraq mới có tân thủ tướng, sau đó mới đến lượt tân nội các được quốc hội phê chuẩn trước ngày 1-7.
Theo các nhà phân tích, tiến trình thành lập chính phủ ở Iraq sẽ hết sức khó khăn, đặc biệt là với Phong trào Quốc gia Iraq của cựu Thủ tướng Allawi. Chiến thắng của nhà lãnh đạo thuộc phe Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở Iraq này chủ yếu nhờ sự ủng hộ của cử tri Sunni, những người tin vào cương lĩnh chính trị thế tục (phi giáo phái) của ông. Họ kỳ vọng ông Allawi nếu đắc cử thủ tướng sẽ đối xử công bằng giữa các phe phái tôn giáo và ngăn chặn bạo lực sắc tộc phát triển lan tràn dưới thời của Thủ tướng al-Maliki. Nhưng cũng chính vì vậy, ông Allawi sẽ khó tìm được đồng minh quan trọng giữa hai phái dòng Shiite là Liên minh Nhà nước Pháp quyền và Liên minh quốc gia Iraq. Nếu không làm được điều này, ông Allawi có thể phải nhường quyền thành lập chính phủ mới cho chính hai đối thủ này cùng với Liên minh người Kurd.
Cần nhắc lại rằng ông Allawi (sinh năm 1945) là thủ tướng tạm quyền Iraq giai đoạn 6-2004 đến 4-2005 và bị cáo buộc là “con rối” của Mỹ. Ông từng là thành viên đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein. Khi Hussein lên cầm quyền, ông Allawi chạy tị nạn sang Anh năm 1975 và sáng lập một đảng chính trị riêng quy tụ các sĩ quan quân đội và an ninh bất mãn chế độ Hussein để chuẩn bị đảo chính với sự trợ giúp của tình báo Mỹ và Anh nhưng thất bại thảm hại. Vì thế, ông được coi là “người của CIA” (Cục Tình báo Trung ương Mỹ). Tuy nhiên, khi trở về nước làm thủ tướng tạm quyền, ông Allawi công khai phản đối việc thanh lọc các cựu thành viên đảng Baath ra khỏi bộ máy cầm quyền mới, nên ông bị dư luận chỉ trích là còn có “tình cảm riêng” với đảng này. Và người ta cũng phàn nàn ông chỉ thích sinh sống tại nước ngoài trong bối cảnh nhân dân Iraq đối mặt với nguy cơ nội chiến và xung đột chính trị giáo phái đẫm máu.
PHÚC GIA AN (Theo BBC, VOA, AP, Reuters, WP, LWJ)