|
Ngoại trưởng Syrie Walid al-Moallem trong bài phát biểu tại LHQ. Ảnh: Telegraph |
Trong bài phát biểu 30 phút trước gần 200 thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ), Ngoại trưởng Syrie Walid al-Moallem không bỏ lỡ cơ hội hướng mũi chỉ trích về phía các quốc gia mà ông cho là "hoàn toàn chịu trách nhiệm cho một Syrie rạn nứt vì nội chiến".
Cáo buộc Mỹ tiếp tay cho "chủ nghĩa khủng bố" ở Syrie
Hôm 1-10, phát biểu trong phiên họp Đại Hội đồng LHQ, Ngoại trưởng Syrie Walid al-Moallem cáo buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh đã thúc đẩy "chủ nghĩa khủng bố" cũng như đổ lỗi cho các nước láng giềng, các phần tử cực đoan và cả giới truyền thông đã gây ra tình trạng leo thang bạo lực ở Syrie.
Ông al-Moallem cáo buộc các phần tử cực đoan đã kéo dài khủng hoảng ở Syrie đồng thời nêu đích danh các nước Mỹ, Pháp, Arabie Séoudite, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã "xúi giục và hỗ trợ tài chính, vũ khí và các tay súng nước ngoài cho chủ nghĩa khủng bố bên phe đối lập ở Syrie".
"Chủ nghĩa khủng bố này được hỗ trợ từ bên ngoài là sự phối hợp từ sự khiêu khích chưa có tiền lệ của giới truyền thông dựa trên việc châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan, vốn được ủng hộ bởi các quốc gia lớn tại khu vực Trung Đông"- Ngoại trưởng al-Moallem cáo buộc.
Nhấn mạnh trước ngoại trưởng và nhà ngoại giao của 193 nước thành viên LHQ đang nhóm họp tại thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng al-Moallem đã bác bỏ kêu gọi của Washington, các quốc gia A-rập và phương Tây đòi Tổng thống al-Assad từ chức và cả việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syrie.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Syrie cũng lên tiếng mời phe đối lập "cùng hợp tác chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu tại Syrie" đồng thời cho rằng đàm phán do người dân Syrie dẫn đầu có thể mở ra một đất nước "dân chủ và đa nguyên hơn". Song, phía phe đối lập đã bác bỏ khi cho rằng lời kêu gọi trên "không xác thực", đồng thời ví bài phát biểu của Ngoại trưởng al-Moallem là "bài tuyên truyền" cho chế độ Tổng thống Bashar al-Assad.
Quay sang tố các quốc gia "thừa nước đục thả câu"
Ngoại trưởng al-Moallem cho rằng các nhóm vũ trang đang kích động người dân tại các khu vực biên giới lánh nạn sang các nước láng giềng để bịa đặt ra "một cuộc khủng hoảng người tị nạn". Ông al-Moallem cho rằng một số quốc gia trong khu vực và thế giới muốn lợi dụng xung đột tại Syrie nhằm tạo ra "một quốc gia bất ổn", qua đó mượn cớ cho hành động can thiệp từ bên ngoài.
Không những vậy, ông còn tố cáo rằng những người dân Syrie lánh nạn đã bị lôi kéo sang các quốc gia láng giềng trong cái mà ông gọi là "cuộc khủng hoảng tị nạn giả tạo" để các quốc gia này hưởng lợi từ việc tiếp nhận viện trợ của nước ngoài.
Tại LHQ, ông al-Moallem vẫn giữ quan điểm bác bỏ bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài đối với tình hình Syrie trên danh nghĩa "can thiệp nhân đạo" hay "trách nhiệm bảo vệ" dân thường Syrie.
Trong khi đó, theo phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, trong cuộc gặp trước đó với ông al-Moallem, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi Chính phủ Syrie "nên cho thấy lòng trắc ẩn đối với chính người dân của họ".
"Ngài Tổng Thư ký nêu rõ bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về những gì đang diễn ra từ các cuộc tấn công đầy chết chóc, thiệt hại nặng nề, xúc phạm nhân quyền cũng như các vụ công kích và tấn công bằng pháo do lực lượng quân đội chính phủ thực hiện "- hãng tin Mỹ AP dẫn lời người phát ngôn của ông Ban Ki-moon.
THANH BÌNH (Theo AP, NY Times)
Phái đoàn an ninh Ai Cập đến Syrie?
Hãng tin AP dẫn lời các quan chức giấu tên tại sân bay ở Thủ đô Cairo cho biết, một phái đoàn an ninh cấp cao của Ai Cập đã đến Syrie hôm 1-10 trong một chuyến thăm được cho là hiếm hoi. Nguồn tin trên còn cho biết, phái đoàn của Ai Cập sẽ lưu lại Syrie trong 2 ngày.
Chuyến đi bất ngờ trước đây của Ai Cập diễn ra khi họ dẫn đầu 3 quốc gia trong khu vực gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arabie Séoudite nằm trong "Bộ tứ Hồi giáo" do Ai Cập đề xuất, cùng chung nỗ lực tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột tại Syrie. Tuy nhiên, không rõ chuyến đi lần này có liên quan đến vấn đề trên hay không.
|